Quỹ Tái chế TPHCM là tổ chức tài chính, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm hỗ trợ, cho vay vốn để thực hiện các chương trình, đề án trong việc quản lý, tái chế, tái sử dụng chất thải. Ra đời đã 6 năm và chính thức thực hiện hoạt động tài chính gần nửa năm qua nhưng Quỹ Tái chế TPHCM mới cho được… một doanh nghiệp (DN) vay vốn.
Lãi suất quá cao
Chưa hấp dẫn DN đến vay là điều mà lãnh đạo Quỹ Tái chế TPHCM rất trăn trở. Ông Huỳnh Phú Nam, Giám đốc Quỹ Tái chế, cho biết, vấn đề lớn nhất là lãi suất cho vay quá cao. Theo quy định của UBND TPHCM, mức lãi suất cho vay của Quỹ Tái chế “được thực hiện theo nguyên tắc, lãi suất cho vay tính bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (loại trả lãi sau) của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố được công bố còn hiệu lực, cộng với phí quản lý 2%”. Áp dụng chỉ đạo này, hiện Quỹ Tái chế cho vay với lãi suất khoảng 12,5%/năm. Đây là mức lãi suất rất cao so với nhiều quỹ cho vay phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường tương tự Quỹ Tái chế TPHCM.
Theo ông Huỳnh Phú Nam, hiện nay Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho vay với lãi suất chỉ 5,4%/năm; Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội cho vay với lãi suất 6%/năm. Gần TPHCM, Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương cho vay 6,75%/năm, Quỹ Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho vay 6%/năm, thấp nhất là Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với lãi suất cho vay chỉ 3,9%/năm. Ở ngay tại TPHCM, so sánh với lãi suất cho vay của các quỹ khác như Quỹ Giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp TPHCM chỉ 0%/năm, lãi suất cho vay của Quỹ Tái chế TPHCM hoàn toàn không hấp dẫn khách hàng.
Đó là chưa kể một yếu tố khác. Trong khi các quỹ cho vay phục vụ công tác bảo vệ môi trường khác có đối tượng cho vay khá đa dạng thì đối tượng cho vay của Quỹ Tái chế lại khá bó hẹp. Theo quy định, đối tượng cho vay của Quỹ Tái chế phải là các pháp nhân có “các chương trình, dự án liên quan đến hoạt động tái chế tại TPHCM hoặc tái chế chất thải của TPHCM tại địa phương khác; các chương trình, dự án thử nghiệm, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tái chế chất thải trên địa bàn thành phố; các chương trình, dự án có liên quan theo quyết định của UBND TPHCM”.
Trong khi đó, tham gia hoạt động tái chế ở thành phố đa phần là các cơ sở nhỏ, lẻ, gia đình… không có tư cách pháp nhân. Quỹ Tái chế TPHCM đã làm một cuộc sàng lọc danh sách 274 cơ sở tái chế từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố gửi lên thì chỉ có 27 đơn vị đáp ứng được các quy định nêu trên.
Mức cho vay thấp
Lãi suất cho vay quá cao, không hấp dẫn DN đã là một khó khăn đối với Quỹ Tái chế TPHCM. Thế nhưng chưa phải đã hết. Với số vốn ít ỏi, khoảng 50 tỷ đồng và với quy định chỉ được cho vay tối đa 15%/tổng vốn, Quỹ Tái chế TPHCM chỉ có thể cho DN vay tối đa khoảng 7,5 tỷ đồng. Trong nhiều trường hợp, đây là số tiền rất nhỏ so với nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực tái chế. Nhìn qua các quỹ khác như Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội có số vốn lên tới 300 tỷ đồng…
Ông Huỳnh Phú Nam cho biết, đây là thiệt thòi lớn cho hoạt động tái chế ở TPHCM trong bối cảnh các cơ sở tái chế đang buộc phải di dời ra khỏi các khu dân cư và phải tạo dựng lại cơ sở mới. Việc đăng ký vào hoạt động trong các khu công nghiệp - nơi cơ bản có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải cùng các điều kiện khác về bảo vệ môi trường khác lại hoàn toàn không dễ dàng. Hiện gần như chỉ có Khu công nghiệp Lê Minh Xuân chấp nhận loại hình sản xuất này. Chính vì vậy, việc cần nguồn vốn để tạo dựng cơ sở mới hiện đại hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra có giá trị hơn lại cần thiết hơn bao giờ hết.
Mới đây Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM đã có văn bản báo cáo lãnh đạo TPHCM những khó khăn của quỹ. Mọi việc đang chờ lãnh đạo TP xem xét, tháo gỡ.
AN NHIÊN