Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc

Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của DN, nhà nước cho phép DN trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm quy định có hiệu lực, DN vẫn khó tiếp cận được chính sách này do nhiều vướng mắc.
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc

Nhằm giúp doanh nghiệp (DN) có nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh của DN, nhà nước cho phép DN trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, sau nhiều năm quy định có hiệu lực, DN vẫn khó tiếp cận được chính sách này do nhiều vướng mắc.

Rất ít doanh nghiệp thực hiện trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN.

Rất ít doanh nghiệp thực hiện trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN.

Không dám trích quỹ

Theo quy định tại Thông tư 15/2011/TT-BTC hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN, doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN. Dù quy định là vậy, nhưng trên thực tế DN vẫn khó tiếp cận với quỹ này. Ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Tân Quang Minh, KCN Vĩnh Lộc, cho rằng: “Trong sản xuất kinh doanh, việc áp dụng khoa học công nghệ mới là cần thiết. Do đó, việc nhà nước cho DN trích 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN là một chính sách đúng đắn, đáp ứng mong đợi của DN thời gian qua. Việc thực hiện chính sách này tuy giảm nguồn đóng thuế nhưng giúp DN phát triển về mặt khoa học công nghệ nâng cao giá trị sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế với chính sách này, từ khi ban hành đến nay DN chưa thể tiếp cận được. Bởi vì, DN lấy ra 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập quỹ thì DN phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho khoản thu nhập đã trích lập quỹ. Đây  là việc gây khó cho DN”.

Còn ông Đỗ Hướng Dương, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận, phân tích: Dù quy định cho phép DN được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN, tuy nhiên, trong đó lại đưa ra điều kiện là trong thời hạn 5 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu quỹ không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì DN phải nộp thuế TNDN tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế TNDN đó. DN không được hạch toán các khoản chi từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế. Như vậy, với quy định này, xem ra nửa cho xài nửa không. Do đó, DN sợ bị phạt và không ai dám trích quỹ.

Ở góc độ hiệp hội nghề nghiệp, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết: Dù nhà nước có quy định cho phép DN trích lập 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN,  tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề vướng mắc nên hiện nay, đa phần DN, kể cả DN lớn có nhu cầu đầu tư phát triển khoa học và công nghệ không dám trích lập quỹ vì sợ bị phạt, nhất là mức lãi phạt rất cao.

Cần sớm sửa thông tư 

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, để Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong DN thực sự phát huy hiệu quả, nhà nước cần có sự hướng dẫn rõ ràng trong việc triển khai thực hiện chính sách trên. Theo ông Nguyễn Đăng Hiến, việc đầu tư cho khoa học và công nghệ trong DN để đổi mới trang thiết bị dây chuyền sản xuất là rất cần thiết để sản phẩm làm ra đủ sức cạnh tranh với thị trường. Do đó, nếu chúng ta không thay đổi là tụt hậu, hàng hóa làm ra không đủ sức cạnh tranh với các nước bên ngoài. Vì vậy, cần có thông tư, chỉ thị hướng dẫn việc trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN một cách rõ ràng. Việc trích 10% lợi nhuận phải được miễn thuế. Còn ông Đỗ Hướng Dương kiến nghị, nhà nước cần hướng dẫn rộng rãi hơn nữa quy định này chứ không thể đưa ra quy định theo kiểu nửa cho xài nửa không như hiện nay. Ngoài ra, nên cho phép DN trích quỹ để xài sau này khi có nhu cầu. Đối với DN khi trích quỹ sau 5 năm nếu không xài hoặc xài không hết được phép hoàn lại phần thuế TNDN đã trích cho quỹ mà không phải chịu đóng phạt.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Ngọc Hưng cho rằng để Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của DN đến được với DN, Bộ Tài chính cần sớm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên. Mà muốn tháo gỡ các vướng mắc này phải sửa Thông tư 15. Cụ thể, đối với DN khi trích lập quỹ, nếu trong thời hạn quy định làm không hết thì cho gối đầu thực hiện lần sau. Bên cạnh đó, với quỹ trích lập nếu sử dụng chưa hết 70% theo quy định, cho phép DN được đưa phần dư vào hạch toán thu nhập tính thuế TNDN mà không bị phạt về lãi suất kho bạc và lãi nộp chậm.

Trước những vấn đề nêu trên, thiết nghĩ Bộ Tài chính cần sớm nghiên cứu xem xét sửa đổi các quy định vướng mắc theo hướng thuận lợi để DN dễ sử dụng trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp như mục tiêu đã đưa ra.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục