Quy hoạch không gian ngầm đã được lãnh đạo TPHCM quan tâm và chỉ đạo thực hiện từ những năm 2008-2009. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, bộ máy để thực hiện nhiệm vụ này vẫn đang trong quá trình hình thành. Bài toán quy hoạch không gian ngầm tại TP vì thế vẫn chưa có lời giải.
Rối với thực tại
Theo một thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nằm bên dưới hệ thống giao thông mặt đất của TP, hiện có tới hơn 4.430km đường ống cấp nước các loại, hơn 1.142km đường cống thoát nước cùng 816 cửa xả thoát nước ra kênh, rạch. TPHCM có hơn 825km đường dây điện chuyển tải, 15.175km đường dây điện phân phối.
Tuy tỷ lệ ngầm hóa đường dây điện ở TP còn thấp, song hơn 10% số km/tổng số các đường dây điện nêu trên đã được “hạ thổ” và trở thành “cư dân” dưới mặt đất. Các loại cáp viễn thông tuy không nhiều, số lượng tầng ngầm của các cao ốc văn phòng, các chung cư cao cấp chưa lớn nhưng cũng đã góp phần đáng kể vào sự đông đúc của hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của thành phố.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, vấn đề nan giải không nằm ở sự đông đúc của “cư dân” ngầm mà ở chỗ rất nhiều tài liệu ghi nhận vị trí, quy mô của chúng qua thời gian, qua nhiều biến cố lịch sử đã bị thất lạc.
Chỉ tính riêng hệ thống đường ống cấp nước, 17% trong tổng chiều dài, được xây dựng từ cách nay hơn 30 năm, hiện đã không còn nhiều tài liệu liên quan đến chúng. Đây thực sự là thách thức đối với những người làm công tác quy hoạch không gian ngầm TPHCM vì thống kê thực tại là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác lập quy hoạch. Có cơ sở dữ liệu này, các nhà quy hoạch mới có đủ thông tin để xây dựng kế hoạch cho tương lai.
Thúc bách trước tương lai
Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 8-2012 TPHCM sẽ khởi công xây dựng những kilômét đầu tiên của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Theo Ban quản lý đường sắt nội đô TP, những kilômét metro đầu tiên chưa phải là những kilômét đi ngầm mà chủ yếu là đi trên cao, việc đào ngầm sẽ được thực hiện sau.
Thế nhưng cơ quan này cũng cho biết, trong tổng số 101,7km đường metro của toàn TP sẽ có đến 60km là đường metro đi ngầm.
Bên cạnh metro, TPHCM còn có tham vọng đến năm 2015 ngầm hóa 100% lưới điện ở khu vực trung tâm và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành công tác này ở các trung tâm hành chính quận, huyện… Công tác ngầm hóa hệ thống viễn thông nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị cũng đang được tính đến.
Cùng với hơn 100 cao ốc đã được cấp giấy phép xây dựng ở khu vực trung tâm TP, hơn 100 hầm ngầm “đi theo” các cao ốc đang được chuẩn bị thực hiện. Công tác đầu tư, xây dựng bãi đậu xe ngầm sau nhiều năm nghiên cứu đã bước vào giai đoạn “nước rút”.
Nhiều nhà đầu tư như Công ty cổ phần Đầu tư Không gian ngầm, Công ty Đầu tư Tập đoàn Đông Dương… đang lên kế hoạch khởi công xây dựng bãi đậu xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám, sân khấu ca nhạc Trống Đồng… vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Sự đông đúc của các “cư dân ngầm” đặt ra cho thành phố nhiệm vụ phải sớm thực hiện được quy hoạch không gian ngầm. Quy hoạch này nói như PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, sẽ là cơ sở để TPHCM phát triển không gian ngầm một cách khoa học và hợp lý.
| |
Nguyễn Khoa