Quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh - Bài 1: TPHCM - to đẹp, đàng hoàng hơn

So với thành phố Sài Gòn trước năm 1975, đến nay khu vực đô thị thành phố mang tên Bác Hồ đã tăng gần gấp đôi. Khu trung tâm thành phố - theo đồ án quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010 - không chỉ gói gọn ở quận 1 mà đã mở rộng thêm một phần quận 3, 4 và Bình Thạnh. Huyện Thủ Đức ngày xưa nay đã trở thành quận 9 và quận Thủ Đức. Một phần huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè đã trở thành quận 12, quận 7, Bình Tân, Tân Phú…
Quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh - Bài 1: TPHCM - to đẹp, đàng hoàng hơn

So với thành phố Sài Gòn trước năm 1975, đến nay khu vực đô thị thành phố mang tên Bác Hồ đã tăng gần gấp đôi. Khu trung tâm thành phố - theo đồ án quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010 - không chỉ gói gọn ở quận 1 mà đã mở rộng thêm một phần quận 3, 4 và Bình Thạnh. Huyện Thủ Đức ngày xưa nay đã trở thành quận 9 và quận Thủ Đức. Một phần huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè đã trở thành quận 12, quận 7, Bình Tân, Tân Phú…

Sài Gòn đẹp lắm...

Những ai đã từng xa Sài Gòn - TPHCM hàng chục năm trước, nay trở về chắc không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay đến không ngờ của “vùng đất dữ” quận 4.

Suốt dọc trục đường Khánh Hội, Nguyễn Tất Thành… là những ô nhà phố hình bàn cờ khang trang, sạch sẽ. Khách, dù là người tinh mắt cũng khó tìm thấy dấu vết vùng “đất dữ” ngày xưa.

Bên cạnh những ô nhà phố là các cao ốc mới, hiện đại với khoảng không gian công cộng thông thoáng. Đây là kết quả của chính sách chỉnh trang đô thị theo hướng “bóc lõm” cả khu phố xập xệ và thay vào đó là các cao ốc. Diện tích đất dôi dư đã được sử dụng làm không gian công cộng cho cả cộng đồng.

Phải đến ở trong một chung cư ở quận 4 vào những đêm hè oi ả mới cảm nhận hết ý nghĩa của sự chỉnh trang này. Không gian thoáng đãng đã tạo ra những luồng gió mát từ sông Sài Gòn thổi đến khu dân cư mới.

Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, thực ra quận 4 chưa phải là quận đi tiên phong trong việc chỉnh trang đô thị theo hướng xây dựng lại cả một ô phố như vậy. Quận 5 mới là đơn vị đi đầu nhưng quận 4 lại là quận thực hiện chương trình này thành công nhất. Việc chỉnh trang đô thị đã làm quận 4 thay đổi gần như toàn bộ bộ mặt của mình.

Khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng có sự thay đổi thần kỳ. Theo một số người đã ở Sài Gòn trước 1975, do hậu quả chiến tranh nhiều gia đình mất nhà đã đến cư ngụ dọc bờ kênh này từ những năm 1960 - 1970 của thế kỷ trước, đã tạo ra một trong những khu nhà ổ chuột lớn nhất Sài Gòn.

Đầu những năm 1993 - 1994, TPHCM đã quyết tâm giải tỏa nhà ổ chuột và chỉnh trang lại toàn bộ con kênh này. Đã có không ít băn khoăn về tính khả thi của quyết tâm ấy bởi thực sự lúc đó thành phố còn nghèo. Thế nhưng, TPHCM đã làm được và theo TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM, kết quả này trở thành một trong những yếu tố quyết định để Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 200 triệu USD xây dựng lại toàn bộ hệ thống cống thoát nước, cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Dự án này vẫn chưa hoàn thành nhưng bộ mặt đô thị nơi đây đã hoàn toàn khác xưa. Không còn những ngôi nhà lụp xụp, nhếch nhác nằm trên kênh rạch, thay vào đó là những ngôi nhà mới được xây dựng quy củ.

Quận 7 - Nhà Bè xưa thưa thớt người, nay đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã trở thành vùng đất “trong mơ của nhiều người”. Và không chỉ có Phú Mỹ Hưng, nhiều khu vực ở quận 7 - Nhà Bè khác cũng đang trở thành đích nhắm của nhiều người như đô thị Phước Kiểng, đô thị cảng Hiệp Phước… Những vùng đất sình lầy, nhiễm mặn ngày xưa của quận 7 - Nhà Bè đã bị “đẩy” tít ra xa. Tương lai mảnh đất này còn phát triển hơn nữa bởi TPHCM đã quyết định phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và dịch vụ cảng biển lớn nhất ở đây.

Khu vực nội thành cũ bao gồm các quận 1, 4, 5, Phú Nhuận… do đã phát triển khá ổn định nên không có những bước chuyển mình mạnh mẽ như các quận huyện khác, nhưng tại đây cũng có rất nhiều cao ốc mới đang mọc lên. Việc xuất hiện của chúng còn gây nhiều tranh cãi về tính thẩm mỹ, những tác động xấu đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu nhưng những tòa cao ốc này đang góp phần đổi mới diện mạo thành phố, làm thành phố ngày càng to đẹp, đàng hoàng và hiện đại hơn. “Hòn ngọc Viễn Đông”, đang tiếp tục được mài dũa, tỏa sáng…

Các cao ốc tiếp tục vươn mình ở khu vực trung tâm TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các cao ốc tiếp tục vươn mình ở khu vực trung tâm TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thênh thang đường mới...

Mặc dù ùn tắc giao thông vẫn là nỗi ám ảnh và bức xúc của người dân thành phố. Tuy nhiên, khi nhìn nhận vấn đề phải đặt trong bối cảnh dân số thành phố và các phương tiện giao thông đang gia tăng mạnh mẽ và ngân sách thành phố đầu tư cho giao thông rất có hạn, mới thấy hết được những nỗ lực của thành phố trong việc giải tỏa vấn nạn này.

Ngay từ những năm 1990, trong khi còn gặp rất nhiều khó khăn, TPHCM đã quyết tâm đầu tư mở rộng 4 cửa ngõ ra, vào thành phố vốn đang bắt đầu quá tải, ùn ứ. Bắt đầu là việc mở rộng và xây dựng mới đường Hùng Vương nối dài ra đến tận Bến xe miền Tây và kết nối với quốc lộ 1A đi các tỉnh miền Tây Nam bộ. Kế là việc mở rộng bùng binh Hàng Xanh, mở đường Nguyễn Hữu Cảnh mới ra Xa lộ Hà Nội, làm thông thoáng cửa ngõ phía Đông đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Với sự giúp đỡ của Bộ Giao thông Vận tải, TPHCM đã mở rộng cửa ngõ đi Tây Ninh…

Đặc biệt, Đại lộ Đông-Tây kết nối từ phía Đông sang phía Tây thành phố đã tạo ra một hành lang thông suốt từ Đông sang Tây, góp phần cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Bên cạnh Đại lộ Đông-Tây, cầu Phú Mỹ và hệ thống đường trên cao kết nối từ đường Nguyễn Văn Linh ra Xa lộ Hà Nội cũng rất đặc biệt. Chúng đặc biệt không chỉ ở quy mô là một cầu dây văng lớn nhất thành phố mà còn biểu trưng cho tính năng động của thành phố. Chỉ bằng những cơ chế tài chính linh hoạt, TPHCM đã thu hút được vốn đầu tư từ bên ngoài cho công trình này. Phương tiện lưu thông qua cầu chỉ phải trả một khoản phí trong vòng 25 năm. Thời gian còn lại 75 năm (trong tuổi đời 100 năm của cầu), cây cầu thuộc sở hữu của thành phố.

Cầu Phú Mỹ và hệ thống đường trên cao là một phần trong vành đai 2. Có vành đai này, các phương tiện giao thông có thể đi từ phía Đông sang phía Tây thành phố mà không phải đi vào nội ô, vừa tiết kiệm chi phí, vừa tránh ô nhiễm, ùn tắc giao thông.

Theo ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, trước kia bắc qua sông Sài Gòn chỉ có cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu và một vài cầu nhỏ khác. Thế nhưng, hiện nay đã có thêm cầu Thủ Thiêm, Phú Mỹ và sắp tới là hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2… Sự xuất hiện của những cây cầu này có một ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển sang phía Đông thành phố. Chúng sẽ là điều kiện đủ, kích hoạt đô thị mới Thủ Thiêm hình thành theo hướng hiện đại để trở thành trung tâm mới của thành phố Bác trong tương lai.

Đường trục Bắc-Nam không hoành tráng như Đại lộ Đông-Tây nhưng hiện nay đã có 2 làn xe xuôi ngược mỗi chiều, góp phần rất lớn cho sự phát triển của hệ thống cảng biển ở Hiệp Phước và đô thị cảng Hiệp Phước. Chưa có nhiều đường cho các quận, huyện ven nhưng ở Củ Chi lại là một ngoại lệ. “Về Củ Chi, đi đường nhựa” - đã có một bài báo viết về Củ Chi như thế. Câu nói này đã phản ánh rất đúng thực trạng giao thông ở Củ Chi. Hầu hết các con đường nông thôn ở đây đã được trải nhựa, làm bộ mặt nông thôn Củ Chi tươi đẹp hẳn lên.

>> Bài 2: Những điều trăn trở 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục