Ra mắt sách "Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân"

Dẫu dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022) đã qua nhưng chương trình ra mắt sách Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân do NXB Tổng hợp TPHCM tổ chức vào ngày 24-12 tại Đường sách TPHCM vẫn đầy ý nghĩa và cảm xúc. Bởi cuốn sách được thực hiện bằng tất cả sự trân trọng và tri ân của rất nhiều người dành cho ông.

Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân gồm những bài viết hầu hết chưa từng được xuất bản của nhiều tác giả là các chính trị gia, nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà văn, nhà báo, kể lại những câu chuyện liên quan đến cuộc đời hoạt động và di sản của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - một người đã dũng cảm dấn thân vì sự nghiệp vẻ vang của dân tộc với tầm nhìn xa trông rộng nhưng lại rất gần gũi với thực tiễn đời sống của đất nước qua nhiều giai đoạn. Ông luôn trăn trở, tìm tòi, đột phá trong cả tư duy và hành động. Trong ông chứa chan lòng nhân ái, luôn quan tâm đến mọi thân phận con người và thiết tha mong muốn hòa hợp dân tộc sau bao nhiêu năm dài đất nước chìm trong chiến tranh.

Qua những lời kể trong cuốn sách, người đọc sẽ biết thêm nhiều câu chuyện về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ những chuyến đi công tác nước ngoài gặp gỡ các chính khách, những lần đối thoại gay gắt về lính Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, tới những góc khuất trong cuộc sống đời thường như chuyện lập gia đình, chuyện tiếp bạn từ thuở “mày tao chi tớ” ở quê nhà.

Sách "Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân"

Sách "Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân"

Rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được các diễn giả và khách mời lần lượt chia sẻ. Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, thời điểm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ TPHCM, bà là Phó Bí thư rồi Bí thư Thành Đoàn.

Trong ấn tượng sâu đậm của bà Phạm Phương Thảo, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người rất yêu tuổi trẻ và tuổi trẻ cũng rất yêu ông. “Thế hệ chúng tôi là thế hệ thứ tư mà ông đã rất trân trọng “kính chào thế hệ thứ tư”. Thế hệ thứ tư gọi ông là người truyền cảm hứng, gọi ông là người truyền dẫn cảm xúc. Có một cảm xúc thế hệ mang đậm dấu ấn của chú Sáu Dân khi có hàng chục ngàn người đã từng nghe ông nói chuyện ở vườn hoa Tao Đàn. Sau cuộc nói chuyện ấy, họ lên các nông trường và ra biên giới. Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên”, bà Phạm Phương Thảo kể.

Bà Phạm Phương Thảo (đứng) chia sẻ ấn tượng và những kỷ niệm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Bà Phạm Phương Thảo (đứng) chia sẻ ấn tượng và những kỷ niệm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngoài ra, theo bà Phạm Phương Thảo, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người thường dự các cuộc sinh hoạt của thiếu nhi, của thanh niên, đại hội cháu ngoan Bác Hồ, đại hội thanh niên tiên tiến và xem đó là một ngày hội lớn của thành phố. Bà Phạm Phương Thảo nhớ lại: Có lần ông nói với tôi “Chú ngồi Chủ tịch đoàn nhiều hội nghị, nhiều cuộc lớn lắm nhưng chú vẫn rất ấn tượng khi ngồi Chủ tịch đoàn, ngồi chung với đại hội Đoàn”.

Là chủ biên của Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân, theo nhà báo Nguyễn Thế Thanh, điều đặc biệt nhất của cuốn sách này là có sự khác biệt mà các cuốn sách khác không có, đó là lần đầu tiên tập hợp được nhiều nhất những người từng làm việc với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong nhiều giai đoạn khác nhau, và ngay cả khi nghỉ hưu. Những dự án ông làm sau khi nghỉ hưu đều có người chứng kiến. Và đây là lần đầu tiên có một tập hợp như vậy.

“Trong số những người giúp việc cho bác Kiệt như vậy, có nhiều người đã trưởng thành, đảm nhiệm những cương vị khác nhau, trong đó có hai vị Đại sứ đương nhiệm là Lê Hồng Lam (Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Na Uy) và Nguyễn Hồng Thạch (Đại sứ Việt Nam tại Ukraine). Cùng với đó là nhiều nhà văn, nhà báo, chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau”, nhà báo Nguyễn Thế Thanh cho biết.

Đặc biệt, khác với các ấn phẩm ra mắt trong dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa qua, ấn phẩm Võ Văn Kiệt - Trăm năm trong một chữ Dân hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước mà do gia đình tự làm, những người tham gia cũng đều trên tinh thần tự nguyện. “Nhiều tác giả chỉ mong muốn được viết bài về bác Kiệt mà không nhận nhuận bút hay thù lao”, nhà báo Nguyễn Thế Thanh tiết lộ.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất với những người thực hiện đó là vì lần đầu tiên có những câu chuyện được công bố, chưa chắc là những câu chuyện ấy đã làm hài lòng tất cả mọi người. Dầu vậy, bà và những người thực hiện vẫn có những niềm vui riêng. “Một quyển sách chứa đựng những ý tưởng mới lần đầu tiên xuất hiện mà đã nhận được quyết định phát hành thì vui không tả được. Vì quyển sách này, nếu ai đọc kỹ, đọc sâu sẽ thấy nó khác biệt như thế nào so với những quyển sách đã in và vừa in xong”, nhà báo Nguyễn Thế Thanh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục