Ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ vẫn quyết tâm ra biển; còn vùng đánh bắt gần bờ có nơi ngư dân trở lại, có nơi chưa được khuyến khích. Các chuyến cá đầu tiên ở Hoàng Sa, Trường Sa đã trở về, nhiều điểm thu mua cá có bảo chứng được dựng lên hết sạch cá trong thời gian ngắn nhưng giá cá chưa thể khôi phục như ban đầu. Ngư dân ra khơi vẫn trong bộn bề lo toan.
Chủ tàu cá Nguyễn Văn Lập vào cảng Gianh cho biết giá cá chưa phục hồi, bám biển vẫn lỗ
Chú trọng khơi xa
Ông Nguyễn Trung Thành, Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết, hơn 300 tàu cá bám biển Hoàng Sa và vùng biển xa khác của xã đang trên đường vào bờ. Đây là những tàu ra khơi trước khi có chỉ đạo thu mua sản phẩm cá bảo chứng của Chính phủ. Bà Nguyễn Thị Huề, một tư thương cho biết: “Cá khơi xa an toàn nên trước sau gì giá cả cũng phục hồi như cũ”.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh: Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 70% tàu thuyền các loại đã bắt đầu ra khơi gần bờ và xa bờ khai thác các loại thủy hải sản trở lại. Trong đó, ngư dân xã Thạch Kim (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có 25 chiếc đi đánh bắt xa bờ trên 150 hải lý. Ngoài ra, còn khoảng 20-30 tàu loại nhỏ hoạt động nghề câu mực ống, mực nang từ 4-5 hải lý và được rất nhiều.
Tại Quảng Trị, đội tàu đánh bắt xa bờ cũng đã lên đường bám biển sau những ngày ở nhà vì cá biển chết, đình trệ sản xuất. Anh Tống Rớt Hào (chủ tàu cá mang số hiệu TTH-95559) cho biết thêm: “Đối với ngư dân, dù bất cứ tình huống nào, chúng tôi cũng động viên nhau vươn khơi bám biển. Lãnh đạo các cấp đã liên tục về vùng biển này vận động ngư dân tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đánh bắt xa bờ nên đi biển mà làm ăn”. 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ bám biển đã lên đến hàng ngàn chiếc, các thông tin dồn dập báo về qua Incom cho thấy đang đánh bắt tốt.
Cảnh mua bán hải sản nhộn nhịp tại khu vực cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh sau một thời gian bị ảnh hưởng cá chết. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Bảo chứng qua GPRS
Tại Quảng Bình, những tàu cá đánh bắt xa bờ khi cập bến ở cảng cá Nhật Lệ, cảng Gianh, Hòn La đều có kiểm chứng định vị vệ tinh của Bộ đội Biên phòng, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản qua hệ thống máy móc trên tàu đấu nối với trạm chủ phía bờ do các đơn vị này quản lý, vận hành. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết, khi chủ tàu cá đưa hồ sơ định vị vệ tinh đến thì hồ sơ ở trạm bờ được xuất ra, trùng khớp hai bên về vị trí tàu đánh bắt khơi xa mới được kiểm định để cấp giấy bảo chứng nguồn cá đánh bắt xa bờ. Hiện địa phương chưa khuyến khích đánh bắt trong vùng 20 hải lý, riêng vùng biển xa được giám sát bằng GPRS, khi tàu cá vào bờ sẽ được kiểm soát an toàn chuẩn mới được cho cân bán sản phẩm.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh, trong khi chờ kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết, ngư dân không nên đánh bắt gần bờ, người không ăn hải sản đánh bắt từ dưới 20 hải lý trở vào. Đối với hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra đều yên tâm sử dụng. Tỉnh đã có văn bản đề xuất mức hỗ trợ từ 1 - 1,5 tháng gạo cho ngư dân với 1 nhân khẩu khoảng 15kg, hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị thu mua cá tiêu thụ trong 6 tháng; giảm lãi, giãn nợ, khoanh nợ cho các chủ thuyền đóng tàu đánh bắt cá, hỗ trợ kinh phí tiêu hủy cá lồng chết tại các địa phương.
Tại Quảng Bình, Quảng Trị, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên xuất 800 tấn gạo hỗ trợ ngư dân các xã biển như Hải Ninh, Cảnh Dương, Quảng Xuân, Đức Trạch, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam...
Cá đánh bắt ở Hoàng Sa cập cảng Gianh, Quảng Bình. Ảnh: Minh Phong
Giá cá vẫn giảm sâu
Tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, số điện thoại đường dây nóng đã được lập để khi ngư dân cập cảng, nếu gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ và kêu gọi doanh nghiệp đến thu mua sản phẩm. Ông Trần Đình Nam, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh, cho biết: Từ ngày 1-5, công ty đã mua hải sản ở địa bàn thị xã Kỳ Anh với giá thu thị trường chứ không ép giá. Hiện tại, số lượng hải sản công ty mua chưa được nhiều vì người tiêu dùng cũng đã bắt đầu chủ động đến thu mua, tiêu thụ hải sản.
Phóng viên Báo SGGP tại Hà Tĩnh cho biết, qua khảo sát giá cá giảm 20%-30% so với trước đây vì hoạt động sản xuất kinh doanh chưa theo nhịp như trước. Tại Quảng Bình, giá cá cũng chưa khôi phục trở lại.
Tại Thừa Thiên - Huế, đại diện siêu thị Co.opMart Huế cho biết, tất cả hải sản của ngư dân đánh bắt ở vùng biển ngoài khơi đã được Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế chứng nhận đảm bảo an toàn đều được thu mua hết. Cá bán thí điểm tại siêu thị Co.opMart Huế với giá niêm yết như trước đây: cá nục, cá xước 19.000 đồng/kg, cá hố 109.000 đồng/kg, cá ngừ bò 25.000 đồng/kg… Ngoài ra để người dân an tâm, siêu thị đã chế biến sẵn các loại hải sản để người mua về sử dụng liền. Trong khi đó, ở Đồng Hới, 2 điểm bán cá bảo chứng tại chợ Đồng Hới và chợ Công Đoàn được lập ra, người dân đã đến mua hết 161 tấn cá khơi xa.
Ngư dân bám biển vẫn khắc khoải nỗi lo bởi giá thu mua cá còn quá thấp, về lâu dài để ngành đánh bắt hùng mạnh trở lại cần có những giải pháp tổng thể và bền vững với biển xanh miền Trung.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Khẩn trương tiến hành xác nhận hải sản khai thác tại các vùng biển an toàn
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường. Theo đó, UBND các tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền địa phương khẩn trương xác nhận hải sản khai thác tại các vùng biển an toàn. Đó là những tàu khai thác tại vùng biển từ 20 hải lý trở ra của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Khi tàu vào cảng, cán bộ giám sát của chi cục thủy sản sẽ cấp giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại vùng biển an toàn.
Đối với hải sản được khai thác tại vùng biển ngoài 20 hải lý, khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản báo cáo ngay về Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để tổng hợp báo cáo Bộ NN-PTNT. Đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý, khi phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần báo cáo ngay cho sở NN-PTNT, UBND tỉnh để có biện pháp tiêu hủy, hỗ trợ cho ngư dân theo quy định và khuyến cáo ngư dân không tiếp tục khai thác tại vùng biển có mẫu phát hiện không đạt yêu cầu. Đối với hải sản chết bất thường dạt vào bờ hoặc do người dân vớt được trên các vùng biển ven bờ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, các địa phương phải thu gom và xử lý bằng cách chôn lấp. Tuyệt đối không sử dụng làm thực phẩm cho người hoặc chế biến làm thức ăn cho vật nuôi. Người dân có hải sản khai thác được cơ quan chức năng xác định không an toàn thực phẩm buộc phải tiêu hủy và được hỗ trợ theo quy định.
BẢO MINH