
Để giải quyết “đại nạn” rác thải ngày càng tràn ngập TPHCM, UBND TPHCM vừa chấp thuận cho triển khai chương trình xử lý rác từ nay đến năm 2011 do Sở Tài nguyên-Môi trường TP đề xuất. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở cho biết thêm:
Khối lượng rác thu gom, vận chuyển và xử lý bình quân của 6 tháng đầu năm 2007 dao động từ 5.400-6.000 tấn/ngày, gồm rác sinh hoạt, xà bần và rác y tế. Dự báo, đến năm 2010, lượng rác thải sẽ lên tới 7.000-7.600 tấn/ngày; năm 2020 có thể lên tới 16.500 tấn/ngày.
* PV: Thưa ông, sau khi bãi rác Gò Cát đóng cửa (31-7-2007), liệu TP sẽ có đủ chỗ “chứa” rác an toàn?

Anh Nguyễn Văn Thanh trên chiếc xuống vớt được 8 thùng rác đầy chỉ sau hơn 1 giờ.
* Ông Nguyễn Văn Phước: Hiện tại công trường xử lý rác Gò Cát vẫn đang tiếp nhận khoảng 2.000 tấn rác/ngày. Sau tháng 7, bãi rác 1A của công trường Phước Hiệp-Củ Chi sẽ tăng công suất tiếp nhận từ 3.000 lên 4.000 tấn/ngày, đồng thời sớm hoàn tất xây dựng và đưa vào khai thác ô số 2 của bãi 1A. Ngoài ra, bãi rác Đông Thạnh-Hóc Môn vẫn tiếp nhận khoảng 200m3/ngày bùn hầm cầu.
Bên cạnh đó, bãi rác Đa Phước-Bình Chánh do Công ty Vietnam Waste Solutions xây dựng đang hoàn thiện các hạng mục phụ như đường dẫn, trạm cân và lắp đặt hệ thống thu nước rỉ rác… đến tháng 9-2007 sẽ được đưa vào hoạt động với công suất 3.000 tấn/ngày. Như vậy, tổng công suất tiếp nhận của các bãi rác hoàn toàn đáp ứng được “sản lượng” rác của TP.
* Được biết, nhiều dự án xử lý rác có thể “bất thành” do thiếu khả thi, thiếu vốn…?
* Đúng là có một số dự án tốt về ý tưởng nhưng hơi chậm do vướng thủ tục phía doanh nghiệp và cũng hơi cao với khả năng đáp ứng của TP. Tuy nhiên, với lợi ích to lớn lâu dài thì UBND TP cũng đã đồng ý cho các dự án này tiếp tục triển khai. Đó là các dự án của Công ty Tâm Sinh Nghĩa (30 ha, năng lực tiếp nhận 1.000 tấn/ngày, phí xử lý 12USD/tấn, xử lý rác thành phân compost và tái chế nhựa), Công ty Thành Công (10 ha tại Phước Hiệp-Củ Chi, công suất 500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ Seraphin - được Bộ Xây dựng đề nghị áp dụng, phí xử lý 10 USD/tấn, hoạt động trong 15 năm), Công ty Việt-Ý (6 ha tại Phước Hiệp-Củ Chi, năng lực 2.000 tấn/ngày, xử lý rác thành phân compost với phí 5 USD/tấn).
Riêng dự án của Keppel (Bỉ), 2.000 tấn/ngày, xử lý rác bằng công nghệ đốt kết hợp phát điện, xử lý rác triệt để nhất nên được khuyến khích áp dụng dù giá thành xử lý khá cao (23 USD/tấn).
* Lộ trình các dự án xử lý rác như thế nào để “đồng hành” được với khối lượng rác tăng vùn vụt hiện nay?
* Các dự án sẽ đưa vào khai thác trong năm nay thì đang đi đúng kế hoạch. Sang tháng 3-2008 sẽ có thêm bãi rác số 2 tại công trường Phước Hiệp-Củ Chi với năng lực nhận 3.000 tấn/ngày (40 ha). Đến tháng 11-2007, hai dự án Vietstar và Sai Gon Earthcare sẽ vận hành với khả năng lần lượt là 600 và 500 tấn rác/ngày. Tới năm 2009, thêm các dự án của Tâm Sinh Nghĩa, Thành Công, Việt-Ý (1.900-2.000 tấn/ngày), nhờ vậy mà bãi số 2 sẽ giảm được công suất từ 3.000 tấn/ngày xuống còn 1.000 tấn/ngày để thời gian khai thác lâu hơn.
Với tiến độ đầu tư hiện nay, đến năm 2010, Công ty Môi trường đô thị TPHCM sẽ đưa nhà máy xử lý rác bằng công nghệ TBS tại Phước Hiệp-Củ Chi (500 tấn/ngày) vào khai thác. Công ty này cũng làm chủ đầu tư và sẽ vận hành nhà máy xử lý rác Đa Phước với tổng vốn hơn 24,2 triệu euro (hơn 87% vốn ODA từ Phần Lan). Công suất của nhà máy này là 600 tấn rác/ngày và 200 tấn phân hầm cầu/ngày), kèm theo đó là trạm thu khí biogas và sản xuất điện năng.
Cùng năm, dự án xử lý rác 2.000 tấn/ngày của Keppel cũng sẽ hoạt động. Lúc này bãi số 2-Phước Hiệp sẽ ngưng nhận rác. Sang năm 2011, năng lực tiếp nhận rác sẽ lên 8.200-10.000 tấn/ngày nhờ triển khai thêm giai đoạn 2 của dự án Vietstar (1.000 tấn/ngày) và Sai Gon Earthcare (1.500 tấn/ngày).
* Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LIÊM thực hiện