Ra mắt công trình: Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh

Ra mắt công trình: Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 19-12, tại TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Quốc học chính thức giới thiệu ra mắt bạn đọc bộ tổng tập “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh”. Đây được xem là công trình tổng tập văn học nghệ thuật lớn nhất từ trước đến nay, tập hợp các tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu của một vùng đất cụ thể trong khoảng thời gian tròn 100 năm. Công trình gồm 25 quyển với khoảng gần 20.000 trang in, có trên 1.560 tác phẩm của hơn 400 tác giả đã sống và sáng tác tại Sài Gòn - TPHCM trong khoảng thời gian từ năm 1900 đến năm 2000 được tập hợp trong bộ tổng tập.

Đồng chí Thân Thị Thư tặng sách cho ban biên soạn

Bộ sách bắt nguồn từ ý tưởng của Thành ủy TPHCM khi đánh giá trong thế kỷ 20, Sài Gòn - TPHCM là trung tâm văn học lớn nhất Nam bộ, tập trung nhiều thế hệ nhà văn yêu nước, cách mạng. Cũng chính trong thế kỷ này, văn học Sài Gòn - TPHCM phản ánh rõ nét nhất lịch sử đấu tranh giữ nước, chống ngoại xâm, những thăng trầm trong đời sống xã hội và sự vận động phát triển đi lên của TPHCM từ sau ngày giải phóng. Thế nhưng, TP lại chưa có được một công trình tập hợp, lưu giữ lại những tác phẩm có giá trị trong giai đoạn lịch sử 100 năm đầy biến động và hào hùng đó.

Với mong muốn có một công trình văn học chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 9-2010, Thường trực Thành ủy TPHCM quyết định đầu tư thực hiện công trình với tên gọi ban đầu “Một thế kỷ thơ văn yêu nước, cách mạng của thành phố Hồ Chí Minh” theo đề xuất của Giáo sư Mai Quốc Liên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Dự kiến ban đầu, công trình có 5 tập, được bố cục thành 3 giai đoạn (1900 - 1945, 1945 - 1975, 1975 - 2000) với khoảng 2.500 trang, được thực hiện trong 2 năm 2011 - 2012. Đến đầu tháng 2-2011, Ban Chủ biên công trình đã đề xuất Thường trực Thành ủy đổi tên công trình thành “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng thành phố Hồ Chí Minh”, bố cục không thay đổi, nhưng về quy mô dự kiến số trang sách tăng lên hơn 4 lần, khoảng trên 10.000 trang (thực tế lên đến gần 20.000 trang), bao gồm tất cả thể loại, từ tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, ký sự, thơ, kịch bản cho đến chính luận, lý luận, phê bình văn học và đã được Thường trực Thành ủy đồng ý.

Trải qua hơn 5 năm thực hiện, để có được công trình “Một thế kỷ văn học yêu nước, cách mạng của thành phố Hồ Chí Minh”, ban chủ biên đã phải sưu tầm, đọc, nghiên cứu, phân tích, đối chiếu hàng chục ngàn trang tài liệu, tham khảo nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là những ý kiến trái chiều để đánh giá, nhận định, khẳng định hay phủ định một nội dung, một tác phẩm hay một tác giả rồi mới đi đến thống nhất, kết luận. Thành viên ban chủ biên đa số là các nhà nghiên cứu đầu ngành, với tinh thần trách nhiệm, bề dày về kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và tâm huyết với nền văn học yêu nước, cách mạng của TPHCM.

Theo GS Mai Quốc Liên, tiêu chí chủ đạo để lựa chọn tác phẩm gồm 2 yếu tố là tư tưởng và nghệ thuật. Nếu phần nghệ thuật tương đối cụ thể thì phần tư tưởng đòi hỏi một cách nhìn phóng khoáng hơn so với trước đây. Ba yếu tố chính ở tư tưởng là tác phẩm phải có tinh thần yêu nước, nhân văn và có tính tích cực với đời sống. Thông qua bộ sách, những thế hệ sau có thể soi mình vào tâm huyết của cha ông để có những sáng tác có giá trị nghệ thuật, tinh thần yêu nước, đáp ứng yêu cầu của thời đại, của người dân trong thời đại mới.

Đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhận định: “Công trình đã tái hiện một mặt trận văn hóa, văn nghệ đầy tính chiến đấu, đầy tinh thần yêu nước, đầy nghĩa khí trong một bối cảnh rộng với nhiều khuynh hướng yêu nước khác nhau… Qua những trang sách quý báu này, chúng ta như thấy được sức cống hiến, sự hy sinh của những chiến sĩ trên lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh… giúp chúng ta tự soi mình, nhận thức sâu hơn nữa về giá trị và thành quả cách mạng, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về sự lãnh đạo của Đảng, về sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Với ý nghĩa đó, các cơ quan, đơn vị, các trường học, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cần có kế hoạch phát huy giá trị bộ sách công phu này, giới thiệu sâu, rộng đến thanh niên, sinh viên, học sinh và nhân dân để phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ và học tập, nghiên cứu một cách hiệu quả nhất”.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục