Theo phản ánh của nhiều người dân gửi đến Báo Sài Gòn Giải Phóng, thời gian gần đây, tình trạng rác thải tràn ngập đường phố ở TPHCM tái hiện với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Điều đáng nói, rác thải không chỉ ở khu vực các ngã tư đường phố mà còn xuất hiện tràn ngập trên các mặt cầu.
Đơn cử như cầu Chánh Hưng, cầu Chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ, đường Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi… rác thải vươn vải từ vỉa hè, thành cầu xuống đến giữa mặt đường và mặt cầu. Thậm chí, có những bao rác thải công nghiệp do người dân vứt trên mặt cầu không được quét dọn, gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lưu thông của người dân. Không những thế, đất cát lâu ngày tích tụ giữa hành lang phân làn đường không được quét dọn thường xuyên khiến cho người dân rất khổ vì bụi khi lưu thông qua những tuyến đường và cầu trên. Riêng tại khu vực dọc đường Nguyễn Văn Linh nối dài từ quận 7 đến huyện Bình Chánh, hai bên vỉa hè không chỉ có rác thải sinh hoạt mà còn chứa rất nhiều bao rác thải công nghiệp, thậm chí là bùn thải. Những bao rác bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhất là vào những ngày nắng gắt. Rất nhiều người dân quan ngại khi cho rằng rác thải trên chắc chắc sẽ gây những tác động xấu đến sức khỏe của họ.
Rác ngập tràn đường vì “cha chung không ai khóc”
Điều đáng nói là tình trạng này đã được người dân phản ánh rất nhiều lần. Báo chí cũng đã tiêu tốn không ít giấy mực để phản ánh nhưng cho đến nay tình trạng trên vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Gần đây nhất, bức thiết với thực trạng trên, UBND TP đã có văn bản yêu cầu các quận huyện xử lý triệt để hành vi xả rác xuống đường, sông, kênh rạch… Thế nhưng, cho đến nay các quận huyện vẫn chưa triển khai hiệu quả. Lý giải thực tế này, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, vấn nạn trên sẽ không thể giải quyết nếu như cách quản lý môi trường của thành phố vẫn được duy trì như hiện nay. Ví von một cách dễ hiểu như sau, trong quản lý cung cấp nước hoặc điện được hợp nhất do một tổng công ty quản lý chung. Tổng công ty này sẽ điều hành những công ty con chịu trách nhiệm quản lý điều hành tại những khu vực nhất định. Cách quản lý này vừa nhất quán trong hoạt động, vừa tránh được tình trạng mạnh ai nấy làm. Thế nhưng, với hoạt động quản lý môi trường của thành phố thì ngược lại. Phân tán manh mún cho từng quận huyện quản lý. Các quận huyện lại tiếp tục giao nhiệm vụ xuống cho từng công ty công ích quận huyện thực hiện. Thế nên mới có tình trạng có rất nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn thành phố nhưng chất lượng môi trường vẫn không đạt hiệu quả cao. Thậm chí, ngay tại khu vực giáp ranh quận huyện thì rác ngập tràn vì “cha chung không ai khóc”, bởi các công ty công ích quận huyện chỉ có trách nhiệm trên đúng phần diện tích hành chính do quận quản lý. Trên thực tế, tại những tuyến đường kéo dài qua nhiều quận, chất lượng vệ sinh rất kém. Thậm chí, sau giờ được giao thực hiện quét và thu gom rác, nếu có phát sinh lượng rác mới thì cũng coi như không thấy, không biết. Không dừng lại đó, với hệ thống cầu, việc quét dọn vệ sinh đang không thống nhất về trách nhiệm của sở, ban ngành nào. Sở Giao thông Vận tải TP cho rằng, trách nhiệm quản lý cầu đường thuộc về sở nên cũng đồng nghĩa với việc thực hiện luôn vệ sinh mặt cầu và kiến nghị thành phố quyết toán khối lượng công việc này cho các đơn vị trực thuộc sở. Trong khi đó, chức năng này lại thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường. Chính sự chồng chéo này cũng là một phần nguyên nhân khiến cho chất lượng vệ sinh cầu rất kém.
Cũng theo các chuyên gia môi trường, kinh nghiệm từ việc quản lý đô thị cho thấy, môi trường ô nhiễm không thể phân theo địa giới hành chính để quản lý. Các hội nghị môi trường trên thế giới mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên vừa qua cũng đã chứng minh, cải thiện chất lượng môi trường không thể từng cá nhân, tổ chức, quốc gia có thể xử lý được mà phải có sự hợp nhất. Theo đó, trong phạm vi tỉnh thành thì hợp nhất các quận huyện. Trong phạm vi quốc gia thì hợp nhất các tỉnh thành và trong phạm vi khu vực thì hợp nhất các quốc gia. Từ vấn đề này, có thể thấy, TPHCM cần phải cải thiện lại quy trình quản lý chất lượng môi trường. Có như vậy mới mong cải thiện tình trạng rác ngập đường phố như hiện nay.
Ái Vân