Quyển nhật ký dưới đáy mộ

40 năm trước, tôi biết ông Huỳnh Văn Sáng là Huyện đội phó Huyện đội Tân Uyên, bấy giờ là tỉnh Sông Bé, hiện nay là tỉnh Bình Dương. Còn nay, tôi biết ông Huỳnh Văn Sáng với tấm lòng của một người lính Cụ Hồ, đã sống trọn vẹn với đồng đội, đồng chí, vượt qua bao khó khăn cách trở, đưa một kỷ vật nằm sâu dưới lòng đất 46 năm - quyển nhật ký của một nữ anh hùng liệt sĩ về với gia đình.
Quyển nhật ký dưới đáy mộ

40 năm trước, tôi biết ông Huỳnh Văn Sáng là Huyện đội phó Huyện đội Tân Uyên, bấy giờ là tỉnh Sông Bé, hiện nay là tỉnh Bình Dương. Còn nay, tôi biết ông Huỳnh Văn Sáng với tấm lòng của một người lính Cụ Hồ, đã sống trọn vẹn với đồng đội, đồng chí, vượt qua bao khó khăn cách trở, đưa một kỷ vật nằm sâu dưới lòng đất 46 năm - quyển nhật ký của một nữ anh hùng liệt sĩ về với gia đình.

Chúng tôi tìm đến xã Tân Mỹ huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương gặp ông Huỳnh Văn Sáng để tìm hiểu vụ việc, ngay trước cửa bước vào nhà là bàn thờ có 8 anh hùng liệt sĩ và bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một gia đình sáng ngời truyền thống cách mạng trên vùng đất kiên cường bất khuất chiến khu Đ.

Chúng tôi vô cùng xúc động khi thắp nén nhang lên bàn thờ của những anh hùng liệt sĩ, làn khói hương trắng xóa, mong manh lan tỏa nhẹ nhàng theo gió, tôi ngỡ như vong linh của các anh hùng liệt sĩ hóa thành hồn thiêng sông núi hiện về giữa khói hương. Đó là ông bà cha mẹ anh chị em của ông Bảy Sáng, ông là người con thứ bảy, người duy nhất còn lại của gia đình. Ông Bảy Sáng kể lại chuyện xưa: “Vào năm 1963, có một trận đánh mấy ngày đêm khốc liệt, khói lửa ngút trời...”. Trận chiến đó, ông Bảy Sáng cũng tham gia, ông là Xã đội trưởng xã Tân Mỹ huyện Tân Uyên, ông kêu gọi bà con xóm làng cùng chung tay lo chôn cất những chiến sĩ hy sinh. Đích thân Bảy Sáng chôn cất 2 nam chiến sĩ trong phần đất mộ chí của gia tộc mình. Đến năm 1966, bà con trong xóm có chôn cất thêm 4 chiến sĩ hy sinh cũng trong phần đất mộ chí dòng họ của ông. Như vậy, trên phần đất mộ chí này có 6 ngôi mộ liệt sĩ khuyết danh. Rồi không hiểu duyên cớ nào, phần đất mộ chí đó có người đến cày xới tan hoang để phân lô bán nền. Nghe nói họ được cấp sổ đỏ đàng hoàng..

Liệt sĩ Lê Thị Thiêng và quyển nhật ký mới được tìm thấy.

Một buổi chiều, ông Bảy Sáng mang nhang đèn ra thắp giữa cơn gió chiều lồng lộng, khấn nguyện vong linh ông bà tổ tiên và các liệt sĩ vô danh mấy chục năm qua đã yên nghỉ nơi này, giờ đây mồ mả đã bị cày xới tan hoang, có linh thiêng hãy về chứng giám cho lòng thành của ông, quyết tìm công lý cho những ngôi mộ. Tay run run cầm ly rượu nhè nhẹ rót xuống thảm cỏ, ông Bảy Sáng lâm râm mời gọi các vong linh còn quanh quẩn đâu đây, hãy về đón nhận những giọt rượu đang thấm dần vào lòng đất, vốn đã chịu nhiều đạn bom một thời khói lửa. Cơn gió chiều nhẹ thoảng bên tai, ngọn cỏ lắc lư xao xác, ông Bảy Sáng ngỡ như tấm lòng chân thành của mình đã được các vong linh ông bà và các liệt sĩ vô danh về đây chứng giám.

Bất ngờ cơn mưa ào ào đổ xuống, ông Bảy Sáng vội bước vào lùm cây gần đó trú mưa. Cơn mưa rào ầm ào rồi cũng mau tạnh, chợt ông Bảy Sáng thấy đôi mắt mình nhìn thấy một vật gì đó trong bụi cỏ phản chiếu ngược lại vào mắt. Đó là một gói nylon dày tới mấy lớp bọc rất cẩn thận, do cơn mưa vừa rồi làm vỡ lớp đất đóng bên ngoài mới thấy được. Ông bẻ nhánh cây đào lên xem thử, tay run run mở bọc nylon, ông Bảy Sáng thấy mấy dòng đầu: “Quyển nhật ký”. Mấy trang đầu và cuối quyển nhật ký đã bị hoen ố ngả màu vàng úa, vì nằm dưới mộ lâu quá, mấy chục năm rồi còn gì. Ông hồi hộp lần mở tiếp những trang trong, chữ viết còn rành mạch. Trong quyển nhật ký có 5 tấm ảnh còn nguyên hình, dẫu có bị hoen ố đôi chút nhưng vẫn còn rất rõ ràng. Đó là một tấm ảnh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi lúc dõng dạc trước họng súng. Bên cạnh đó là 4 tấm ảnh của 3 cô gái với gương mặt xinh xắn khoảng mười tám đôi mươi, một cô chụp ảnh dưới gốc dừa, cảnh sắc của miền Tây Nam bộ và một bé gái mặc áo đầm trắng, chắc là người thân của người nằm dưới đáy mộ…

Ngoài bìa trang nhật ký được tác giả nắn nót ghi bằng bút bi màu xanh dòng chữ “Thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh” dù màu giấy đã ngả màu úa vàng, nhưng dòng chữ vẫn còn rõ mồn một. Lật vào những trang trong, nét chữ viết đều đặn, rõ ràng, vững vàng và khá đẹp. Lời lẽ toát lên khí phách của một người yêu quê hương xứ sở nồng nàn, có tinh thần cầu tiến học hỏi, lúc nào cũng là người đảng viên gương mẫu, luôn nghĩ đến tình yêu thiêng liêng là non sông Tổ quốc, gác lại nỗi niềm riêng tư. Nhưng ông Bảy Sáng đọc mấy lần mấy lượt vẫn không tìm ra tên tác giả là ai, chỉ viết tắt là M. Qua những trang nhật ký, có thể đoán chắc rằng tác giả là người miền Nam, vì có nêu lên những địa danh ở miền Tây. Khởi đầu quyển nhật ký viết vào tháng 12-1962 và xuyên suốt đến ngày 20-10-1966 thì không còn viết tiếp nữa. Ông Huỳnh Văn Sáng nhớ lại là vào năm 1966, tại chiến khu Đ thường xuyên xảy ra nhiều trận đánh lớn và người dân xóm Đèn xã Tân Mỹ huyện Tân Uyên có chôn thêm 4 chiến sĩ hy sinh trên phần đất mộ chí của gia đình ông. Nếu vậy, tác giả quyển nhật ký này là một trong 6 liệt sĩ khuyết danh đã được chôn cất nơi đây. Và quyển nhật ký nằm dưới đáy mộ cùng người anh hùng liệt sĩ vô danh đến nay đã 48 năm.

Ông Bảy Sáng đọc lướt qua quyển nhật ký:

Tháng 12-1962: Rời mái trường trở về địa phương tham gia cách mạng. Vừa dạy học, vừa tham gia các mặt công tác kháng chiến ở địa phương…

Tháng 2-1963: Dự lớp chuyên môn, sau một tuần học tập, trở về hướng dẫn lớp PT, một trường ở ấp nhà…

Tháng 5-1964: Được tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30-5) rất phấn khởi về tư tưởng. Vì đi học sẽ có kiến thức, phục vụ cách mạng nhiều hơn…

Ngày 15-2-1965: Mấy ngày qua (13 - 14) được học tập, xem triển lãm về hội họa của trường hội họa trung ương tổ chức. Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc lớp học nên M. phải tập trung cao độ, không nghĩ sai lệch để rồi tự khó chịu với bản thân mình.
“Khắc phục sửa chữa tốt thì học tập mới đạt nhiều kết quả tốt.”

Ngày 21-1-1966: Lại nghĩ đến tình yêu thương cao thượng của anh Trỗi - chị Quyên. Đôi vợ chồng vừa mới cưới nhau 20 ngày, mới chung sống thời gian ít như vậy.

Ngày 13-9-1966: Anh ơi, em sẽ cố gắng trui rèn bản thân nhiều hơn nữa để xứng đáng là đứa em gái của anh, đứa con yêu của ba má, một đảng viên ưu tú của Đảng.

…Ngày 20-10-1966…


Quyển nhật ký viết đến đây là chấm dứt, mới ghi ngày 20-10-1966 nhưng chưa kịp viết vào thêm một chữ nào, có lẽ tác giả đã hy sinh. Trong quyển nhật ký có hình của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, chắc tác giả lấy gương hy sinh cao cả của anh là hình tượng tiêu biểu của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh mà ngoài bìa quyển nhật ký tác giả đã viết.

Ông Bảy Sáng xúc động vô cùng, ôm quyển nhật ký vào lòng như nhận được một báu vật. Nước mắt ông tuôn rơi lặng lẽ giữa bóng hoàng hôn đang chầm chậm kéo về.

Ông Bảy Sáng nhủ với lòng mình: “Chuyện đất đai mồ mả ông bà bị cày xới tan hoang, đương nhiên đó là điều đau buồn vô cùng. Nhưng tôi sẽ buồn hơn gấp bội, khi mà tình cảm đối với đồng đội, nhất là đối với những anh hùng liệt sĩ đã đã hy sinh trên mảnh đất chiến khu Đ này, nếu tôi không hoàn thành trách nhiệm đưa quyển nhật ký này về cho gia đình của họ thì đó là điều ân hận nhất trong cuộc đời còn lại”.

Ông Bảy Sáng tìm gặp ông Nguyễn Xuân Vinh, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Sông Bé, nguyên Tổng biên tập Báo Bình Dương, những người đã từng sống và chiến đấu tại chiến khu Đ, đặc biệt là có biết các lớp sư phạm mở tại R vào những năm 1964 - 1965, Ông Vinh cho biết: “Vào những năm đó, đúng là tại R có mở lớp trung cấp sư phạm, nhưng lâu quá không nhớ hết...”.

Ông Bảy Sáng lại tìm đến ông Trần Nhất Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Bình Dương, trong thời kháng chiến, ông Tâm công tác tại Phòng Hội họa Trung ương Cục, vì trong nhật ký có nêu tác giả đến xem triển lãm hội họa, nhưng ông Tâm cũng không nhớ ra…”. Nghe nói người nào có thể biết được danh tính tác giả quyển nhật ký là ông Bảy Sáng nhất định tìm tới. Nhưng rồi cũng vô vọng.

Với quyết tâm đưa quyển nhật ký này về với gia đình của tác giả, ông Bảy Sáng đã được Báo Bình Dương hỗ trợ đưa về các tỉnh miền Tây. Ông đến Sở LĐTB-XH của các tỉnh hỏi thăm. Chuyến đi đầu tiên hơn 1 tháng nhưng không tìm ra manh mối, ông đành thất vọng trở về. Đêm đêm ông Bảy Sáng trằn trọc không ngủ được, ông thắp nhang lên bàn thờ cầu nguyện với ông bà cha mẹ, anh em, cũng là những anh hùng liệt sĩ, hãy phù độ cho ông mang quyển nhật ký dưới đáy mộ 46 năm về với gia đình của họ. Ông gác lại mọi chuyện nhà, tiếp tục lên đường. Gần 1 tháng lặn lội nhọc nhằn, cuối cùng ông Bảy Sáng cũng tìm được gia đình của tác giả quyển nhật ký tại ấp Bà Béo, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đại diện chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện, xã có mặt để xem qua các tấm hình trong quyển nhật ký. Lãnh đạo huyện Cai Lậy mời bà Sáu Cánh là cách mạng lão thành tại địa phương, đến nhận diện chữ và ảnh trong quyển nhật ký. Bà Sáu Cánh xác nhận ảnh cô du kích đội nón tai bèo chính là tác giả quyển nhật ký tên Lê Thị Thiêng. Ảnh người phụ nữ mặc áo trắng là em gái của tác giả, cũng là liệt sĩ.

Kỷ vật thiêng liêng quyển nhật ký của liệt sĩ khuyết danh, sau 48 năm dưới lòng đất, đã về với gia đình người thân. Ông Ba Danh, con người chị gái thứ hai, gọi liệt sĩ Lê Thị Thiêng là dì ruột, có trách nhiệm giữ quyển nhật ký và lo hương khói cúng kiếng người đã mất.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, ông Bảy Sáng thấy ý nghĩa của việc mình làm, tuy còn quá nhỏ nhoi, nhưng dẫu sao đã giúp tìm lại chủ nhân của quyển nhật ký dưới đáy mộ. Từ nay, liệt sĩ Lê Thị Thiêng đã không còn khuyết danh…

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc địa chỉ email: kysu40nam@gmail.com, kysu40nam@sggp.org.vn. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục