Từ tháng 5-2019, sau khi ra mắt bạn đọc cuốn sách Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, PGS-TS Bùi Đình Phong lại bắt tay vào việc tập hợp, tổ chức các công trình, bài viết trong quá trình nghiên cứu hàng chục năm của ông về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với lịch sử Việt Nam hơn một thế kỷ qua và công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay.
Bộ sách Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn góp phần lý giải giá trị tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trang phát triển của dân tộc. Bộ sách gồm 3 tập.
Tập 1: Chính trị - tư tưởng, tổ chức tuyển chọn 45 bài qua quá trình nghiên cứu các bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh. Các bài viết tập trung làm rõ dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử Việt Nam 100 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề thuộc địa, chủ nghĩa thực dân và cách mạng giải phóng dân tộc; về tính tất yếu của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhiều bài nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và phương thức cầm quyền; về Chính phủ công bộc của dân; về mối quan hệ cán bộ với nhân dân và vấn đề lòng dân… Ở tập này, tác giả phân tích, đúc kết thành bản lĩnh Hồ Chí Minh, minh triết Hồ Chí Minh.
Tập 2: Văn hóa - đạo đức - xã hội, có 67 bài nghiên cứu, di sản văn hóa, đạo đức, xã hội Hồ Chí Minh được tác giả đề cập ở những nội dung và giá trị mới. Đó là những giá trị văn hóa quê hương, văn hóa dân tộc, văn hóa nhân loại, văn hóa dân chủ, văn hóa kháng chiến và văn hóa hòa bình. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên văn hóa chính trị và lòng dân, sự bản lĩnh và trí tuệ của một đảng chân chính cách mạng. Điểm nhấn quan trọng ở tập này là một số bài viết phân tích sự tha hóa quyền lực trong điều kiện đảng cầm quyền; phân tích từ chỗ “có quyền mà thiếu lương tâm” đến câu chuyện “cái lồng nhốt quyền lực”; từ đó nói về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu dưới góc nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tập 3: Đổi mới - hội nhập - phát triển, gồm 50 bài viết làm rõ từng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển cũng như mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới với hội nhập và phát triển. Đặc biệt, với tác phẩm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Bùi Đình Phong đánh giá đó là quốc bảo mang sinh khí đổi mới, đồng thời phân tích bài học 30 năm đổi mới của đất nước mang dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh.
PGS-TS Bùi Đình Phong là một trong những tác giả hàng đầu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với 40 năm vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, ông thường xuyên được mời làm báo cáo viên trong các hội thảo, chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tính đến nay, ông đã công bố khoảng 600 công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm cả sách, bài báo, bài trên các tạp chí nghiên cứu.