Quy hoạch mạng lưới giao thông - Tiền đề phát triển đô thị

Từ quy hoạch chung đến chi tiết
Quy hoạch mạng lưới giao thông - Tiền đề phát triển đô thị

Mạng lưới giao thông là yếu tố quan trọng trong việc hình thành cấu trúc đô thị. Định hướng quy hoạch hệ thống giao thông là tiền đề tất yếu cho chiến lược phát triển quy hoạch xây dựng đô thị. Quy hoạch mạng lưới giao thông phù hợp với mục tiêu, tính chất và điều kiện thực trạng đô thị sẽ đem lại hiệu quả tốt cho sự phát triển chung về kinh tế - xã hội. Ngoài ra, mạng lưới đường giao thông còn gắn liền với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, do đó quy hoạch giao thông rất quan trọng trong thiết kế, tổ chức không gian đô thị, cơ cấu sử dụng đất và mối quan hệ giữa các khu vực chức năng với nhau.

Hạ tầng giao thông tại TPHCM được quy hoạch ngày càng hiện đại hơn. Ảnh: Kim Ngân

Hạ tầng giao thông tại TPHCM được quy hoạch ngày càng hiện đại hơn. Ảnh: Kim Ngân

Từ quy hoạch chung đến chi tiết

Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10-7-1998. Đầu những năm 2000, thành phố đã tập trung nghiên cứu riêng về lĩnh vực quy hoạch giao thông vận tải trên địa bàn thành phố và các vùng lân cận nhằm lập ra một cơ sở pháp lý cao nhất để hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế và xã hội của thành phố. Một số quy hoạch đó như MVA, Houtrans... do Tedisouth thực hiện. Qua nhiều quá trình xem xét nội dung trình duyệt, ngày 22-1-2007, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 101/QĐ-TTg (viết tắt Quy hoạch 101).

Trên cơ sở đó, thành phố tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng để phù hợp với điều kiện phát triển và định hướng lâu dài của thành phố. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 tại Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 (viết tắt Quy hoạch 24) với dự báo dân số khoảng 10 triệu người, đất xây dựng đô thị khoảng 100.000ha nhằm mục đích điều chỉnh có tính chất định hướng đến năm 2025 và xa hơn để đảm bảo cho thành phố phát triển theo hướng đa tâm, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển hài hòa, đồng bộ giữa việc xây dựng mới và thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, mang tính hiện đại và có bản sắc dân tộc.

Trong thời gian qua, TPHCM đã nỗ lực thực hiện đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình giao thông, hạ tầng đô thị trọng điểm với nhiều quy mô khác nhau để từng bước giải quyết tình hình lưu thông, cải thiện bộ mặt hạ tầng đô thị, cải tạo chỉnh trang cảnh quan một số trục đường (thiết kế đô thị, cải tạo môi trường nước, cây xanh, vỉa hè…). Chính quyền và nhân dân thành phố đã có những quyết tâm cao độ để thực hiện nhanh các dự án công trình giao thông quan trọng trước thời hạn so với kế hoạch của Quyết định 101 với mục tiêu hoàn chỉnh, hiện đại hóa mạng lưới, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ.

Đặc biệt là quản lý, phát triển và tăng quỹ đất để xây dựng hạ tầng giao thông, đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch diện tích bến bãi (giao thông tĩnh) tại các khu vực nội thành, ngoại thành, các khu đô thị mới nhằm phát triển đồng bộ, cân bằng, bền vững và lâu dài trên cơ sở quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan đô thị…

Riêng đối với loại hình giao thông mới và rất quan trọng là các tuyến đường sắt đô thị. Đây là hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn rất văn minh và tiện ích. Nếu hoàn thành sớm hệ thống này sẽ làm thay đổi thực trạng giao thông đô thị hiện nay. Đó là tình trạng ùn tắc và mật độ sử dụng xe cá nhân quá lớn (xe gắn máy, xe con…), đáp ứng được mong mỏi và nhu cầu của người dân đi lại trong thành phố. Thành phố đã lập riêng một cơ quan quản lý và thực hiện các dự án đường sắt đô thị từ năm 2007 (Ban Quản lý Đường sắt đô thị) để tập trung thực hiện kêu gọi đầu tư và nghiên cứu dự án các tuyến đường sắt đô thị.

Thành phố cũng đã bỏ ra rất nhiều chi phí để thực hiện công tác lập nghiên cứu chi tiết các tuyến với yêu cầu là thiết kế cơ sở cơ bản, trong đó phải thông tin phạm vi chiếm dụng đất toàn tuyến tương đối chính xác, các chỉ giới nhà ga, depot và các công trình liên quan để làm tiền đề chuẩn bị lập dự án đầu tư và thiết kế kỹ thuật khi cần thiết.

Đô thị trung tâm

Tổ chức đồng bộ mạng lưới giao thông nói chung và hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khối lượng lớn nói riêng sẽ giải quyết tốt cho định hướng phát triển quy hoạch xây dựng đô thị, nhằm phục vụ chủ trương phân vùng phát triển, giãn dân cư nội thành, hình thành các đô thị vệ tinh.

Đặc biệt đối với các khu đô thị mới như: khu đô thị Tây Bắc - Củ Chi, khu đô thị mới Thủ Thiêm - quận 2 (kéo dài và kết nối tuyến metro số 2 với ga đường sắt cao tốc và sân bay Long Thành); các khu đô thị phía Nam, khu đô thị cảng Hiệp Phước - Nhà Bè (kết nối tuyến xe điện số 3 và kéo dài tuyến metro số 4); các khu vực chức năng đô thị như: khu phần mềm Quang Trung (kết nối tuyến xe điện số 3), khu Công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia, khu du lịch Văn Hóa Suối Tiên, Bến xe miền Đông mới; các khu dân cư dọc xa lộ Hà Nội, khu đô thị An Phú - An Khánh, Thảo Điền (kết nối tuyến metro số 1), kết nối giữa Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây (tuyến metro số 3a, 3b), kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất (tuyến metro số 4, số 5)…

Định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông là tiền đề cho chiến lược phát triển đô thị, quy hoạch mạng lưới giao thông có mối quan hệ mật thiết với và quy hoạch vùng đô thị TPHCM. Đồng thời, TPHCM sẽ không thể tách rời khỏi vai trò là đô thị trung tâm trong chùm đô thị phía Nam, là hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm và được đặt trong mối quan hệ tương hỗ với các vùng phù cận. Để hướng tới mục tiêu đó, mạng lưới giao thông TPHCM đã được quy hoạch theo dạng “mở”. Kết nối các đô thị vệ tinh, khu công nghiệp tập trung, cảng biển, sân bay. Gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực, để hỗ trợ phát triển, khai thác tốt nhất thế mạnh kinh tế - xã hội tổng hợp toàn vùng, là đòn bẩy để khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Ngoài ra, việc phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông và quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại sẽ tăng tính hấp dẫn về khả năng cạnh tranh với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Nhiều dự án xây dựng công trình giao thông đã và đang thực hiện như: đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương, đại lộ Đông - Tây, hầm Thủ Thiêm, trục đường Nguyễn Văn Linh (đoạn vành đai 2 phía Nam), cầu Phú Mỹ, đường Tân Sân Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, đường Vành đai phía Đông, trục Bắc - Nam, đường bộ cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, trục xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc, các nút giao/cầu vượt quan trọng, khởi công xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, chuẩn bị đầu tư các tuyến số 2, số 5…

KTS Vũ Trung Hưng
Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM

Tin cùng chuyên mục