TPHCM nên có động thái như thế nào trước thực tế phát triển đô thị hiện nay? Thay vì chọn lựa sinh sống tại các hướng phát triển chính của thành phố, rất nhiều người dân lại làm ngược lại, đó là chọn các quận, huyện ở hướng Bắc, Tây Bắc - là hướng phát triển phụ - để “an cư, lạc nghiệp”. Báo SGGP đã trao đổi với các chuyên gia quản lý đô thị về hiện tượng này.
PGS-TS NGUYỄN TRỌNG HÒA, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Phải tìm được câu trả lời: Tại sao người dân chọn lựa như vậy?
TPHCM nên rà soát, đánh giá và đi tìm cho được câu trả lời: Tại sao người dân lại chọn an cư tại hướng Bắc và Tây Bắc? Phải chăng là do giá đất rẻ, nền địa chất đất tốt, chi phí xây dựng thấp… phù hợp với khả năng chi trả của người dân? Phải chăng do TPHCM thiếu nhà ở xã hội và thiếu các chương trình chăm lo nhà ở cho người nghèo nên trong khả năng của mình, người dân đã chọn cho mình nơi an cư rẻ? Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến một cuộc nghiên cứu, bởi không có nghĩa người dân chọn ở đâu thì thành phố “chạy” theo đó. Thế nhưng, khi nghiên cứu cũng phải quan tâm đúng mức đến sự chọn lựa của người dân. Chính quyền của dân thì mọi nghiên cứu phải hướng tới việc phát triển đô thị để phục vụ người dân. Nếu thấy sự chọn lựa của người dân là hợp lý thì TPHCM nên điều chỉnh quy hoạch phát triển. TPHCM có thể điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị để đón các nhà đầu tư ở các khu trung tâm, khu đô thị mới Thủ Thiêm, vậy tại sao không thể điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị để phục vụ người dân? Bên cạnh đó, thành phố cũng nên có chính sách chỉnh trang đô thị ở các khu vực ở mà người dân chọn lựa. Không phải thấy cứ xây trái phép là đập. Nếu chưa có đủ nguồn lực, TPHCM có thể có cơ chế thực hiện quy hoạch theo hình thức “cắt lớp”: Đầu tiên giữ đất cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản, sau đó là công viên cây xanh, rồi sau nữa là hệ thống hạ tầng xã hội.
Cao ốc và nhà dân tại quận 12 (Ảnh: Cao Thăng)
PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM: Chủ động điều tiết
Tôi nhớ cách đây khoảng 10 năm, tại nhiều xã của huyện Bình Chánh đã xảy ra hiện tượng có 4.000 - 5.000 người dân đến xây dựng nhà ở trái phép. Chính quyền địa phương đã bị phê bình về vấn đề này. Thế nhưng, ở góc độ quản lý đô thị, TPHCM nên tìm hiểu xem, tại sao người dân lại hành động như vậy. Phải chăng do các khu vực ấy có giá đất ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân? Hay còn vì một lý do nào nữa…? Tuy nhiên, dù với bất cứ lý do nào thì thành phố cũng phải chủ động điều tiết sự phát triển đô thị ở đây. Nhà nước cần phải đi trước, định hướng cho người dân bởi nếu cứ để người dân xây dựng nhà một cách tự phát, đô thị phát triển như vết dầu loang thì sau này thành phố sẽ phải tốn rất nhiều tiền, rất nhiều công sức để điều chỉnh lại. Chưa kể như vậy còn làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Ông NGÔ QUANG HÙNG, Phó Giám đốc Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam: Hướng tới sự phát triển bền vững
TPHCM nên rà soát, đánh giá lại việc phát triển đô thị nói chung, trong đó có các hướng phát triển đô thị của mình trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt và trong sự phát triển chung của vùng TPHCM, hướng tới cạnh tranh cũng như hợp tác phát triển với các đô thị trong khu vực và thế giới. Từ cách nhìn tổng thể này, tham khảo thêm trục phát triển giao thông của cả vùng, tôi cho rằng TPHCM nên phân ra các vùng phát triển đô thị với các yêu cầu và mục tiêu khác nhau… Nên hạn chế phát triển đô thị về hướng Nam bởi đây không những là vùng đất thấp, chi phí xây dựng cao mà còn là hướng thoát nước chính tự nhiên của thành phố. Ngập lụt và kẹt xe đang là hai vấn nạn chính của thành phố. Trong tương lai trước sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày một gay gắt, ngập nước sẽ là một vấn nạn rất khó giải quyết nếu không có những định hướng đúng về phát triển đô thị. Sự lựa chọn định cư của người dân ở các vùng đất cao nên được thành phố đánh giá đúng mức và có kế hoạch điều tiết, hỗ trợ một cách kịp thời.
NGUYỄN KHOA
- Thông tin liên quan:
>> Bài 2: Đi cùng bước chân của người dân