Quy hoạch thiếu thống nhất

Ngày 6-6, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Theo nhiều đại biểu, hiện nay công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Vì vậy, để nâng cao chất lượng nhằm đưa quy hoạch phù hợp với thực tiễn, cần đổi mới công tác quy hoạch.

Ngày 6-6, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Theo nhiều đại biểu, hiện nay công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Vì vậy, để nâng cao chất lượng nhằm đưa quy hoạch phù hợp với thực tiễn, cần đổi mới công tác quy hoạch.

Theo ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), công tác quy hoạch hiện nay có một số hạn chế như: Lập quá nhiều quy hoạch nhưng không đồng bộ, thiếu thống nhất, thiếu sự liên kết, khớp nối và còn nhiều chồng lấn, mâu thuẫn. Chất lượng và hiệu lực quy hoạch thấp, điều chỉnh bổ sung nhiều và không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa kịp thời, thiếu kiên quyết. Quản lý quy hoạch do nhiều cơ quan cùng quản lý, thiếu cơ quan đầu mối, không đảm bảo tính tập trung.

Theo ông Vũ Quang Các, nguyên nhân trên là do tư duy, nhận thức về quy hoạch nhiều hạn chế. Phương pháp và nội dung quy hoạch chưa đổi mới phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch nhưng thiếu thống nhất, không đồng bộ. Vì vậy, Việt Nam cần phải có quy hoạch để giúp nhà nước trong việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và thông qua đó thể hiện được sự công bằng, hài hòa giữa vật chất - tinh thần, giữa kinh tế - xã hội và đảm bảo được tính hiệu quả, tính bền vững. Theo đó, quy hoạch cần phải được nghiên cứu theo hướng tổng hợp đa ngành, gắn với không gian, lãnh thổ.

Để nâng cao chất lượng nhằm đưa quy hoạch phù hợp với thực tiễn, các đại biểu cho rằng cần đổi mới công tác quy hoạch. Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, trong quá trình thực hiện, quan hệ giữa các loại quy hoạch không gian được thể hiện thông qua các “chương trình thực hiện”, được lập ra trên cơ sở các đề xuất quy hoạch và các biện pháp “theo dõi và đánh giá” kết quả thực hiện quy hoạch. Thế nhưng, các quy hoạch tổng thể cấp vùng liên tỉnh và cấp lãnh thổ đặc biệt lại không có cấp chính quyền tương ứng để quản lý. Đây là thách thức rất lớn, vì thực tiễn hoạt động nhiều năm qua của một số Ban chỉ đạo Vùng do Chính phủ bổ nhiệm cho thấy mô hình này không phát huy được tác dụng cần thiết. Do đó, đề nghị lập Hội đồng tự quản phát triển vùng gồm chủ tịch HĐND các tỉnh trong vùng và do họ luân phiên làm chủ tịch hội đồng. Chính phủ có thể bổ nhiệm một đại diện Chính phủ tham gia hội đồng để làm cầu nối giữa cấp Trung ương và cấp vùng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, việc ban hành Luật Quy hoạch đang là nhu cầu cấp thiết hiện nay, được đặt trong bối cảnh công tác quy hoạch còn rất nhiều tồn tại, bất cập, đặc biệt là trên thế giới các nước tuy có sự khác biệt nhau về thể chế chính trị và các điều kiện về kinh tế - xã hội, nhưng đều có chung một mục tiêu là gắn kết công tác nghiên cứu, lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch vào một quá trình thống nhất.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục