Rác thải đô thị tăng nhanh khó kiểm soát

(SGGP).- Đó là khẳng định của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra nhân dịp triển khai Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.

Thực tế này xuất phát từ tốc độ đô thị hóa tại nước ta đang diễn ra nhanh chóng. Năm 2000, nước ta có 649 đô thị thì năm 2005, con số này là 715 đô thị và nay đã tăng lên thành gần 800 đô thị lớn nhỏ. Tốc độ gia tăng đô thị này kéo theo tốc độ gia tăng dân số tại các đô thị ngày càng đông. Năm 2009, dân số đô thị là 25,59 triệu người (chiếm 29,74% tổng dân số cả nước), đến năm 2010, dân số đô thị đã lên đến 26,22 triệu người (chiếm 30,17% tổng số dân cả nước) và hiện dân số đô thị là 35 triệu người chiếm 38% dân số cả nước.

Dự kiến đến năm 2020 là 44 triệu người chiếm 45% dân số cả nước và năm 2025 là 52 triệu người chiếm 50% dân số cả nước. Sự phát sinh dân số này sẽ làm nguyên nhân khiến cho tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10% - 16 % mỗi năm. Tại hầu hết các đô thị, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 60% - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị (một số đô thị tỷ lệ này lên đến 90%). Ước tính chỉ số phát sinh chất thải rắn đô thị trung bình ở Việt Nam trong những năm 2015, 2020, 2025 lần lượt vào khoảng 1,2; 1,4; 1,6 kg/người/ngày. Điều đáng nói là tỷ lệ thu gom trung bình ở các đô thị chỉ mới đạt khoảng 83% - 85%. Số còn lại vẫn đang bị thải ra môi trường vứt vào bãi đất, hố đất, ao hồ, hoặc đốt lộ thiên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay cả với số lượng rác thải đã được thu gom cũng chủ yếu được xử lý bằng biện pháp chôn lấp. Về lâu dài, việc xử lý bằng biện pháp này sẽ không còn phù hợp do tiêu tốn quá nhiều diện tích đất và gia tăng rủi ro ô nhiễm do phát sinh lượng lớn nước rỉ rác và mùi hôi.

ANH PHÚC

Tin cùng chuyên mục