Quy hoạch thoát nước năm 2008: Đê bao ở ngoại thành, kè ở nội thành

Trong khi Quy hoạch thoát nước được phê duyệt năm 2001 có phạm vi thực hiện khá nhỏ thì Quy hoạch thoát nước phê duyệt năm 2008 có phạm vi điều chỉnh tới 968.500ha bao gồm không chỉ toàn bộ TPHCM mà còn trải rộng ra tới một phần của tỉnh Đồng Nai và Long An. Lý do được đưa ra: lũ và triều cường ở TPHCM gắn bó “mật thiết” với hai địa phương nêu trên.

Căn cứ điều kiện địa hình tự nhiên, tính chất ngập lụt, quy hoạch này chia TPHCM thành 3 vùng kiểm soát nước. Vùng 1 bao gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Nhà Bè trong đó có khu vực nội thành cũ và khu vực phía Nam thành phố cùng một phần đất của tỉnh Long An ở phía bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông. Vùng này được coi là vùng trung tâm của toàn bộ đồ án quy hoạch. Vùng 2 gồm tất cả khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn. Vùng 3 gồm toàn bộ khu vực sông Nhà Bè - Soài Rạp.

Việc kiểm soát nước ở vùng 1 được tiến hành bằng hệ thống đê bao ven bờ hữu sông Sài Gòn, từ khu vực Bến Súc của sông Sài Gòn qua sông Soài Rạp rồi tới bờ tả sông Vàm Cỏ Đông. Trong đó tuyến đê bao từ Bến Súc tới Vàm Thuật được bố trí theo tuyến đê bao của dự án thủy lợi xây dựng đê bờ hữu sông Sài Gòn mà TPHCM đã triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Phần đê còn lại làm theo các tuyến đường giao thông hiện hữu dọc các bờ sông. Ngoài ra, sẽ có một hệ thống cống khép kín đặt dưới đê để khống chế mực nước và kiểm soát chất lượng nước bên trong đê bao. 

Phương án kiểm soát nước ở vùng 2: đối với khu vực đô thị, cần tôn cao nền lên trên mực nước lũ khoảng 2,5m; đối với khu nhà vườn, khu du lịch phải có đê bao khép kín với các cống được bố trí dưới đê để tiêu thoát nước khi lũ xuống thấp; đối với các vùng cao như quận 9, quận Thủ Đức sẽ cải tạo kênh, rạch để tăng khả năng tiêu thoát nước. Phương án kiểm soát nước vùng 3: đây được xác định là vùng đệm, trong tương lai việc tiêu thoát nước sẽ được giải quyết bằng các công trình xây dựng lớn như hệ thống đê bao với mức độ tùy thuộc vào sự gia tăng của nước biển và sự phát triển đô thị về phía Nam của thành phố. Trước mắt, để chống ngập, sử dụng hệ thống đê nhỏ và đê bao biển.

Theo Trung tâm chống ngập TPHCM, hiện đơn vị đang làm dự án xây đê cho khu vực ngoại thành và kè cho nội thành. Dự kiến, tháng 12-2011 hoàn tất dự án và trình UBND TPHCM xem xét. Kinh phí tạm tính: 10.000 tỷ đồng.

Để kiểm soát lũ từ thượng nguồn về, quy hoạch đề xuất bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ và hoàn thiện quy trình vận hành của các hồ chứa nước ở thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai như Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa… Đồng thời tiến hành các giải pháp kỹ thuật để phân lũ từ sông Đồng Nai sang sông Thị Vải và sông Đồng Môn trong trường hợp lũ tràn về TPHCM. Tương tự, sẽ phân lũ ở sông Sài Gòn qua rạch Tra và tiến hành ngăn lũ từ miền Tây Nam bộ đổ về thành phố.

Tuy nhiên, cũng phải nói, đây là quy hoạch gặp khá nhiều phản ứng từ các nhà khoa học TPHCM. Quan điểm của nhiều nhà khoa học thành phố là, triều cường ở TPHCM từ từ lên và từ từ xuống đã hàng trăm năm nay. Mỗi lần lên xuống như thế, nó giúp cho thành phố “trôi rửa” khá nhiều chất thải. Do vậy, làm đê bao không những biến triều “lành” thành triều “dữ” mà còn gây nguy cơ tạo tình trạng “ao tù nước đọng” trong thành phố.

Lãnh đạo Trung tâm chống ngập TPHCM cho biết, chính lãnh đạo thành phố cũng có ý kiến về vấn đề này và TPHCM đã làm việc và cuối cùng thống nhất được với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan lập quy hoạch, làm đê bao ở khu vực ngoại thành. Trong khu vực nội thành làm kè là chủ yếu. Điều này, ngoài giải quyết những bất cập nêu trên, còn giúp thành phố giữ được một không gian sông nước đặc trưng của Nam bộ.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục