Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 đề ra định hướng phát triển giao thông cho thành phố trên tất cả các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không với các sân bay và bến cảng… Chúng tôi xin trích giới thiệu với bạn đọc phần quy hoạch giao thông vận tải đường bộ.
Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22-1-2007. Đây là quy hoạch được thực hiện theo quan niệm “thành phố mở” kết nối TPHCM với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và giúp thành phố giải quyết căn cơ vấn nạn ùn tắc giao thông với quy định tăng quỹ đất dành cho giao thông lên 16%-20% vào năm 2020, 22%-24% vào năm 2025. (hiện nay quỹ đất cho giao thông chưa đạt 10%/đất đô thị thành phố).
Hàng chục đường hướng tâm đối ngoại
Để là “thành phố mở”, TPHCM sẽ có khoảng 10 trục đường “đối ngoại” đưa thành phố gắn bó chặt chẽ với các địa phương. Đó là các đường hướng tâm đối ngoại được thực hiện từ việc nâng cấp các quốc lộ hướng tâm hiện tại (quốc lộ 1, quốc lộ 1K, quốc lộ 13, quốc lộ 22). Riêng quốc lộ 50 đoạn từ vành đai 2 vào khu vực nội thành được cải tạo, nâng cấp thành đường đô thị và xây dựng mới tuyến song hành.
Ngoài ra, sẽ có thêm nhiều đường cao tốc có năng lực thông xe lớn, kết nối TPHCM với các địa phương như: TPHCM - Vũng Tàu, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Đà Lạt, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Trung Lương - Cần Thơ, đường cao tốc liên vùng phía Nam TPHCM - Nhơn Trạch.
Bốn đường vành đai
Nhiệm vụ chính của các đường vành đai là giúp thành phố điều tiết lại nhu cầu giao thông trong nội thành theo hướng từng bước đưa ô tô các loại ra lưu thông ở đây thay vì đi trong nội đô (nếu xe đó không có nhu cầu vào nội thành). Đây là động thái quan trọng trong việc chống quá tải và ùn tắc giao thông ở TPHCM.
Theo quy hoạch, TPHCM sẽ có 4 đường vành đai trong đó đường vành đai 1 do đã nằm sâu trong nội thành nên được gọi lại tên cho chính xác hơn: đường trong đô thị với tiêu chuẩn đường đô thị cấp 1. Đường vành đai 2, bắt đầu từ ngã tư Gò Dưa-ngã tư Bình Phước-ngã tư An Sương-vòng qua đường Nguyễn Văn Linh-cầu Phú Mỹ-Xa lộ Hà Nội… Hiện tại, đây là đường vành đai được TPHCM tập trung xây dựng nhiều nhất nhưng cả tuyến vẫn còn nhiều đoạn chưa thể kết nối như đoạn từ cầu Phú Mỹ ra Xa lộ Hà Nội…
Đường vành đai 3, có hướng tuyến và các điểm kết nối như sau: nối vào đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - khu vực Ngã ba đường Tân Vạn - đường vành đai thành phố Biên Hòa (theo quy hoạch chung thành phố Biên Hòa) - thị trấn Búng, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương - phía Bắc thị trấn Hóc Môn - đường Thanh Niên (dọc kênh An Hạ, gần nông trường Nhị Xuân, nông trường Lê Minh Xuân, TPHCM) - đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, nối vào điểm đầu đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Bình Chánh, TPHCM. Tuyến đường này, chủ yếu đang trong quá trình nghiên cứu và tìm nguồn vốn đầu tư. Tiến độ thực hiện đường vành đai 4 cũng tương tự như đường vành đai 3. Vành đai 4 có hướng tuyến và các điểm kết nối như sau: nối với các đô thị vệ tinh của TPHCM theo các hướng: phía Đông thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - phía Bắc thị xã Thủ Dầu Một - thị trấn Củ Chi - thị trấn Đức Hòa nối vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương tại khu vực thị trấn Bến Lức - quốc lộ 50 - cụm cảng Hiệp Phước.
Các đường chính nội đô và bốn tuyến đường trên cao
Khác với các trục đường hướng tâm đối ngoại, các đường chính nội đô và đường trên cao trực tiếp giúp giảm tải cho hệ thống đường hiện hữu trong nội đô thành phố và chống ùn tắc giao thông ngay tại các khu vực này.
Các bến, bãi đỗ xe: Ưu tiên xây trên cao hoặc ngầm Cải tạo, xây dựng, chuyển chức năng bến bãi hiện có và xây dựng các bến bãi mới để hình thành mạng lưới giao thông tĩnh, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông công cộng và đỗ xe cá nhân trong đô thị. Ưu tiên xây dựng các bãi đỗ xe ngầm và trên cao tại khu đô thị đã ổn định. Xây dựng các bãi trung chuyển hàng hoá tại cửa ngõ ra vào nội đô và dọc vành đai 2. Cải tạo và xây dựng các kho thông quan nội địa, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của thành phố. T. Đ |
Theo quy hoạch, TPHCM có các trục đường chính nội đô mới như đại lộ Đông - Tây nay gọi là đường Võ Văn Kiệt, đường trục Bắc - Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh - Khu công nghiệp Hiệp Phước cùng một số đường hiện hữu đã có từ lâu như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ khởi nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi… Đối với các trục đường hiện hữu, đồ án quy hoạch chỉ rõ: TPHCM phải cải tạo nhằm nâng cao năng lực thông xe của chúng.
Bốn đường trên cao của thành phố. Tuyến 1: từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuyến 2: từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường số 3 - đường vành đai 2. Tuyến 3: từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Cừ nối dài - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh. Tuyến 4: từ nút giao thông Bình Phước theo quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn - đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1. Nguyên tắc xây dựng: 4 tuyến đường phải liên thông với nhau để giải quyết giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng giao thông lớn.
Nút giao thông và cầu, hầm lớn vượt sông
Theo đó, trên sông Nhà Bè, xây dựng mới cầu Bình Khánh. Trên sông Lòng Tàu, xây dựng mới cầu Phước Khánh. Trên sông Thị Vải, xây dựng mới cầu Phước An. Tất cả 3 cây cầu này đều nằm trên đường cao tốc liên vùng phía Nam.
Trên sông Đồng Nai: xây dựng mới các cầu từ thượng lưu đến hạ lưu gồm: cầu Thủ Biên (nằm trên đường vành đai 4), cầu Hóa An II (nằm trên quốc lộ 1K), cầu Long Thành (nằm trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), cầu Nhơn Trạch (đường vành đai 3) và cầu Nhơn Trạch (nằm trên đường sắt Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - Cảng hàng không quốc tế Long Thành).
Trên sông Sài Gòn: xây dựng mới các cầu từ thượng lưu đến hạ lưu gồm: cầu Phú Thuận (trên đường vành đai 4), cầu Bình Gởi (trên đường vành đai 3), cầu Phú Long (trên tỉnh lộ 12), cầu Tam Bình (trên đường sắt vành đai TPHCM), cầu Bình Lợi I (đường trên cao số 2), cầu Bình Lợi II (trên đường vành đai 1), cầu Bình Lợi III (trên đường sắt Bắc - Nam), cầu Bình Quới (nối vào bán đảo Thanh Đa), cầu Sài Gòn II (trên Xa lộ Hà Nội), cầu Thủ Thiêm I (nối vào đường Ngô Tất Tố), cầu Thủ Thiêm II (khu vực Ba Son, đường Tôn Đức Thắng), cầu Thủ Thiêm III (nối trung tâm sang quận 4), cầu Thủ Thiêm IV (nối trung tâm sang quận 7), cầu Phú Mỹ (đã xây dựng xong); xây dựng mới 2 hầm sang Thủ Thiêm bao gồm hầm cho đường bộ và hầm cho tàu điện ngầm.
Trên Kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Chợ Đệm, rạch Ông Lớn, rạch Xóm Củi, rạch Các: xây dựng mới các cầu từ thượng lưu đến hạ lưu, vị trí và quy mô phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị.
TPHCM sẽ cải tạo, xây dựng mới các nút giao thông chính khác mức hoặc đồng mức, tập trung trên các đường vành đai, các đường hướng tâm, các đường phố chính nội đô.
AN NHIÊN - THU TUYẾT