Quy hoạch sắp xếp các dự án phát triển mang tính chiến lược

Để đảm bảo phát triển TP Đà Nẵng bền vững, lâu dài, mang tầm khu vực và quốc tế thì việc nâng cấp sân bay, đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu, di dời ga đường sắt… mang tính tiên quyết. Các dự án này đều được đề cập trong Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nâng cấp sân bay, đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu, di dời ga đường sắt…là những dự án động lực, để đảm bảo TP Đà Nẵng phát triển bền vững
Nâng cấp sân bay, đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu, di dời ga đường sắt…là những dự án động lực, để đảm bảo TP Đà Nẵng phát triển bền vững

Tập trung phát triển hạ tầng giao thông

 Trong 6 tháng đầu năm 2020, TP Đà Nẵng đã thu hút được 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 135 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tập trung triển khai nhiều công trình trọng điểm, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể như: dự án cảng Liên Chiểu, đô thị Đại học Đà Nẵng, di dời ga đường sắt, phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối quốc lộ 14B, 14G và 14D để tạo sự lan tỏa vùng...

Đà Nẵng sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng Tiên Sa. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đây là những dự án có động lực, có tác động lan tỏa vùng, đặc biệt là khu vực Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế - Quảng Nam. Chiến lược và các chính sách phát triển của TP Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung – Tây Nguyên. Đà Nẵng cần có sự kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng lớn trong cả nước và các TP lớn trong cả nước và khu vực.

Bên cạnh đó, với 2 lĩnh vực mũi nhọn mà Đà Nẵng "nhắm tới" là là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics.  Trong đó, phấn đấu cụm ngành du lịch chiếm khoảng 20%, cụm ngành logistics chiếm khoảng 15% GRDP của thành phố, sẽ góp phần phục hồi vị thế của lĩnh vực dịch vụ sau đại dịch Covid-19, duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8,5%.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, nhằm hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại khu vực miền Trung, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đà Nẵng sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp cảng Tiên Sa; Bến trung chuyển container Liên Chiểu qua vịnh Đà Nẵng; đầu tư xây dựng ga hàng hóa - cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (khoảng 300 tỷ đồng) với công suất khai thác từ 80.000-100.000 tấn/năm; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi, trục giao thông chính của thành phố đến cảng biển (cải thiện sự kết nối với cảng Tiên Sa với trục Yết Kiêu - Ngô Quyền - Ngũ Hành Sơn - Lê Văn Hiến - Trần Đại Nghĩa thông thoáng hơn) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Ga Đà Nẵng đã có chủ trương di dời ra trung tâm thành phố. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Theo ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, Sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 3 cảng hàng không quốc tế nhộn nhịp nhất Việt Nam sau Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Với mục tiêu nhằm kết nối hiệu quả hơn với các nước trong khu vực với thế giới, đồng thời để nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Bộ GTVT đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất tiếp nhận 6 triệu hành khách/năm.

Hằng ngày, sân bay Đà Nẵng có khoảng 100 chuyến bay hạ - cất cánh với khoảng 10.000 khách thông qua nhà ga. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, du khách, ngành GTVT đang tích cực phối hợp Cục hàng không Việt Nam lập quy hoạch chi tiết làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3, đảm bảo tổng tiếp nhận của sân bay lên 30 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa công suất 100 ngàn tấn/năm, có khả năng mở rộng đến 200 ngàn tấn/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ khác.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết thêm, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa phận TP Đà Nẵng có chiều dài khoảng 40,3 km. Ga Đà Nẵng đã có chủ trương di dời ra trung tâm thành phố. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về thống nhất nguồn vốn để thực hiện dự án Di dời ga đường sắt theo hình thức đối tác công - tư (PPP), thành phố Đà Nẵng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trương triển khai thực hiện dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị theo hình thức hợp đồng BT và hiện nay Bộ GTVT đã có ý kiến thống nhất ủng hộ thành phố Đà Nẵng chủ động triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, thành phố  Đà Nẵng cũng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn qua địa phận Đà Nẵng.

Về cảng biển, Cảng Đà Nẵng được xác định là cửa ngõ tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Năm 2018, dự án cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) đưa vào khai thác vận hành góp phần phát triển đồng bộ hệ thống logistics phục vụ cảng biển, tạo nền tảng trở thành cảng container hiện đại trong khu vực và có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container đến 4.000 TEUs và tàu khách loại lớn, bảo đảm năng lực tiếp nhận hàng hóa qua cảng Tiên Sa lên 12 triệu tấn/năm.

Hiện nay, thành phố  Đà Nẵng khẩn trương xúc tiến triển khai đầu tư dự án cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA), dự kiến sau khi hoàn thành sẽ là đầu mối giao thông hàng hải lớn nhất khu vực Nam Trung bộ, có vai trò quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và liên kết phát triển vùng của thành phố trong khu vực miền Trung.

Để quy hoạch đi vào thực tế

Với những dự án được đề cập, TP Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hội thảo, thuê công ty tư vấn cũng như lấy ý kiến đánh giá của nhiều chuyên gia về tính cấp thiết, khả thi của dự án.

Theo Kỹ sư Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng không phải phục vụ cho riêng Đà Nẵng mà còn phục vụ cho khu vực miền Trung, cho Hành làng kinh tế Đông Tây. Cần nhìn nhận như vậy để so sánh: Nếu mở rộng cảng Tiên Sa thì 40 hay 50 năm nữa có hoàn thành được không. Trong khi đó, xung quanh cảng Tiên Sa thì có trụ sở các cơ quan quân sự, hải quân, mà những cơ quan trên thì không thể di dời.

Phối cảnh cảng Liên Chiểu
Chính vì vậy, ông Chương đề xuất lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng nên quyết liệt xây cảng Liên Chiểu. “Đà Nẵng đã mất 20 năm để ý tưởng xây dựng cảng Liên Chiểu được hiện thực hóa thành dự án, đây là cơ hội để triển khai xây dựng, nếu tiếp tục sửa đổi đưa vào quy hoạch thì 50 năm nữa dự án cảng Đà Nẵng cũng chưa triển khai được”. 
Đà Nẵng chủ trương nghiên cứu khả năng quy hoạch lại sân bay Đà Nẵng và khu đô thị lân cận theo định hướng đô thị sân bay. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Mặt khác, khẳng định chủ trương quy hoạch đô thị sân bay là chủ trương chiến lược đúng đắn của Đà Nẵng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch Công ty NgoViet Architects & Planner cho rằng, việc phát triển đô thị sân bay là một định hướng phát triển mới và tiên tiến trên thế giới, có nhiều tiềm năng phát triển hứa hẹn có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Với quỹ đất trong thành phố Đà Nẵng không còn nhiều, việc đề xuất dời sân bay Đà Nẵng đến Chu Lai (Quảng Nam) cách xa đến 100 km sẽ là một sai lầm chiến lược. TP Đà Nẵng có thể xây dựng mô hình khu đô thị sân bay theo hướng quy hoạch lại đô thị bán kính 1 - 2km quanh sân bay. Việc xây dựng khu đô thị sân bay dựa trên cơ sở tổ chức lại quy hoạch sử dụng đất và kết nối trong vành đai, lẫn hai bên đường vành đai với các chức năng phục vụ sân bay, logistics, dịch vụ, thương mại... để phát triển khu vực quanh sân bay thành một khu kinh tế quan trọng của TP Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cần tính tới việc tổ chức quy hoạch chiều cao và quy hoạch không gian cây xanh cách ly và đô thị ven sân bay, đặc biệt ở 2 đầu sân bay để đảm bảo phát triển đô thị hài hòa với phát triển sân bay một cách bền vững. Có thể phát triển sân bay tương lai với tiêu chuẩn môi trường đô thị phù hợp.

"Trên cơ sở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 331-TB/TU, TP Đà Nẵng đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18-3-2020 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đặt ra quan điểm phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; tập trung phát triển 3 trụ cột chính, đó là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội.

Nhằm tạo ra những tư duy, cách tiếp cận mới trong quy hoạch để làm động lực cho đà phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, thành phố đã phối hợp với tư vấn Singapore xây dựng Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với Thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này có ý tưởng đột phá về mặt tổ chức không gian đô thị, phân khu chức năng rõ nét, định hướng và phân kỳ theo các giai đoạn phát triển phù hợp của thành phố, được chia thành 3 vùng đô thị đặc trưng và 1 vùng sinh thái với 12 phân khu, tạo lập 2 vành đai kinh tế chính; điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm thành phát triển đa cực; ưu tiên tái thiết các khu đô thị cũ thành khu cao tầng và tập trung đầu tư hạ tầng tương ứng" - Ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Tin cùng chuyên mục