Bất ngờ… xe buýt

Ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM
Bất ngờ… xe buýt

TPHCM đang tiến hành sắp xếp lại luồng tuyến xe buýt theo Quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt TPHCM từ nay đến 2010 (phần các tuyến trục chính)  đã được UBND TPHCM phê duyệt hồi cuối năm 2006.

Đây là một trong những động thái quan trọng được coi là để khắc phục dần tình trạng trùng lấp tuyến. Tuy nhiên, có đúng là tình trạng trùng lấp tuyến của xe buýt đã đến hồi báo động?

15/24 tuyến phù hợp với quy hoạch

Bất ngờ… xe buýt ảnh 1
Xe buýt tại TPHCM di chuyển khó nhọc chung với các loại phương tiện khác. Xe buýt đang chờ có một quy hoạch hoàn chỉnh để phát triển. Ảnh: Đ.TRÍ

Nói cho chính xác, cho đến nay TPHCM vẫn chưa có một quy hoạch hoàn chỉnh về mạng lưới xe buýt cho dù đã khởi động làm quy hoạch từ cách nay… 7 năm.

Từ năm 2000-2002, đã có một nghiên cứu về mạng lưới xe buýt của thành phố được thực hiện nhưng phải ngưng vì chưa có quy hoạch chung về vận tải hành khách công cộng (bao gồm xe buýt, xe điện, metro…).

Năm 2003, TPHCM cho khởi động lại nghiên cứu này nhưng do “đợi” quy hoạch giao thông (mới được phê duyệt đầu năm 2007) nên cuối 2006 thành phố mới phê duyệt bước đầu 24 tuyến trục chính. Phần quy hoạch các tuyến nhánh và hệ thống bến bãi, nhà chờ đang được hoàn thiện dần trên cơ sở kết nối với quy hoạch giao thông chung của thành phố.

“Lận đận như vậy nên thời gian qua, xe buýt của thành phố  chủ yếu sử dụng lại các tuyến cũ (các trục chính). Và nếu có phát triển thêm tuyến trục mới thì cũng “áng áng” theo hướng dự kiến sẽ có quy hoạch”, ông Lê Trung Tính, Phó Phòng quản lý Vận tải, Sở Giao thông Công chính TPHCM tiết lộ.

Thủ công và tự phát nhưng khi so sánh, mạng lưới luồng tuyến cũ và một số tuyến phát triển thêm về cơ bản không “chệch” so với 24 tuyến trục được xác định trong Quy hoạch mạng lưới tuyến xe buýt TPHCM.

Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng TPHCM, 15 tuyến xe buýt trục hiện hữu (xem box) đã phù hợp với quy hoạch, ổn định về cơ sở hạ tầng và hành khách, gần như không phải điều chỉnh lại; 6 tuyến trục khác (xem box) về cơ bản cũng đã ổn định về luồng tuyến nhưng chưa ổn định về hạ tầng cơ sở; chỉ có 3 tuyến trục còn lại (xem box) là phải điều chỉnh lại.

Đường nhỏ, xe lớn... không nhiều

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về việc triển khai một số giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, Sở Giao thông Công chính đã tiến hành rà soát lại các tuyến đường có xe buýt đi qua theo mục tiêu: không để cho tình trạng đường nhỏ nhưng bố trí xe buýt lớn đi vào, gây kẹt xe.

Thế nhưng khảo sát ban đầu cho thấy chỉ có 12 đoạn đường có chiều rộng mặt đường nhỏ hơn 6 m (trong đó có 9 đoạn ở ngoại thành) có xe buýt đi qua nhưng lại chủ yếu là xe buýt nhỏ, dưới 17 chỗ ngồi; 70 đoạn đường rộng từ 6m-8m nhưng trong đó chỉ có 17 đoạn có loại xe lớn với 80 chỗ đứng và ngồi, lưu thông. Các đoạn còn lại chủ yếu là xe 55 và 40 chỗ đứng và ngồi đi.

Căn cứ theo khảo sát này, rõ ràng các vị trí không cân xứng giữa chiều rộng mặt đường và độ lớn của xe buýt không nhiều. Hiện nay, Sở Giao thông Công chính đang tiến hành điều chỉnh lại những bất hợp lý trên.

Tuy nhiên, cái khó là hầu hết những đoạn đường nhỏ ấy thực tế lại là những nút thắt cổ chai trên nhiều tuyến trục chính. Tuyến Bến xe Chợ Lớn-Lê Minh Xuân (TPHCM) - Đức Hòa - Đức Huệ (Long An) là một trong những tuyến buýt trục nối TPHCM với tỉnh Long có một nút thắt cổ chai tại khu vực Cây Da Xà.

Toàn tuyến này đang dùng xe buýt lớn để chở khách vì trung bình mỗi ngày có đến hơn 15.000 lượt người đi. Sở Giao thông Công chính cũng đã tính đến việc thay xe buýt lớn bằng xe buýt nhỏ để giải quyết vấn nạn kẹt xe ở Cây Da Xà nhưng cân đối trên toàn tuyến, dùng xe buýt nhỏ chi phí cao hơn, đồng nghĩa với việc thành phố phải tăng trợ giá.

Như vậy, xem ra việc trùng lấp tuyến tuy có nhưng không phải là đã đến mức báo động. Vấn đề còn nằm ở nhiều nguyên nhân khác mà thực tế vừa nêu ra ở trên là một và trong bố cảnh hiện nay, việc tìm lời giải “vẹn cả đôi đường” quả không dễ với trong tình trạng diện tích đường ít và bất biến (TPHCM có chủ trương không mở rộng đường trong nội thành) mà lượng xe cứ tăng mỗi ngày.

Bất ngờ… xe buýt ảnh 2

NGUYỄN KHOA 

24 tuyến trục chính trong quy hoạch mạng lưới xe buýt TPHCM

Nhóm 1: các tuyến đã ổn định về cơ sở hạ tầng và hướng tuyến

1.  Tân Sơn Nhất – Bến Thành
2.  BX An Sương – Âu Cơ – BX Chợ Lớn
3.   BX An Sương – Cộng Hòa – Phan Đăng Lưu – BX Miền Đông
 4.   BX Chợ Lớn – BX Miền Đông – Ngã tư Bình Phước
5.  BX Miền Tây – Điện Biên Phủ – BX Miền Đông
6.  BX An Sương – Suối Tiên
7.  BX An Sương – BX Miền Tây
8.  BX An Sương – Bến Xe Củ Chi
9. BX Chợ Lớn – Lê Minh Xuân – Đức Hòa
10.  BX Chợ Lớn – BX Tân An
11.  BX quận 8 – BX Cần Giuộc
12.  Bến Thành – Bến Bình Khánh
13.  BX Miền Đông – BX Thủ Dầu Một
14.  Bến Thành – Hiệp Phước  
15.  Bến Thành – Đầm Sen

Nhóm 2: Các tuyến đã ổn định về hướng tuyến nhưng chưa ổn định về cơ sở hạ tầng

1. BX Miền Tây – Đại lộ Đông Tây – Ga Metro quận 2
2. Ga Metro quận 2 – Bến Thành – CMT8 – BX An Sương
3. Bến Thành – Gò Vấp – CVPM Quang Trung
4.   BX Miền Tây – Suối Tiên
5.   Bến Suối Tiên – Tam Hiệp
6. Bến xe Chợ Lớn – Bến Thành – Ga Metro quận 2

Nhóm 3: các tuyến cần điều chỉnh

1. Bến Thành – BX Miền Tây
2. Tân Sơn Nhất - Lý Thường Kiệt – BX quận 8
3.  Bến Thành – BX Văn Thánh – BX Suối Tiên  

Tin cùng chuyên mục