Dự án Luật Quy hoạch do Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo hiện đang được tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 tới. Đây là một trong những dự án luật nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.
- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, một nội dung có thể coi là đột phá được nhiều người ghi nhận trong dự thảo Luật Quy hoạch là việc bãi bỏ hàng loạt quy hoạch ngành, sản phẩm. Ông có thể nói thêm về quan điểm của cơ quan soạn thảo khi đưa ra thay đổi hết sức quan trọng này?
>> Thứ trưởng ĐẶNG HUY ĐÔNG: Chúng tôi quan niệm bản quy hoạch tổng thể quốc gia là sản phẩm khoa học nhất, trí tuệ nhất, thể hiện cô đọng và thống nhất ý chí phát triển, tư tưởng chiến lược phát triển của đất nước trong từng thời kỳ. Để có được sản phẩm đó, các bộ ngành, địa phương sẽ cùng nhau đóng góp những ý kiến được chắt lọc nhất về phát triển, về sử dụng tài nguyên đất nước. Khi ngồi lại với nhau như thế thì rất có thể mỗi ngành sẽ phải nhân nhượng một chút, để “bức tranh” lớn ấy ghép vào mới phẳng, không có sự chồng lấn. Khi đã có quy hoạch rồi thì lại “bóc” từng phần ấy ra để ngành nào quản ngành ấy. Làm như thế thì người dân và doanh nghiệp sẽ không phải chịu cái cảnh được A thì hỏng B, được B rồi lại hỏng C, vì A, B, C không khớp, thậm chí mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn, ngành giao thông mở một con đường hay xây một cây cầu mới sẽ ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp vì bị mất đất canh tác; ảnh hưởng ngay tới ngành thủy lợi vì dòng chảy sông bị thay đổi, thậm chí ngay bản thân trong ngành giao thông cũng nảy sinh xung đột lợi ích vì khi thêm con đường mới, giao thông đường bộ thuận tiện hơn, thì giao thông đường thủy, đường sắt sẽ bị ảnh hưởng vì phải cạnh tranh mạnh hơn… Chúng ta đã từng thấy rất rõ là khi ngành điện xây dựng thêm nhà máy thủy điện thì xung đột lợi ích với ngành thủy lợi và ngành nông nghiệp, chưa nói tác động rất lớn tới đời sống dân sinh. Chính vì thế mà Quốc hội khóa XIII đã phải thực hiện giám sát và ra nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.
Dự thảo luật vẫn quy định hơn 30 quy hoạch ngành gồm các lĩnh vực thuộc kết cấu hạ tầng, tài nguyên thực sự cần thiết cho yêu cầu phát triển, nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, tuy nhiên phải tuân thủ theo nguyên tắc không được mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Tóm lại, quy hoạch, dù ai làm, cũng phải tuân theo nguyên tắc vì sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; đảm bảo, sử dụng có hiệu quả, bền vững mọi nguồn lực của đất nước và chống lợi ích cục bộ, chống quy hoạch cát cứ.
- Một số ý kiến còn băn khoăn về khái niệm “quy hoạch tổng thể quốc gia” và cách thức xây dựng quy hoạch đó: nó là tập hợp của các quy hoạch nhỏ hơn hay ngược lại, khi có cái tổng thể rồi thì mới “tỏa” xuống dưới? Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Để xây dựng dự thảo Luật Quy hoạch, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu khảo sát hệ thống và quy trình quy hoạch tại 30 quốc gia có trình độ phát triển và đặc điểm kinh tế - xã hội khác nhau; nhưng tất cả là các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, các nước có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam và một số nước có nền kinh tế chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường như Việt Nam đều có quy hoạch tổng thể quốc gia (Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Belarus, Nga...). Chúng tôi thấy rằng, vấn đề mấu chốt ở đây đối với mỗi quốc gia là quyết định sự cân đối giữa tự do kinh doanh và can thiệp của nhà nước trong từng bối cảnh cụ thể. Ở các quốc gia được tham khảo, quy hoạch ngành ở những nước này chủ yếu được lập cho những ngành kết cấu hạ tầng trọng yếu của quốc gia; còn với các ngành sản phẩm, họ tập trung đề ra các quy định pháp luật quản lý về tiêu chuẩn, kỹ thuật và chất lượng để bảo đảm sự an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường.
Xu thế toàn cầu hóa đã làm thay đổi trọng tâm của chiến lược kinh tế ở các nước, từ quan điểm phát triển dựa trên lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh chuyển sang cách tiếp cận dựa trên lợi thế hợp tác. Điều này đòi hỏi công tác quy hoạch cũng cần phải chuyển đổi theo hướng quy hoạch chiến lược tích hợp đa ngành, trong đó đề cao sự tham gia của các bên liên quan. Cách tiếp cận này cũng tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, vì nó xem xét toàn diện các mặt kinh tế - xã hội - môi trường.
- Dự thảo Luật Quy hoạch lần này có quy định nguồn lực để đảm bảo thực hiện quy hoạch?
Dự thảo luật không quy định nguồn lực mà quy định rõ trách nhiệm của từng cấp đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch khi đã được phê duyệt.
- Còn về ý kiến quan ngại việc sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách (ví dụ nguồn đóng góp của doanh nghiệp, tức là các chủ đầu tư dự án trong tương lai) để lập quy hoạch có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của quy hoạch?
Kinh phí xây dựng quy hoạch do Nhà nước bố trí, tuy nhiên có thể huy động từ xã hội, nhưng khi tổ chức triển khai lập quy hoạch chúng ta có xây dựng các cơ chế để huy động các nguồn kinh phí đó để đảm bảo tính công khai minh bạch thì không có vấn đề gì. Sản phẩm quy hoạch trước khi được chính thức công nhận cũng phải qua thẩm định, thẩm tra để ngăn ngừa sự “cài cắm” lợi ích.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
ANH THƯ (thực hiện)