(SGGPO).- Quy hoạch sử dụng đất đai và việc xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên đất đai dài hạn tại Việt Nam là chủ đề cuộc hội thảo do Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (Đức) tổ chức sáng nay, 1-10, tại Hà Nội.
Nhấn mạnh đến hai đặc điểm: thiếu tính dài hạn và tính dự báo thấp của các quy hoạch sử dụng đất hiện nay, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam phải có chiến lược sử dụng tài nguyên đất hiệu quả hơn trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh bình quân diện tích đất tự nhiên chỉ đạt 0,38 ha/người; đất sản xuất nông nghiệp 1.140m²/ người (năm 2011) và xu hướng giảm đáng kể trong thời gian tới. Muốn vậy, nhất thiết phải có các định hướng vĩ mô, tầm nhìn chiến lược cho 50 – 100 năm (hiện mới chỉ có quy hoạch đến năm 2020) để đảm bảo tính ổn định, khả thi và sự kết nối liên tục giữa các kỳ quy hoạch.
Đáng lưu ý, các ý kiến tại hội thảo chỉ rõ, việc quy hoạch để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước, sang mục đích khác chưa được tính toán kỹ, dẫn đến việc nhiều hộ dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất.
Theo PGS, TS Huỳnh Đăng Hy, tỉnh Hải Dương có tổng diện tích đất tự nhiên là 165.420 ha, dân số toàn tỉnh khoảng 1,8 triệu người, nhưng đã quy hoạch tới 18 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 3.710ha. Quy hoạch phân bố các khu công nghiệp cũng không hợp lý, vì chủ yếu được bố trí hai bên quốc lộ 5, trên đất lúa nước tốt. Nhưng đây không phải trường hợp cá biệt. Hàng loạt tỉnh thành khác ở đồng bằng sông Hồng như Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội và ở miền Nam có tỉnh Long An... đều có tình trạng tương tự.
ANH PHƯƠNG