
- “Quay vidéo”

Người dân đang xem kết luận ghi hình về lỗi vi phạm giao thông trong giấy xử phạt của cảnh sát giao thông (ảnh chụp tại Đội Cảnh sát Giao thông số 4). Ảnh: SONG PHA
Tình hình rối rắm trong cách điều khiển phương tiện giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ quá kém cỏi của một bộ phận người dân, sự bùng phát phương tiện xe máy, ô tô... là những nguyên nhân chính dẫn đến nạn kẹt xe và tai nạn giao thông. Để tạo một “tiền lệ” tự giác chấp hành Luật Giao thông, TPHCM đã chủ trương áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh, và “chủ công” trong kế hoạch này là lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Sau 13 tháng miệt mài với công việc có phần thầm lặng này, có 226.362 trường hợp vi phạm bị ghi hình và số phiếu báo nộp phạt tương ứng cũng được gửi đến các Đội - Trạm CSGT thuộc Phòng CS26-CATP. Từ đây, cán bộ xử lý vi phạm chuyển giấy mời cho cảnh sát khu vực các phường, xã gửi đến tận tay chủ sở hữu phương tiện vi phạm Luật Giao thông.
Qua thống kê, có thể thấy người tham gia giao thông thường mắc phải các lỗi vi phạm như: rẽ trái nơi có bảng cấm, lưu thông ngược chiều, dừng đèn đỏ sai vạch sơn quy định, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định trên xe 2 bánh, ô tô đậu - dừng nơi có bảng cấm... Một số vi phạm khác mà từ trước đến nay ít ai để ý là nghe điện thoại khi lái xe, dừng xe không sát lề, quay đầu xe nơi có bảng cấm, chạy xe dàn hàng ngang... cũng bị “quay vidéo”.
- 32% và hơn thế nữa?
Để giấy mời nhanh đến tận tay chủ phương tiện có liên quan đến vi phạm đúng địa chỉ đương sự, lực lượng CSGT và cảnh sát khu vực công an các quận, huyện cần phối hợp chặt chẽ và tốt hơn qua công tác nắm người, nắm hộ, đăng ký tạm trú - tạm vắng. Có như vậy, chắc chắn tỷ lệ chấp hành xử phạt trong thời gian tới sẽ cao hơn. |
Kết quả xử lý đến nay đã có 67.995 trường hợp (tính đến 10-10-2005) chấp hành theo giấy mời và thực hiện quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng. Như vậy, chỉ có 32% chủ phương tiện chấp hành sau khi đã “tâm phục khẩu phục” trước các hình ảnh của chính mình hoặc thân nhân của mình vi phạm Luật Giao thông.
Còn 68% chưa chịu nộp thuế thì sao? CSGT cho biết đã có hình thức cưỡng chế mạnh sau 3 lần mời mà chưa đến nộp phạt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giải pháp này thực tế vẫn còn 3.056 trường hợp hết hiệu lực áp dụng hình thức phạt hành chính (1 năm kể từ ngày bị ghi hình).
Đối với các trường hợp chủ phương tiện mua bán lòng vòng, chủ xe đi khỏi nơi cư trú, thụ án tù, xuất cảnh... thì CSGT sẽ chuyển cho các cụm đăng ký xe lưu trữ để có hình thức chế tài khi chủ phương tiện đến làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Trả lời câu hỏi của Tuần san SGGP Thứ Bảy về các trường hợp chủ phương tiện có liên quan vi phạm là người ở các tỉnh khác đến TPHCM, Thiếu tá Phạm Công Danh, Phó GĐ Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông TPHCM (đơn vị thực hiện “quay vidéo”), nhấn mạnh: “Chúng tôi đã kết hợp với công an nơi đăng ký tạm trú - tạm vắng để gửi giấy báo đến tận tay chủ phương tiện có liên quan vi phạm và biện pháp này tỏ ra có hiệu quả”.
Hiện thời, việc quay vidéo vẫn được duy trì thường xuyên tại các nơi không có lực lượng CSGT làm việc, các phiếu báo vi phạm qua hình ảnh được xác lập và đều gửi đến tay chủ phương tiện liên quan đến vi phạm Luật Giao thông. Giải thích lý do vì sao ít thấy lực lượng “quay vidéo” xuất hiện, Thiếu tá Phạm Công Danh cho biết lực lượng này luôn thay đổi địa điểm, xuất hiện bất ngờ nhằm tạo cho người tham gia giao thông ý thức “lúc nào cũng có thể bị ghi hình” nếu vi phạm.
Và trong thời gian tới, TPHCM sẽ bố trí thêm khoảng 100 camera (cố định lẫn di động xách tay) nhằm đẩy mạnh hơn nữa biện pháp xử phạt hành chính qua hình ảnh được dư luận đồng tình cao này. “Chúng tôi quyết tâm không đánh trống bỏ dùi”, ông Danh nhấn mạnh.
MINH ANH