
* Đặt chỉ tiêu thu hồi 45 triệu m³ nước thất thoát đến năm 2012
Từ nhiều năm nay, tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn TPHCM không những không giảm mà còn đứng ở mức cao là vấn đề “nhức đầu” đối với các cơ quan quản lý. Những thông tin mới đây cho thấy có vẻ như đã có “phương thuốc đặc trị” cho căn bệnh này.

Chở nước bằng xe bồn đến cung cấp cho người dân huyện Nhà Bè. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Chuyện không mới
Chịu trách nhiệm chính trong việc cung cấp nước sạch cho cư dân thành phố là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn – gọi tắt là Sawaco. Theo số liệu thống kê mới nhất do Sawaco công bố, hiện nay mỗi ngày tổng công ty cung cấp hơn 1,2 triệu m³ nước sạch. Khối lượng nước sạch khổng lồ này đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống 3.350 km đường ống với khoảng 700.000 đồng hồ nước. Nhưng đó mới chỉ là chiều dài đường ống chính, còn nếu tính đúng, tính đủ mạng đường ống thứ cấp thì con số lớn hơn rất nhiều. Bởi vì cứ trung bình mỗi đồng hồ nước phải cần có thêm 5m đường ống nhánh dẫn vào nhà. Thực tế có thêm ít nhất 3.500 km đường ống nhánh trực thuộc phạm vi quản lý của ngành cấp nước thành phố.
Nguồn cung ứng như thế được xem là đồ sộ, dồi dào, chỉ tiếc là không phải tất cả lượng nước sạch đó đều đến đúng địa chỉ lẽ ra phải đến. Như Phó tổng giám đốc Sawaco Lý Chung Dân thừa nhận, tỷ lệ thất thoát nước hiện chiếm hơn 40% khối lượng nước sạch phát ra, tương đương 500.000m³/ngày, tức là gần gấp hai lần công suất nước của Nhà máy nước BOO Thủ Đức vừa được đưa vào khai thác cách đây ít lâu!
Nguyên nhân của sự thất thoát, rò rỉ nước sạch nghiêm trọng này được ngành cấp nước giải thích là do đường ống dẫn nước dài nhưng quá cũ kỹ và thiếu đồng bộ do trải qua nhiều thời kỳ quản lý khác nhau, kéo dài từ trước năm 1975 đến nay.
Theo các chuyên gia ngành cấp nước, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương có tỷ lệ thất thoát nước sạch cao nhất nước.
Trông người, ngẫm ta
Cách đây chưa lâu, tại một hội nghị về chống thất thoát nước được tổ chức tại TPHCM, Chủ tịch Nhóm đặc nhiệm của Hội Nước quốc tế, ông Roland Liemberger, nhận xét rằng việc thất thoát nước ở tỷ lệ quá cao là tình hình chung của các đô thị châu Á chứ không riêng gì Việt Nam. Châu Á cũng chính là khu vực có mức thất thoát nước sạch cao nhất thế giới, trong đó nổi lên đặc điểm là đô thị càng lớn thì thất thoát nước càng nhiều!
Trong khi đó, bà Annie Chai, chuyên gia ngành nước của Malaysia, cho biết tỷ lệ thất thoát nước hiện nay của Malaysia không phải là thấp, dao động ở ngưỡng 38%. Điều quan trọng là các đô thị tại quốc gia này đã bắt đầu nhận thức việc thất thoát nước là vấn đề nghiêm trọng và quản lý lượng nước thất thoát đã trở thành chuyện sống còn.
Theo bà Annie Chai, hiện đang tồn tại quan niệm sai lầm là chỉ tập trung vào việc xây dựng các nhà máy nước mới và mạng phân phối mới mà quên đi vấn đề duy tu bảo dưỡng. Chuyên gia ngành nước này nhấn mạnh rằng nhiều người thường có suy nghĩ đơn giản “hệ thống ống cấp nước có phải máy móc đâu mà phải bảo dưỡng thường xuyên?”. Chính vì quan niệm sai lầm này mà lượng nước thất thoát ngày càng tăng.
Bà Annie Chai dẫn chứng: “Nếu quy đổi ra tiền, mỗi năm Malaysia thất thoát một lượng nước trị giá đến 430 triệu USD. Rõ ràng nếu quản lý việc thất thoát tốt, thu hồi được lượng nước này thì sẽ không cần thiết phải tốn tiền cho việc phát triển các nhà máy mới”. Bà Annie Chai khuyến cáo Việt Nam nên thành lập các đội kiểm tra hệ thống cấp nước và phải tổ chức kiểm tra hàng đêm, kiểm tra rộng khắp cả hệ thống phân phối để sớm phát hiện khu vực đang bị rò rỉ, từ đó kịp thời khắc phục để chống thất thoát.
“Cứu tinh”
Phó tổng giám đốc Sawaco Lý Chung Dân cho biết, hiện Sawaco đã có định hướng thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý thất thoát nước tốt hơn; đặc biệt là giải pháp phân vùng, tách mạng, thiết lập các khu vực đồng hồ tổng để có thể xác định nhanh chóng khu vực đang bị rò rỉ. Đây là giải pháp mang tính căn cơ, bền vững.
Để hiện thực hóa giải pháp trên, Sawaco đã quy hoạch, phân chia TPHCM thành 6 vùng để tiến tới tách mạng và thiết lập các khu vực đồng hồ tổng, ngoại trừ hai huyện Củ Chi và Cần Giờ. Trước mắt, Sawaco đang đầu tư thực hiện dự án giảm thất thoát nước đầu tiên theo giải pháp trên tại hai vùng thuộc trung tâm thành phố với tổng vốn đầu tư lên đến 44,7 triệu USD. Đến năm 2012 dự án sẽ hoàn tất, khi đó dự kiến cách quản lý mới này có thể kéo giảm được lượng nước thất thoát khoảng 125.000m³/ngày, tức là hơn 45 triệu m³ mỗi năm.
Việc nghiên cứu giảm thất thoát tại các vùng còn lại đang được tiến hành. Theo lộ trình thì đến năm 2010 việc nghiên cứu khả thi cho dự án này mới hoàn thành. Đến lúc đó mới bắt đầu chuyển sang bước lập dự án giảm thất thoát cho 4 vùng trên.
Thiện Nhân