TPHCM vốn có mạng lưới sông ngòi và kênh rạch dày đặc đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường trên địa bàn thành phố như thoát nước mưa, cấp nước ngọt cho công, nông nghiệp, phát triển giao thông thủy… Tuy nhiên, hiện nay tình trạng lấn chiếm và vứt rác bừa bãi, xả nước thải chưa qua xử lý xuống kênh rạch, đã khiến lòng kênh bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Rạch Bàu Trâu nhìn từ đường Dọc Rạch tắc nghẽn bởi rác thải.
Ngao ngán
Theo ghi nhận của chúng tôi, “ôm” dọc kênh Nước Đen là những bãi rác chất đống hai bên bờ và dày đặc lòng kênh. Khác với kênh đen ô nhiễm bởi rác thải, kênh Tham Lương - một trong những tuyến kênh đang được TPHCM đầu tư cải tạo thời gian qua lại ô nhiễm nặng bởi tiếp nhận nước thải của hàng trăm cơ sở sản xuất. Đoạn kênh cắt ngang đường Trường Chinh (quận 12) với đường Quang Trung (giáp ranh quận 12 và quận Gò Vấp) bị ô nhiễm nặng nhất. Những ngôi nhà lụp xụp trước đây đã không còn, thay vào đó là hai bên bờ sông sạch sẽ nhưng dòng nước lại đen ngòm, hôi thối khiến mọi người qua lại đều ngao ngán. Ông Thanh Sơn ngụ tại khu phố 4 phường Đông Hưng Thuận (quận 12) bức xúc: “Khói thải, ô nhiễm từ các nhà máy, xí nghiệp nằm trong khu dân cư cộng với mùi thối nồng nặc từ kênh Tham Lương, khiến người lớn, trẻ nhỏ… liên tục bị bệnh”.
Cũng trong tình trạng “chết lâm sàng” là hàng loạt các kênh rạch khác của TP. Cụ thể, những kênh nhiễm chất thải công nghiệp nặng, nước có màu nâu đen, mùi hôi nồng nặc là các kênh Thầy Cai, An Hạ (huyện Củ Chi), kênh B và C (huyện Bình Chánh), kênh Bà Búp và Trần Quang Cơ (huyện Hóc Môn), kênh Tân Trụ, Hy Vọng (quận Tân Bình)… Còn những kênh rạch bị lấp bởi rác có rạch Bàu Trâu (quận 6), kênh dọc đường Phan Văn Hân (quận Bình Thạnh), toàn bộ tuyến kênh khu vực phường 5 (quận 4), rạch Bà Tiếng, Bà Lựu, kênh Liên Xã (quận Bình Tân), rạch Bình Thái, rạch Nhỏ và Cầu Miếu (quận Thủ Đức), rạch Ông Đội nhánh 1, Bến Ngựa, Bà Bướm (quận 7). Riêng kênh Tân Trụ và Hy Vọng quận 7, ngoài bị xả rác còn phải hứng chịu chất thải của động vật…
Đã quá lâu để người dân xác định được lần gần nhất các tuyến kênh rạch này được nạo vét là khi nào. Đặc biệt, mấy năm gần đây, khi lục bình bỗng sinh sôi ồ ạt trên địa bàn TP thì tình trạng ô nhiễm kênh rạch còn biến chứng nặng nề hơn. Sự có mặt của lục bình đã tạo điều kiện hình thành những khối rác khổng lồ chặn lấp toàn bộ hệ thống kênh rạch của TPHCM.
Sự bàng quan
Hệ thống kênh rạch TP đang bị bức tử là thực tế ai cũng thấy. Về phía người dân, mong mỏi được các cơ quan chức năng cải thiện chất lượng nước kênh rạch là yêu cầu hết sức cấp bách. Thế nhưng, các cơ quan chức năng địa phương vẫn không thoát khỏi tâm lý trông chờ, bàng quan. Trường hợp cải tạo rạch Bàu Trâu là một điển hình. Ngày 6-11, UBND TPHCM có quyết định triển khai vớt rác, khơi thông dòng chảy rạch Bàu Trâu thuộc địa bàn quận 6 và quận Tân Phú với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng. Tuy vậy, cho đến hết tháng 11-2014, người dân vẫn chưa thấy triển khai. Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo SGGP được ông Võ Thành Nhân, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận 6 trả lời, quận đang chờ hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí để cải tạo rạch này. Nếu phóng viên muốn biết rõ hơn thì tới Sở TN-MT để hỏi. Phía quận chỉ là đơn vị thụ hưởng chứ không có kinh phí nạo vét, làm sạch hệ thống kênh rạch… Tìm đến Sở TN-MT, ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn (thuộc Sở TN-MT TPHCM) cho biết, UBND TPHCM đã chấp thuận cải tạo rạch này. Thế nhưng, do công tác duy tu, nạo vét, vớt rác kênh rạch không nằm trong hạng mục thực hiện hàng năm nên không được bố trí nguồn vốn. Lãnh đạo UBNDTP đã yêu cầu Sở TN-MT lấy từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường nhưng thời điểm này nguồn vốn đó cũng không còn nên kéo dài tiến độ nạo vét rạch Bàu Trâu.
Khác với tâm lý trông chờ của lãnh đạo quận 6, lãnh đạo quận Bình Tân cho rằng lý do khiến kênh rạch trên địa bàn quận bị ô nhiễm nghiêm trọng không phải do địa phương quản lý yếu kém mà chính là ý thức của người dân. Ông Phan Thanh Phong, Phó Trưởng phòng TN-MT quận Bình Tân cho biết, tình trạng người dân, cơ sở sản xuất, nhất là sản xuất nhỏ lẻ các ngành dệt nhuộm, giặt tẩy… lén đổ rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường diễn ra rất phổ biến, nhất là vào ban đêm. UBND quận đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu, khắc phục nhưng hiệu quả chưa cao. Nhiều đối tượng gây ô nhiễm còn cố tình chống đối các đoàn kiểm tra bằng nhiều hình thức khác nhau, như thay đổi pháp nhân, dịch chuyển địa điểm sản xuất, ngưng hoạt động ban ngày chỉ hoạt động vào đêm khuya… Hơn nữa, ông Phan Thanh Phong khẳng định, để xử phạt một cơ sở gây ô nhiễm môi trường khá nhiêu khê, qua nhiều công đoạn như lấy mẫu chất thải, phân tích các chỉ tiêu gây ô nhiễm môi trường trước khi xử phạt vi phạm hành chính. Công tác xác định lưu lượng xả thải gặp khó khăn khi chủ nguồn thải sử dụng nguồn nước giếng và không có sổ theo dõi lưu lượng nước thải…
Điều đáng nói, trong quá trình tìm hiểu vấn đề, những lý do trên đang là lý do chung mà nhiều quận huyện khác trên địa bàn TP đưa ra để lý giải cho thực tế không thể xử lý những trường hợp gây ô nhiễm môi trường hệ thống kênh rạch n
- Kỳ tới: Ai “khai tử” kênh rạch ?
ÁI VÂN - GIA HÂN