
Băn khoăn về các quan điểm khá trái ngược nhau về quy mô phát triển cảng ở Hiệp Phước, chúng tôi đã tìm đến Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Port Coast)- công ty tư vấn hàng đầu của cả nước về cảng – công trình biển (đơn vị vừa thực hiện quy hoạch cụm cảng số 5 vừa giúp Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận nghiên cứu nạo vét luồng Soài Rạp), ông Trần Tấn Phúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty (ảnh), cho biết:

Quy hoạch cụm cảng số 5 là quy hoạch đến 2010 và định hướng đến 2020. Do vậy, năm 2007 các tàu có tải trọng 2 vạn đến 3 vạn tấn - những tàu loại trung ra vào Hiệp Phước là hợp với quy hoạch.
Việc nạo vét trên sông Soài Rạp mới là bước thử nghiệm. Dự kiến việc này sẽ kéo dài trong 2 năm và nếu thành công, chúng tôi sẽ kiến nghị điều chỉnh quy hoạch cảng cho khu vực Hiệp Phước. Các làm này đã có tiền lệ… Những năm 1990 chúng ta cũng từng quy hoạch khu vực Cái Mép-Thị Vải chỉ phát triển cảng tiếp nhận tàu 2 vạn đến 3 vạn tấn.
Sau này do lượng hàng hóa xuất, nhập tăng lên, khả năng đầu tư của chúng ta mạnh hơn thì Cái Mép-Thị Vải đã được xác định lại là khu vực cảng nước sâu, tiếp nhận tàu lớn từ 60.000-80.000 DWT.
- Nếu cảng Hiệp Phước có thể tiếp nhận tàu lớn, Cái Mép-Thị Vải cũng tiếp nhận tàu lớn, liệu có xảy ra tình trạng thừa cảng rồi lại cạnh tranh làm suy yếu nhau?
- Những cảng có khả năng tiếp nhận tàu lớn không nhiều trong khi đó theo những nghiên cứu của Port Coast thì hoạt động giao thương hàng hải trên thế giới trong những thập niên tới sẽ chủ yếu là các tàu lớn, hiện đại. Hơn nữa, với đà phát triển kinh tế như hiện nay, bản thân Việt Nam cũng sẽ có nhu cầu rất lớn về xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đầu tư “đi tắt, đón đầu” trong bối cảnh này là hợp lý. Quy hoạch không là bất biến mà luôn được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
- Cám ơn ông.
AN NHIÊN