Quỹ hưu trí với nguy cơ mất cân đối

Tại hội thảo đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, tổ chức tại TPHCM mới đây đã đưa ra số liệu, Quỹ hưu trí và tử tuất năm 2010 tăng 35,8%. Tuy nhiên, trên thực tế con số này tăng không bền vững. Bởi lẽ, số thu tăng không phải là do người đóng tăng mà là do tỷ lệ đóng BHXH năm 2010 tăng thêm 2%.

Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, tỷ lệ đóng BHXH/người hưởng lương hưu ngày càng giảm nhanh. Cụ thể, năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, năm 2000 giảm xuống còn 34 người và đến năm 2010 chỉ có 10,7 người. Như vậy, Quỹ hưu trí và tử tuất đang đối mặt với nguy cơ mất cân đối.

Theo tính toán, đến năm 2023, số thu BHXH sẽ bằng số chi; từ năm 2024 trở đi, nguồn chi hưu trí, tử tuất không chỉ lấy từ số thu trong năm mà phải trích thêm từ nguồn tồn đọng… Theo tính toán, với mức đóng BHXH hiện nay, chỉ 5 - 7 năm sau khi nghỉ hưu, người lao động sẽ nhận hết số tiền đã đóng. Trong khi đó, trung bình một người khi hết tuổi lao động còn nhận lương hưu từ 15 năm đến 20 năm. Mặt khác, mỗi lần tăng lương tối thiểu, Nhà nước lại điều chỉnh trợ cấp hưu trí. Điều này dẫn đến tình trạng có rất nhiều người trợ cấp hưu trí lại cao hơn mức lương khi còn đi làm. Đó là chưa nói đến việc quy định tuổi nghỉ hưu thấp, điều kiện nghỉ hưu trước tuổi quá rộng, nên có không ít người xin nghỉ hưu trước tuổi…

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐTB-XH, cũng thừa nhận, quỹ hưu trí và tử tuất chỉ đảm bảo cân đối trong thời gian ngắn. Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu tiếp tục theo chiều hướng giảm nhanh. Quỹ hưu trí và tử tuất đối mặt với nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi cho biết, qua giám sát việc thực hiện Luật BHXH cho thấy, BHXH bắt buộc có các chế độ khác nhau, trong đó ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là các chế độ ngắn hạn, có thể cân đối, điều chỉnh hàng năm. Tuy nhiên, chế độ hưu trí, tử tuất là dài hạn, có mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, phạm vi điều chỉnh khác với các chế độ trên nhưng tất cả lại được quy định chung trong cùng Luật BHXH, gây khó khăn trong công tác quản lý. Cho tới nay, thực chất BHXH của ta vẫn không xác định rõ bảo hiểm hưu trí, tử tuất là gì? Tại sao chưa đủ điều kiện nghỉ hưu đã được rút quỹ hưu trí để trả một lần? Như vậy liệu có bảo đảm an sinh xã hội lâu dài? Tuổi nghỉ hưu tùy thuộc vào tâm sinh lý lao động hay theo ngành, nghề làm việc. Việc tại sao tuổi nghỉ hưu tự nguyện lại không theo ngành, nghề?

Từ những phân tích trên, ông Đặng Như Lợi kiến nghị nên sửa đổi Luật BHXH theo hướng tách thành Luật Bảo hiểm ốm đau, thai sản; Luật Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Luật Bảo hiểm thất nghiệp và Luật Hưu trí, trong đó có quy định chế độ tử tuất. Có như vậy mới cải cách cơ bản chính sách BHXH, vì đây là trụ cột của chính sách an sinh xã hội lâu dài. Còn BHXH Việt Nam kiến nghị, tăng dần tuổi nghỉ hưu theo hướng từ sau năm 2015, cứ 2 năm tăng thêm 1 tuổi cho đến khi nam nghỉ hưu ở tuổi 65, nữ tuổi 60. Mặt khác, thực hiện trừ tỷ lệ phần trăm trợ cấp hưu trí đối với người nghỉ hưu trước tuổi theo hướng cứ mỗi năm nghỉ sớm trừ 2%. Đồng thời, đề xuất chỉ điều chỉnh tăng trợ cấp hưu trí theo mức tăng chỉ số giá sinh hoạt, không tăng theo lương tối thiểu.


HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục