Ban chỉ đạo thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) TPHCM đã quyết định điều chỉnh lại một số nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình thích ứng với BĐKH của thành phố. Theo đó, công tác lập và quản lý phát triển đô thị hợp lý trở thành nhiệm vụ hàng đầu. Đứng thứ hai là công tác quản lý nguồn nước… Công tác quy hoạch sẽ được triển khai như thế nào trong công tác thích ứng với BĐKH? Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi nhanh với tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - thành viên Ban chỉ đạo thích ứng BĐKH.
- Phóng viên: Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010. Thời điểm đó công tác thích ứng với BĐKH chưa được đặt ra mạnh mẽ và do đó chưa được thể hiện cụ thể trong đồ án quy hoạch này. Như vậy, làm thế nào để công tác quy hoạch phát triển đô thị trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong thích ứng với BĐKH thưa tiến sĩ?
- Ông NGUYỄN TRỌNG HÒA: Đúng là thời điểm lập quy hoạch chung xây dựng TPHCM, công tác thích ứng với BĐKH chưa đòi hỏi mạnh mẽ như hiện nay do vậy ít, nhiều trong quy hoạch này vẫn mang tính “bình quân chủ nghĩa”, nghĩa là nhiều yêu cầu về phát triển được trải đều cho các quận, huyện mà chưa quan tâm đúng mức đến đặc điểm tự nhiên của các địa phương ấy. Để thích ứng với BĐKH một cách hiệu quả thì quy hoạch này phải được điều chỉnh lại theo một số nguyên tắc cơ bản sau: hạn chế phát triển đô thị, dân số, kinh tế… ở những khu vực thấp, trũng có khả năng ngập cao.
Tất nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là không phát triển ở các vùng này mà là nên cân nhắc kỹ về quy mô trên cơ sở hiệu quả và bảo vệ được môi trường. Tập trung phát triển đô thị, kinh tế ở các vùng đất tốt, cao. Đặc biệt, công tác phát triển của TPHCM phải được đặt trong mối liên hệ với các địa phương lân cận. Tôi lấy ví dụ, do BĐKH, nước biển dâng, miền Tây Nam bộ sẽ bị ngập nặng nề. Người dân ở đấy chắc chắn có xu hướng di cư mạnh mẽ lên TPHCM. TPHCM sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào…
- Quy hoạch chung xây dựng TPHCM mới được Thủ tướng phê duyệt. Từ quy hoạch chung này, các quận, huyện đang lập quy hoạch xây dựng ở địa phương. Nay quy hoạch chung thành phố phải điều chỉnh, liệu có làm xáo trộn công tác lập và quản lý quy hoạch đang được triển khai ở các quận, huyện?
- Theo các quy định mới nhất về lập quy hoạch, để phát huy tối đa thế mạnh của từng khu vực, từng vùng, miền…các địa phương sẽ phải tiến hành lập quy hoạch xây dựng theo phân khu song hành với quy hoạch xây dựng được xác lập theo địa giới hành chính của các quận, huyện… TPHCM cũng đang triển khai nghiên cứu và lập quy hoạch xây dựng theo từng phân khu.
Bản chất của quy hoạch theo từng phân khu là dựa trên các đặc điểm về tự nhiên và xã hội của phân khu mà xác định hướng phát triển cho phân khu đó. Vì thế, việc tích hợp công tác thích ứng với BĐKH vào các quy hoạch phân khu cũng tương đối dễ dàng vì động thái của cả hai công tác này đều tương tự như nhau. (Thích ứng với BĐKH suy cho cùng là tìm cách sống chung với tình trạng này). Căn cứ vào quy hoạch phân khu, các quận, huyện sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch phát triển của địa phương cho phù hợp với tình hình mới. Đi từng bước như vậy, tôi cho là sẽ hạn chế được những xáo trộn nêu ở trên và là con đường ngắn nhất để đưa công tác thích ứng với BĐKH vào quy hoạch xây dựng TPHCM, đưa công tác lập và quản lý quy hoạch là công tác đầu tiên phải làm trong quá trình thích ứng với BĐKH.
- Cảm ơn ông.
TÂM ĐỨC