Quy hoạch kiến trúc: Đảm bảo đấu nối giao thông chung cho khu vực

Quy hoạch kiến trúc: Đảm bảo đấu nối giao thông chung cho khu vực
  • “Hệ tuần hoàn”: Đang bị xơ vữa

Nếu so sánh hệ giao thông của một đô thị như hệ tuần hoàn máu trong cơ thể con người thì hệ thống giao thông ở TPHCM hiện mắc các bệnh “xơ vữa động mạch”, “viêm tĩnh mạch”; “hẹp, nghẽn động mạch vành”… Con người từ lúc sinh ra cho đến khi phát triển tới thời kỳ trưởng thành, các cơ quan trong cơ thể con người cũng phát triển theo.

Nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường ở TPHCM hiện đang là hiểm họa lớn. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường ở TPHCM hiện đang là hiểm họa lớn. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Thành phố cũng vậy, về quy hoạch người ta cũng phải định hình cho quy mô “cơ thể” thành phố, để từ đấy các chức năng và hệ thống giao thông phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn. Nếu con người không kiểm soát được sự phát triển (tăng cân, béo quá…) thì dễ bị bệnh tim mạch. TPHCM hiện nay cũng vậy, không kiểm soát được sự phát triển gia tăng dân số cơ học, nhiều chỗ phát triển bùng nổ theo hướng tự phát. Quy hoạch ở nhiều nơi, nhiều địa phương thực hiện manh mún, không đồng bộ theo một tổng thể chung. Thành phố đã không kiểm soát được sự “tăng cân”, dẫn đến hệ giao thông không đủ chuyển tải.  Nạn kẹt xe và ô nhiễm môi trường ở TPHCM hiện đang là hiểm họa lớn.

Để giải quyết, trước hết phải kiểm soát được sự “phát triển” tự phát về đô thị của thành phố, xem xét sự phù hợp của quy hoạch thành phố đã được duyệt với quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020. Trước hết cần xem xét ưu tiên phát triển các hệ giao thông theo các trục Đông- Tây và Bắc- Nam xuyên tâm (như đại lộ Đông Tây). Đó là giải pháp để tăng cường hệ thống giao thông mà ít sử dụng quỹ đất, như các hình thức giao thông nổi, hầm ngầm, cầu cạn và các hệ thống cầu vượt ở các nút giao thông lớn. Sau đó mới thực hiện các hệ thống giao thông xe điện, tàu điện ngầm. Đó là cách thức mà các đô thị trên thế giới thường làm.

  • Phải xem xét các chỉ tiêu giao thông

Hiện tại, ở các khu trung tâm TPHCM, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống giao thông, là hệ thống cũ, đã có cách đây 50- 60 năm, khi dân số thành phố chỉ có khoảng 1- 2 triệu người. Do yêu cầu phát triển kinh tế, tại các khu vực này đã và đang xây dựng nhiều công trình thương mại, cao ốc văn phòng, dịch vụ có quy mô lớn, rất lớn. Nơi đó, có những công trình có qui mô từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn mét vuông đất sử dụng, từ đó kéo theo sự tập trung con người đến và đi tới các công trình này.

Sự tập trung các công trình có quy mô lớn vào các khu vực trung tâm cũ đã khiến các đầu nút giao thông vào các khu trung tâm trong những giờ cao điểm thường bị tắc nghẽn. Chúng ta đã chủ trương không cho xây nhà chung cư ở khu trung tâm mà chuyển dần ra ngoại ô, bên ngoài khu vực trung tâm nhằm giảm áp lực lưu thông giờ cao điểm trong nội đô, thế nhưng nếu các công trình lớn vẫn tập trung vào trung tâm mà không có giải pháp nối kết giao thông giữa các khu chức năng với nhau bằng hệ thống và phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện, xe điện ngầm…), thành phố sẽ vẫn bị kẹt xe.

Thành phố đang được quy hoạch theo hướng đa trung tâm. Đây là vấn đề hợp lý. Tuy nhiên, do thực trạng văn hóa nhà ở trước đây chủ yếu là nhà phố, kết hợp với nền kinh tế thị trường và nhiều chủ trương về quản lý đô thị (như Quyết định 45/2009-QĐUBND về việc cho phép xây dựng nhà ở, kết hợp kinh doanh, thương mại) đã biến TPHCM thành dạng đô thị “đa, đa… trung tâm”. Ở đâu, chỗ nào cũng có thể biến thành trung tâm. 

Trước đây được quy hoạch và xây dựng cho khu ở, nhà phố kết hợp với biệt thự, mật độ dân cư rất thấp nên đường phố nhỏ, nhưng bây giờ, các nhà phố, biệt thự đó biến thành chung cư, nhà hàng, trường học, văn phòng, khách sạn, thương mại, tạo ra dòng lưu chuyển con người tới đây đã tăng lên gấp vài chục đến hàng trăm lần. Đó cũng là một trong những lý do dẫn tới kẹt xe.

Một vấn đề khác, dù chúng ta có quy hoạch, có định hướng các chức năng sử dụng của công trình… nhưng thực tế chủ đầu tư muốn thay đổi công năng của công trình, chỉ cần xin cấp phép ở một cơ quan chức năng khác, là công trình nhà ở được biến thành trường học hay các công trình khác. Do vậy trường học không có nơi đậu xe theo quy định, xe đưa đón học sinh đậu trên vỉa hè, đứng tràn ra đường… gây kẹt xe trước cổng vào giờ tan học. Nhiều công trình khác khi thay đổi công năng, cũng gây ra nạn kẹt xe tương tự.

***

Để giải quyết các vấn đề này, các cơ quan quản lý về quy hoạch kiến trúc, khi quyết định các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc phải xem xét đến vấn đề đấu nối giao thông chung cho khu vực, phải có quy định thiết kế đô thị cho công trình, để tạo các khoảng đệm giữa công trình với hệ thống giao thông công cộng. Về mặt quản lý đô thị, nên xem xét và thống nhất về quản lý đô thị chung cho các công năng sử dụng của công trình, tránh “quản lý đô thị” không thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước, làm phá vỡ quy hoạch chung của thành phố

KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM

Tin cùng chuyên mục