Qua đó, nâng cao hiệu quả trong ngành chăn nuôi, tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn TP. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vấn đề khiến mục tiêu đề ra khó hoàn thành.
Cần đất và vốn lớn
Hiện dự án nhà máy giết mổ công nghiệp đã và đang được các chủ đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, trong quá trình thực hiện công tác thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị có liên quan đến khu vực xung quanh các dự án nhà máy giết mổ, đặc biệt khi áp dụng Thông tư số 13/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ban hành Quy chuẩn quốc gia về lĩnh vực thú y (có hiệu lực từ ngày 20-12-2017, tức có sau thời gian UBND TPHCM phê duyệt phương án quy hoạch các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp) thì gặp rất nhiều vướng mắc.
Sở QH-KT nêu: Giai đoạn từ ngày 30-11-2010 đến 20-12-2017, việc quy hoạch địa điểm các nhà máy giết mổ công nghiệp áp dụng Thông tư số 60/2010 và Thông tư số 61/2010 cùng của Bộ NN-PTNT. Theo đó, điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ gia súc và gia cầm là “Theo quy hoạch của địa phương và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép” và “Cách biệt với khu dân cư, xa các trang trại chăn nuôi và nguồn gây ô nhiễm (bãi rác, nhà máy thải bụi, hóa chất độc hại, quốc lộ)”.
Từ ngày 20-12-2017 đến nay, việc quy hoạch địa điểm các nhà máy giết mổ công nghiệp áp dụng theo Thông tư 13/2017, trong đó yêu cầu về địa điểm có nêu “Phải cách biệt tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ, sông, suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt”; đồng thời “Phải cách biệt tối thiểu 1km với trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm như bãi rác, nhà máy thải bụi và hóa chất độc hại”.
Quy định này ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch khu vực xung quanh các dự án nhà máy giết mổ đã có hiện nay. Bởi lẽ, để đảm bảo quy định trên, mỗi khu đất quy hoạch dự án nhà máy giết mổ công nghiệp cần có diện tích tối thiểu là 78,5ha. Như vậy, chủ đầu tư phải có quỹ đất và nguồn vốn rất lớn mới có thể đầu tư dự án nhà máy giết mổ công nghiệp. Điều này là không khả thi đối với thực tiễn đất đai của TPHCM.
Sẽ đề xuất điều chỉnh
Không chỉ thiếu khả thi, lãnh đạo Sở QH-KT TPHCM còn cho biết, quy định trên còn trái với quy định tại Quyết định 04/2008 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Đó là được phép bố trí trong khu dân cư các xí nghiệp công nghiệp có chất thải và mức độ gây ồn, gây rung chấn đảm bảo tiêu chuẩn cho phép đối với khu dân cư và phải được kiểm soát nghiêm ngặt về các tiêu chí môi trường. Cùng với đó, Thông tư 13/2017 không quy định điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp đang triển khai thực hiện tại huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Điều này làm ảnh hưởng đến định hướng phát triển đô thị tại khu vực xung quanh các dự án nhà máy.
Các khu vực xung quanh trong vòng bán kính 500m không thể phát triển đô thị, gây lãng phí đất đai và gây bức xúc cho người dân có nhà, đất nằm trong bán kính 500m xung quanh dự án. Để tháo vướng mắc, Sở QH-KT đã kiến nghị UBND TPHCM theo hướng: Đề nghị Bộ NN-PTNT cần có những điều chỉnh Thông tư 13/2017 sao cho phù hợp các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tính khả thi và thực tiễn quy hoạch của TPHCM.
Trước những vướng mắc này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở QH-KT, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị liên quan tham mưu, dự thảo công văn cho UBND TP báo cáo với Bộ NN-PTNT đề xuất điều chỉnh Thông tư 13 để phù hợp với tình hình pháp lý, đảm bảo tính khả thi và thực tiễn quy hoạch đã có từ trước của TPHCM.
Theo phương án quy hoạch lại hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm, TPHCM xác định có 30 cơ sở giết mổ hiện hữu, 6 cơ sở quy hoạch nhà máy giết mổ công nghiệp xây dựng mới. Tiếp tục đóng cửa 30 cơ sở giết mổ thủ công, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Di dời 21 cơ sở giết mổ bán công nghiệp rải rác ở quận 7, quận 8, quận Gò Vấp, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn ra khỏi TP về tỉnh Long An và các tỉnh lân cận... Đồng thời, định hướng quy hoạch xây dựng 8 nhà máy giết mổ công nghiệp, có dây chuyền giết mổ công nghiệp hiện đại (địa điểm chủ yếu tại huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi) và yêu cầu các nhà máy phải hoàn thành, đưa vào hoạt động trước ngày 31-12-2017, nhưng đến nay mục tiêu này chưa thể hoàn thành.