Quy mô dân số nào cho TPHCM?

Ủy ban Nhân dân TPHCM đang chuẩn bị công bố chính thức Quy hoạch chung xây dựng TPHCM tới năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy mô dân số nào cho TPHCM?

Ủy ban Nhân dân TPHCM đang chuẩn bị công bố chính thức Quy hoạch chung xây dựng TPHCM tới năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong quy hoạch chung này, các chuyên gia trong nước cùng với sự hợp tác theo dạng cố vấn của các chuyên gia Nhật Bản đã lập được một tổng mặt bằng sử dụng đất đến năm 2025, quy hoạch kiến trúc cảnh quan và các cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung cho toàn bộ TP. Phương án quy hoạch sử dụng đất, cũng như tính toán để quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đều dựa vào dự báo quy mô phát triển dân số dân số của TP tới năm 2020.

Lao động từ các tỉnh tới làm việc góp phần làm tăng dân số TPHCM (ảnh: Công nhân KCX Linh Trung tan ca). Ảnh: KIM NGÂN

Lao động từ các tỉnh tới làm việc góp phần làm tăng dân số TPHCM (ảnh: Công nhân KCX Linh Trung tan ca). Ảnh: KIM NGÂN

Theo Quy hoạch chung xây dựng TPHCM tới năm 2025 cũng như Quyết định phê duyệt quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, dự báo tới năm 2025, dân số TP khoảng 10 triệu người, khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người. Dân số nội thành khoảng 7,74 triệu người, dân số ngoại thành khoảng 2,6 - 3 triệu người (trong đó dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người).

Trong phần luận chứng về quy mô dân số khoảng 10 triệu người, các chuyên gia đã đưa ra 3 phương án dự báo với kết quả: phương án thấp 9,25 triệu người, phương án trung bình khoảng 10 triệu người và phương án cao 11,3 triệu người. Các phương án trên đều có lập luận với các cơ sở tính toán về tỷ lệ lao động nhập cư, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước và phần của TPHCM. Tuy nhiên các phương án đưa ra thiếu các giải pháp khả thi về hạn chế lao động nhập cư. Nếu thiếu giải pháp đó thì quy mô dân số TP tới năm 2025 chắc chắn vượt con số 12 triệu người. Cơ sở của con số này như sau:

Tốc độ tăng dân số theo tốc độ trượt 10 năm qua

Dân số TP năm 1999 khoảng 5,037 triệu người, năm 2009 khoảng 7,123 triệu người. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm khoảng 3,6%, chủ yếu là tăng cơ học. Nếu tốc độ này được giữ nguyên thì tới năm 2020 dân số của TP sẽ là 10,51 triệu người và tới năm 2025 khoảng 12,54 triệu người.

Chưa có cơ sở để giảm tỷ lệ tăng dân số của TPHCM

Trong chiến lược đô thị hóa của Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra quan điểm không phát triển tập trung thành các TP theo dạng “đầu to” mà phải phát triển “đồng đều” giữa các vùng. Để biện minh cho quan điểm đó, các tác giả đã dự kiến phát triển nhiều khu công nghiệp, nhiều cảng biển theo chiều dài đất nước. Thậm chí còn đầu tư các dự án thiếu hiệu quả nhưng phục vụ cho mục đích “đồng đều” (nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất, gần chục cảng biển miền Trung cùng với các đặc khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu…).

Các quy hoạch đó cùng với nhiều dự án đầu tư đó cho nhiều tỉnh nông nghiệp và nông thôn đến nay vẫn chưa phát huy được tác dụng. Dòng người nhập cư vẫn tiếp tục dồn vào các TP lớn như TPHCM, thủ đô Hà Nội và các tỉnh Nam bộ có điều kiện phát triển công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Nhu cầu nhập cư theo quy luật cung cầu sẽ thúc đẩy và điều chỉnh các dòng di cư và nhập cư. Hiện tại chưa có các chính sách nhập cư vào TP lớn do đó khó có khả năng tốc độ tăng trưởng dân số của TPHCM chậm lại.

Các cơ sở làm tăng tốc độ tăng dân số tại TPHCM

Thứ nhất là xu hướng di cư. Người Việt Nam có truyền thống “ly nông bất ly hương”. Truyền thống này xuất phát và tồn tại trong một xã hội nông nghiệp. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc 1954 - 1975 cũng như các chương trình khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, Từ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau tại vùng đồng bằng sông Cửu Long sau năm 1975, Chính phủ đã khuyến khích di dân từ các vùng đông dân tới các vùng còn nhiều đất trong các chương trình khai hoang - kinh tế mới (thậm chí tại Lâm Đồng có huyện Lâm Hà, nơi đó có nhiều người dân Hà Nội đi khẩn hoang sau năm 1975).

Trong xã hội công nghiệp truyền thống “ly nông bất ly hương” chỉ tồn tại trong giai đoạn đầu của tiến trình công nghiệp hóa khi những ông bố, bà mẹ ly nông nhưng phải trở về quê. Trong 10 năm qua, ly nông chủ yếu là các nam thanh, nữ tú vừa đến tuổi lao động tại các vùng nông thôn vào các đô thị để làm việc trong các nhà máy, khu, cụm công nghiệp tập trung, các công trường, cơ sở dịch vụ… Phần lớn họ kết hôn và chọn quê hương mới là nơi họ đang làm việc mặc dầu mái ấm hạnh phúc thuở đầu chỉ là căn nhà trọ.

Các cặp gia đình mới này sẽ sinh con góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển dân số của TP.

Thứ hai là quy luật phát triển của các thành phố cực lớn. Đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả kinh tế - xã hội liên quan tới quy mô dân số của các TP. Nhiều nhà nghiên cứu đứng về góc độ xã hội đề nghị quy mô TP không nên lớn hơn 1 triệu người, 300.000 dân là tốt nhất. Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế cho rằng, đầu tư vào TP càng lớn thì hiệu quả kinh tế cao, khả năng thu hồi vốn lớn. Nhà kinh tế người Nhật Koichi Mera từng viết “các tranh luận nhằm khẳng định việc thu hồi lợi nhuận từ vốn đầu tư của cả các xí nghiệp tư doanh và quốc doanh tại các đô thị lớn kém hơn tại các đô thị nhỏ và trung bình là không có cơ sở” và “nếu mục tiêu của quốc gia là tạo được mức tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất thì việc khuyến khích phi tập trung vốn đầu tư và phân bố dân cư không thể khuyến khích, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển”.

Vậy vấn đề đặt ra là có nên đặt TP trong chủ trương “không tưởng về một sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền” hay để TP sánh vai các thành phố lớn khác?

Câu trả lời là: hãy để TP phát triển theo năng lực của chính TP.

Thế giới đã có nhiều TP quy mô dân số rất lớn mà TPHCM đứng rất xa phía sau: Tokyo, Nhật Bản: 32,45 triệu người; Seoul, Hàn Quốc: 20,55 triệu người; Mexico City, Mexico: 20,45 triệu người; New York, Mỹ: 19,75 triệu người; Mumbai, Ấn Độ: 19,2 triệu người; Jakarta, Indonesia: 18,9 triệu người; Sao Paulo, Brazil: 18,85 triệu người; Delhi, Ấn Độ: 18,68 triệu người; Osaka/Kobe, Nhật Bản: 17,35 triệu người; Manila, Philippines: 16,3 triệu người…

Nguyễn Thiềm
(Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM)

Tin cùng chuyên mục