Quy hoạch hàng rong

Hàng rong, quán cóc là những thứ gắn bó khăng khít với đời sống của các cộng đồng dân cư. Ứng xử đúng với hàng rong, quán cóc chính là một trong những thước đo của chính quyền thân thiện với nhân dân.
Quy hoạch hàng rong

(SGGPO-TS).- Hàng rong, quán cóc là những thứ gắn bó khăng khít với đời sống của các cộng đồng dân cư. Ứng xử đúng với hàng rong, quán cóc chính là một trong những thước đo của chính quyền thân thiện với nhân dân.

Ông Lê Văn Thái, bán hàng lưu niệm từ hơn 50 năm nay ở lề đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1

Ông Lê Văn Thái, bán hàng lưu niệm từ hơn 50 năm nay ở lề đường Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1

Chuyện người 50 năm bán hàng rong

Mũ beret gắn đầy huy hiệu, miệng móm mém luôn nở nụ cười, cả ngày bám vỉa hè bán hàng lưu niệm nhưng lại chả cần tiền, bán hàng rong mà cũng có nghệ danh. Ông là Lê Văn Thái hay Minh Quyền, ở đường Đồng Khởi, TPHCM.

Ông Thái năm nay 78 tuổi, vào sinh sống ở Sài Gòn được 59 năm. Trừ dăm ba năm làm lái xe cho một công ty lương thực, ngược xuôi với những chuyến hàng nông sản khắp miền Tây, còn thì ông sống bám vỉa hè. Hằng ngày, nắng cũng như mưa, cứ 6g30 là ông chạy chiếc xe Chaly cúc cu từ phòng trọ bên hông chợ Phạm Văn Hai, phường 3, quận Tân Bình đến trước cửa nhà số 105 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1 để bắt đầu một ngày mưu sinh đến tận 10g30 đêm.

Từ ngày 1-8-2008, UBND TPHCM ra lệnh cấm bán hàng rong trên 4 tuyến đường trọng điểm là: Lê Duẩn, Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ (quận 1), từ tháng 6-2009, thêm 11 đường và có chủ trương cấm cả trên 38 tuyến đường kiểu mẫu ở 16 quận - huyện. Thông tin về những chiến dịch dẹp hàng rong, quán cóc tới tấp bay đến càng làm nhiều người củng cố niềm tin rằng hình thức buôn bán này chính là lực cản của văn minh đô thị. Điều ấy có phần đúng, nhưng cũng lại hơi… oan uổng.

Trải tấm nylon sát tường, kéo ra vỉa hè chừng 60cm dài, 40cm rộng, vuốt phẳng phiu, chèn mép cẩn thận rồi ông nhẩn nha lấy trong ba lô ra ít đồng tiền cổ, vài bức tranh, dăm ba chiếc huy chương, huy hiệu, áo phông… xếp ngay ngắn.

Tiếp đến là công việc quan trọng nhất, chọn mấy tấm huy chương, huy hiệu của đoàn, đội, hội, quân sự, dân sự, Tây, Tàu, ta đủ cả, cẩn trọng cài lên chiếc mũ beret rồi thảnh thơi ngồi ngắm phố phường. Cái mũ thì lạ, cái miệng móm mém luôn tươi cười, “hello”, “bon jour” khắp lượt nên khách bộ hành khoái ông lắm.

Một ông người Pháp dừng lại tán tếu với ông mấy câu rồi xin được mân mê chiếc huy hiệu Hồ Chí Minh mà ông đính trên chóp mũ. Chuyện vãn một hồi, ông khách ngồi xuống ngắm mấy bức ký họa bày trên “sạp”.

Ông Thái lại liến thoắng: Đây là cảnh mục đồng chăn trâu thổi sáo, hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam thanh bình; kia là chân dung một ông lão nông dân, “thấy cái mặt nhăn nheo, đôi mắt sâu hoắm của ông ấy không, khắc khổ thế đấy mà miệng vẫn cười như tôi đây này”. Cả hai cùng cười vang, ông khách móc tờ 5 USD mua bức tranh, trước khi gói gém cẩn thận, còn hỏi mãi ý nghĩa cái nghệ danh Minh Quyền mà ông Thái thả những nét chữ nhảy múa ở góc trái bức họa…

Nhà to, nhà nhỏ ở Hà Nội, Sài Gòn, căn chia cho con cái, căn cho thuê, tám người con, năm trai, ba gái phương trưởng cả, đứa nào cũng muốn đón bố về báo hiếu nhưng ông Thái chỉ thích sống một mình. Đời ông ung dung tự tại, bé thì chùa nuôi, lớn thì trời nuôi, ông tếu táo vậy. Chả là lúc mới sinh, Thái quặt quẹo quá nên cha mẹ gửi cho chùa nuôi.

Dăm chục năm nay ông ra vỉa hè của một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn hít khí trời mà sống vui, sống khỏe. Chả ham hố buôn bán gì, tranh thì tự vẽ, kiến thức thì đọc qua sách báo, tếu táo thì là của mình, ông Thái cứ ra vỉa hè ngồi, bày mấy thứ đồ cho đẹp rồi ngắm chơi. Người qua kẻ lại, ông tươi cười chào hỏi, mời “xem cho vui”, ai ưng thì mua, có vật dụng gì thích thì trao đổi, không thì đứng hút với nhau điếu thuốc, nói dăm ba câu chuyện.

“Mỗi tháng kiếm nhì nhằng được cỡ hai triệu đồng, đủ tiền nộp phạt ngày ít thì bốn chục, ngày nhiều thì tám chục ngàn đồng. Ôi dào, tôi cũng có làm gì đến tiền đâu” - nói đoạn, ông thả cho điệu cười sang sảng lan trong gió…

- Từ sáng đến giờ kiếm được bao nhiêu rồi bố?

- Mới được nộp phạt bốn chục ngàn đồng.

Màn chào hỏi quen thuộc mỗi lúc tôi ghé thăm ấy làm cả hai bố con và nhân viên bán hàng, bảo vệ, tiếp tân… của mấy cửa hàng gần đó đều phá lên cười. Hơn 50 năm qua, ông ngồi ở địa chỉ này, bày bán mấy đồng tiền cổ, vài bức tranh, dăm ba chiếc huy chương, huy hiệu, áo phông… cho du khách trong và ngoài nước. Sạp hàng của ông bày ngay ngắn và sạch đẹp, nép sát tường, không hề ảnh hưởng gì đến mỹ quan đô thị và sự qua lại của khách bộ hành. Ấy thế mà “ngày nào cũng chạy cả chục bận” và cứ lâu lâu mấy người trong đội trật tự đi ngang, lại dúi cho ông cái giấy phạt. Một kiểu phạt cho tồn tại!

Nên thay “cấm” bằng “quy hoạch, hướng dẫn”

Còn rất nhiều người chịu chung số phận với ông Thái, người bán sách báo ngoại văn, cẩm nang du lịch, người bán hoa tươi, kẻ cắt hình bóng… Việc buôn bán của họ không những không gây cản trở đường đi lối lại mà ở một góc độ nào đó, còn góp phần làm duyên cho phố phường. Rõ ràng, khi ra lệnh cấm hàng rong, quán cóc, những nhà quản lý đã quá cứng nhắc khi đánh đồng những người bán đồ lưu niệm, văn hóa phẩm với những người bán hàng ăn uống để gán cho họ cái tội làm mất vệ sinh công cộng, cản trở giao thông, gây mất mỹ quan đô thị… rồi cấm luôn cho tiện!

Một trong những cái cớ mà các nhà quản lý vin vào để ra lệnh dẹp hàng rong, quán cóc là quy cho nó gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn nạn của nhiều địa phương trên cả nước nhưng hầu như không có ở những người bán hàng rong, quán cóc trên địa bàn TPHCM.

"Ở Pháp, nơi tôi sinh ra và sống trước khi đến Canada, văn hóa này (hàng rong, quán cóc - PV) vẫn được duy trì ở những khu chợ họp vào buổi sáng. Mọi người có chút hứng khởi của một ngày mới khi đến chợ, mua sắm và chuyện trò. Đó là nét văn hóa quan trọng của người Pháp và người ta vẫn đấu tranh chống những siêu thị to lớn và hiện đại, vốn đối xử với mọi người như khách hàng chứ không phải người hàng xóm thân thiện.

Tôi không hiểu vì sao người ta lại cấm nếu những gánh hàng rong thêm hương vị vào nét đẹp của đường phố? Theo tôi, nếu không có cảm giác cộng đồng gần gũi, ấm áp mà những người phụ nữ bán hàng rong tạo ra, Hà Nội hay TPHCM sẽ chỉ là những thành phố bình thường, thậm chí buồn tẻ. Tôi trân trọng những người phụ nữ dậy sớm, tần tảo đi bộ suốt ngày để kiếm được chút tiền nuôi cả bầy con nhỏ, cả gia đình. Họ không chỉ bán hàng, họ còn mang theo mình phẩm giá và sự tận tụy. Nhiều người cho rằng hàng rong khiến giao thông tắc nghẽn, lộn xộn, nhưng tôi nghĩ phải có những giải pháp để những người bán hàng rong vẫn được bán hàng mà không gây ra những phiền toái, thay vì cấm tiệt.

Tôi vẫn không hiểu tại sao trên thế giới này có xu hướng khiến mọi người đều muốn người khác giống mình hay mình giống người khác. Sự đa dạng có những nét đẹp riêng và những người bán hàng rong đã mang theo họ nét đẹp và truyền thống riêng này."

Marie Darbousset
Du khách người Pháp

Không hiểu do gốc dân quê, do thu nhập thấp, hay thiếu khí trời hay ngàn ngàn lý do khác nữa mà tôi rất thích ăn uống, mua bán ở những hàng rong, quán cóc.

Quan sát những người hành nghề này ở đất Sài Gòn, tôi nhận thấy hầu hết họ rất có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Kết quả một khảo sát bỏ túi của chúng tôi cho thấy: 65% số người được hỏi nói rằng “quen rồi mà”, có nghĩa đó là hành động tự thân, là nếp sống của họ; 27% nói rằng nếu mình ngồi bán hàng mà gây mất vệ sinh thì trước hết là bẩn mình, sau là khách thấy nhếch nhác thì không vào, chủ nhà, nhân dân khu phố… thấy bẩn cũng không cho bán nữa, thế thì sống bằng gì? Có thể ban đầu họ chưa có ý thức, chuyện giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan… chưa ăn vào máu họ, nhưng nhờ những người xung quanh tác động, họ phải tự điều chỉnh.

Những người cắt tóc vỉa hè tự nguyện quét dọn, hốt sạch tóc vào một bịch, lưỡi dao cạo râu để riêng một bịch - phân loại rác ngay từ đầu - rồi cuối ngày mang đổ; những người đẩy xe bán nước bên đường cũng có thùng rác kế bên… Sạch mình, đẹp phố là một nếp sống xanh đặc trưng của những người bán hàng rong, quán cóc chốn Sài thành.

Chuyện người bán và người mua hàng rong ở TPHCM cũng có thêm một điều đặc biệt nữa. Đó là, nếu như ở các địa phương khác, chúng ta dễ dàng nhận thấy cảnh những người bán hàng rong cứ con gà tức nhau tiếng gáy, ai cũng muốn nhoi ra lòng đường để hy vọng là người đầu tiên được người qua đường tấp vào mua. Thế là cả một dãy hàng rong thành cái răng bàn cuốc và chuyện gây tắc nghẽn giao thông là đương nhiên.

Ở TPHCM lại khác, những người bán hàng rong tự nguyện đỗ xe sát gờ vỉa hè, đội hình ngay hàng thẳng lối. Ở Sài Gòn, đa số những người mua hàng, nếu thấy đường đang đông, đang vào giờ cao điểm thì dù thích mặt hàng bày bán bên đường đến mấy, người ta cũng ý thức không dừng lại mua để tránh gây cản trở giao thông. Có thể nói, cả người bán và người mua hàng rong ở TPHCM đều rất có ý thức trông trước trông sau, vì mình vì người nên hầu như không trở thành cái gai của giao thông đô thị.

Có thể khẳng định rằng, hàng rong, quán cóc là những thứ gắn bó khăng khít với đời sống của các cộng đồng dân cư. Làng quê có quán nước bên gốc đa đầu làng, trung tâm thu phát tin tức, nơi muốn biết cái gì trong làng ngoài xã thì người ta cứ đến đấy ngồi uống bát nước vối, chén trà, hút điếu thuốc lào, ăn thanh kẹo lạc mà ngồi nhẩn nha hóng chuyện. Hàng rong ở nhà quê thì vô thiên lủng, từ đổi bún, bán kem, đúc xoong nồi đến cắt tóc, may áo quần...

Lên đến đô thị, ai ở Hà Nội mà không thân thuộc với hình ảnh những người phụ nữ toòng teng quẩy đôi thúng con đi dọc những con phố dài với lời rao thân thuộc: “Hoa ơ…”, “Cốm đ…â…y”. Đi trên những con đường chang chang nắng ở TPHCM, mồ hôi túa đầm đìa, cổ họng khát khô, gặp một chiếc xe đẩy bán dừa tươi, nước sâm, nước rong biển… dưới bóng cây râm mát, tấp vào lề, núp dưới tàng cây, uống ngụm nước mát rồi lại tiếp tục hành trình...

Hàng rong, quán cóc thật tiện dụng và thân thuộc với đời sống con người. Chính vì vậy, thay vì lệnh cấm lạnh lùng, một mặt, các nhà quản lý hãy đánh giá đúng vai trò của loại hình dịch vụ này để có chính sách hỗ trợ cho nó phát triển theo khuôn khổ và đúng quy luật. Mặt khác, chúng ta cần phân cấp hàng rong, quán cóc để quản lý tốt và cho chúng cơ chế hoạt động. Ví dụ, các tuyến đường trung tâm tập trung đông khách du lịch (vòng trong), chúng ta cho bán hàng lưu niệm, văn hóa phẩm, hoa tươi... Hàng ăn uống thì bán ở những tuyến phố vòng ngoài.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Cuộc sống không phải cái tủ kính

Đó là nhận định của GS - TSKH Trần Ngọc Thêm (ảnh), Trưởng khoa Văn hóa học - Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, với tư cách của một nhà nghiên cứu văn hóa, về chuyện hàng rong, quán cóc.

- Hàng rong, quán cóc gắn liền với đời sống con người nên nơi nào cũng có, khác nhau ở phương thức mà thôi. Ví dụ, ở thành phố Seoul, Hàn Quốc, những người bán hàng rong lái những chiếc xe tải nhỏ chạy tà tà trên đường, rao hàng bằng loa điện (với âm lượng vừa phải). Người dân muốn mua, ngoắc tay, họ dừng xe, tấp vào lề đường (đường sá của họ rộng rãi, phong quang) rồi xuống trao đổi bán mua. Trên vỉa hè, dưới ga tàu điện ngầm… cũng có những khoảng không rộng rãi để những người bán hàng rong đến cắm ô, bày bán hàng hóa. Tất cả đồng bộ: đường thông hè thoáng, rộng rãi, môi trường sạch sẽ, người mua kẻ bán văn minh lịch sự… nên chuyện hàng rong, quán cóc của họ rất tự nhiên. Ở nước ta, do tâm lý tiểu nông ăn sâu bám rễ nên cái gì cũng tạm bợ, nhếch nhác. Mọi thứ lại không đồng bộ: đường hẹp, người đông, ý thức của người dân cũng chưa tốt nên hàng rong, quán cóc mới loạn.

*Theo ông, có nên cấm hàng rong, quán cóc?

- Đây là nhu cầu cần thiết của con người trong cuộc sống nên tôi nghĩ là không nên và không thể cấm được. Đồng ý là phải quy hoạch hàng rong, quán cóc, nhưng ta đừng làm cực đoan. Hãy cứ để người ta sống bình thường. Đường sá mà sạch như lau như ly thì khác gì cái tủ kính, thiếu sức sống và không có gì đáng nhớ cả.

*Vậy ta phải làm thế nào để quản lý tốt hàng rong, quán cóc?

- Phải đồng bộ, phải đi kèm với cái tổng thể. Đừng đuổi như đuổi tà, có chỗ cho người ta đứng bán hàng thì sẽ có trật tự. Muốn người ta không vứt rác bừa bãi thì cạnh đấy phải có thùng đựng rác, xung quanh phải sạch sẽ. Muốn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, muốn có văn hóa bán mua… thì phải hướng dẫn cho người ta. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là nhà quản lý thay vì đứng từ trên nhìn xuống, chỉ cốt được việc của mình, thì phải đứng ngang hàng với họ để thấu hiểu, đồng cảm với những người bán hàng rong, quán cóc.

Thảo Lư

Singapore: Đầu tư nâng cấp hàng rong

Ngay từ năm 1971, Singapore bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng các khu trung tâm buôn bán thực phẩm, chợ... để đưa người bán hàng rong vào buôn bán. Ở đó, họ có nơi bày hàng tử tế, có nước máy, điện để dùng, có chỗ đổ rác. Đến năm 1996, tất cả người bán hàng rong của Singapore đều đã có nơi buôn bán, được cấp giấy phép, được dự các khóa học về vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng. Chính quyền Singapore đánh giá cao sự đóng góp của hàng rong vào nền kinh tế của đất nước khi hàng rong giữ vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm, kể cả các bữa ăn hàng ngày cho những người có thu nhập thấp, giữ cho giá sinh hoạt không tăng cao.

Bangkok: Quy hoạch hàng rong

Ước tính có khoảng 40.000 người bán hàng rong ở Bangkok, Thái Lan, phần đông là dân nhập cư sống trong các khu lao động nghèo. Chính quyền thành phố tổ chức khoảng 300 khu vực dành riêng cho người bán hàng rong để họ được buôn bán ổn định. Có tới 99% người dân Bangkok cho rằng hàng rong là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của họ. Người Bangkok thích ăn uống ở ngoài mà hàng rong là sự lựa chọn của đa số.

Calcutta: Được trao giải của Liên Hiệp Quốc

Chương trình nâng cao chất lượng và sự an toàn thức ăn bán rong tại thành phố Calcutta, Ấn Độ, của Viện Vệ sinh và Y tế công cộng toàn Ấn được Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) trao giải thưởng Edouard Souma năm 1994 - 1995. Chương trình này nhằm giúp thành phố Calcutta quản lý toàn bộ và nâng cấp hàng rong, gồm những điểm chính sau:

Theo đề nghị của cảnh sát, người bán hàng rong được Hội Những người bán hàng rong cấp một thẻ chứng nhận có dán ảnh. Người bán hàng rong được phép bán trên các lề đường do cảnh sát quy định; được chính quyền cung cấp nước sạch, bố trí phương tiện xử lý rác và nước thải; được ngân hàng cho vay trả góp trong nhiều năm để mua xe bán hàng (giá mỗi xe khoảng 242 USD, gần 4 triệu đồng Việt Nam). Người ta cũng tổ chức các khóa huấn luyện cho người bán hàng rong để cung cấp cho họ kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tạo cơ chế hợp tác giữa nhiều thành phần gồm người bán hàng rong, đại diện của họ với người tiêu dùng, cảnh sát và cơ quan phụ trách về y tế và vệ sinh công cộng.

Tin cùng chuyên mục