Quy hoạch phát triển TPHCM theo hướng nào? Bài 1: Phố đã đến… làng, xã

Bẵng một thời gian tôi mới có dịp trở lại huyện Củ Chi. Một “vệt” đô thị sôi động, sáng đèn đến tận khuya, kéo dài từ trung tâm thị trấn của huyện đến tận khu vực ngã tư An Sương (quận 12), đã thay thế hoàn toàn khoảng tối kéo dài của những cánh đồng - hình ảnh về đêm ở Củ Chi cách đây chưa lâu.
Quy hoạch phát triển TPHCM theo hướng nào? Bài 1: Phố đã đến… làng, xã

Bẵng một thời gian tôi mới có dịp trở lại huyện Củ Chi. Một “vệt” đô thị sôi động, sáng đèn đến tận khuya, kéo dài từ trung tâm thị trấn của huyện đến tận khu vực ngã tư An Sương (quận 12), đã thay thế hoàn toàn khoảng tối kéo dài của những cánh đồng - hình ảnh về đêm ở Củ Chi cách đây chưa lâu.

Phố, làng… chen chân

Ánh đèn từ quán nhậu, nhà hàng, cửa hàng bán quần áo, cho thuê đồ cưới… nằm dọc hai bên đường Xuyên Á, trải dài từ huyện Củ Chi qua huyện Hóc Môn đến quận 12, đã làm nên vệt sáng ấy. Chúng tôi hỏi chuyện một người phụ nữ bán trái cây gần quán nước mía nổi tiếng trên đường Xuyên Á, thuộc địa phận của xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi: “Quán của chị mở đến mấy giờ mỗi ngày?”. Chị xởi lởi cho biết: “Tới khuya luôn! Bây giờ người ta đi lại suốt đêm”. Cố tình nán tới gần 11 giờ khuya, chúng tôi hy vọng sẽ tìm lại được không khí êm đềm, rỉ rả tiếng côn trùng mà cách đây chưa lâu còn hiển hiện mỗi khi đêm xuống trên miền đất hiện vẫn còn được gọi là “xã, huyện” này, nhưng… vô vọng. Gần như toàn bộ khu vực thuộc “mặt tiền” đường Xuyên Á chẳng còn chút nào cái không khí mà chúng tôi tìm kiếm.

Đô thị hóa tại quận 12.  Ảnh: CAO THĂNG

“Nhiều xã của huyện Hóc Môn đã ken đặc nhà phố, nhìn không khác gì các quận nội thành. Huyện Củ Chi ít hơn nhưng dọc các trục đường chính, người dân cũng đã ở dày đặc…”, nghe chúng tôi kể chuyện tìm kiếm không khí “làng, xã” ở hai huyện ngoại thành nằm ở phía Bắc và Tây Bắc thành phố, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, đã nói như vậy. Từ cách đây nhiều năm, các xã Bà Điểm, Tân Xuân của huyện Hóc Môn và dọc trục đường Xuyên Á kéo dài đến tận huyện Củ Chi, người dân - mà chủ yếu là người từ nhiều địa phương khác - đã đến lập nghiệp đông đúc. Các khu dân cư lấn dần đất nông nghiệp và rồi… đẩy đất nông nghiệp ra xa, tít tận các khu vực giáp ranh với huyện Bình Chánh và tỉnh Tây Ninh. Chỉ có một điểm khác cơ bản với quận nội thành: hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thoát nước ở đây đa phần thiếu, thậm chí không có. Cách đây chưa lâu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, đã có một thống kê về các điểm ngập mới phát sinh trên địa bàn thành phố. Theo thống kê này, quận 12 và huyện Hóc Môn là những khu vực có điểm ngập mới phát sinh nhiều nhất. Tình trạng đô thị hóa tự phát, thiếu hạ tầng kỹ thuật là nguyên nhân chính của hiện tượng nêu trên. 

Thế nhưng, nếu nói tất cả đất đai ở hướng Bắc và Tây Bắc thành phố đều đã đô thị hóa thì không đúng. Đằng sau những quán xá nhộn nhịp, sáng đèn dọc đường Xuyên Á vẫn còn những mảnh vườn rộng. Theo một cán bộ đô thị của huyện Hóc Môn, chủ yếu chỉ có các xã giáp quận 12 và nằm gần đường Xuyên Á mới đông dân cư. Đa phần các xã giáp với huyện Bình Chánh như Xuân Thới Sơn, Tân Thới Nhất, dân cư thưa thớt, đất nông nghiệp còn nhiều.

Và ước mơ đến những khu dân cư hiện đại

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, UBND TPHCM vừa giao Sở Quy hoạch Kiến trúc phối hợp với các sở ngành liên quan, thành lập tổ công tác xây dựng kế hoạch huy động vốn, kêu gọi đầu tư cho khu vực dọc sông Sài Gòn thuộc địa bàn huyện Củ Chi, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2016. Khu vực dọc sông Sài Gòn được chia thành 10 khu vực nhỏ và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 của 10 khu vực đã được UBND TPHCM phê duyệt năm 2013. Một trong những lý do để thành phố có quyết định thành lập tổ công tác là phục vụ yêu cầu phát triển của huyện Củ Chi, đồng thời để ứng phó kịp thời với tình trạng đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn. “Trước hết là để bảo vệ bờ sông Sài Gòn, sau nữa, nếu cứ để đô thị hóa diễn ra tự phát thì sau này thực hiện quy hoạch sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Thanh Toàn cho hay.

Một khu dân cư mới ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM

Theo quyết định phê duyệt các đồ án quy hoạch nêu trên của UBND TPHCM, khu vực dọc sông Sài Gòn sẽ được đầu tư, khai thác để phục vụ du lịch, triển lãm, hội nghị, biệt thự nghỉ dưỡng… theo hướng thân thiện với môi trường. Người dân ở đây không phải di dời mà sẽ được mời tham gia thực hiện quy hoạch với nhà đầu tư. Nhà đầu tư làm vườn cây cảnh, biệt thự…, người dân trong khu vực được mời góp nhà, đất của mình vào dự án và trở thành một cổ đông, cùng nhà đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Toàn nói về ý tưởng thực hiện các đồ án quy hoạch mà Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng nhiều sở ngành liên quan đang ấp ủ như vậy.   

Cùng với các dự án xây dựng đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, cũng theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, TPHCM đang yêu cầu Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc thành phố cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu ý tưởng quy hoạch chung khu đô thị này theo hướng mở rộng thêm khoảng 3.000ha, đưa tổng diện tích khu đô thị lên khoảng 9.000ha, tiếp giáp luôn với huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và ôm trọn cả khu vực bãi rác Tân Hiệp (đã được di dời hết rác). Quyết định mở rộng khu đô thị này chứng tỏ quyết tâm sớm hình thành một đô thị vệ tinh hiện đại ở huyện Củ Chi của TPHCM.    

Dù trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, phát triển đô thị về hướng Bắc và Tây Bắc chỉ là hướng phát triển phụ. Thế nhưng, từ khoảng 10 năm nay, hướng phụ lại thu hút hàng triệu người dân đến sinh sống, mức gia tăng dân số nhanh và vượt hơn các khu vực thuộc hướng phát triển chính của thành phố. Sự phát triển đô thị “nghịch hướng” quy hoạch đang đặt ra vấn đề: TPHCM nên phát triển về hướng nào? 

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục