Thời gian gần đây, khu vực giáp ranh giữa một số quận huyện ở TPHCM trở thành nơi tập kết rác của một số cá nhân, thậm chí là các đầu nậu rác thải. Không những không phải trả chi phí, việc đổ rác ở khu vực giáp ranh còn dễ lẩn tránh trách nhiệm. Trong khi đó, những người dân sống xung quanh phải thường xuyên chịu đựng mùi hôi thối.
Khu vực giáp ranh thành…bãi rác
Dọc tuyến đường Trần Đại Nghĩa (kéo dài từ đầu đường tới KCN Lê Minh Xuân – Bình Chánh), chúng tôi ghi nhận có rất nhiều ụ rác chất đống, ngổn ngang. Chẳng hạn, đống rác nằm gần Công ty CP Đầu tư Robot, Công ty nhựa Chí Thành… Hai bên đường vắng người, có nhiều cây xanh, ruộng hoang nên người dân tranh thủ đổ ngập rác thải các loại mà không lo bị xử lý. Mới đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến một số hộ dân chở các túi lớn, đa phần là vải loại, lén đổ trên đường Trần Đại Nghĩa. Khi phát hiện có người theo dõi, các đối tượng này nhanh chóng rồ ga xe, chạy khuất dạng về hướng đường cao tốc Trung Lương. Bà Nguyễn Mỹ Yêm, người dân ngụ tại đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh, bức xúc nói: “Toàn dân nơi khác tới đây xả bậy thôi. Có khi người ta vứt bỏ cả chó, mèo chết thối rữa, bốc mùi xú uế rất khó chịu”.
Không chỉ trên địa bàn xã Tân Nhựt, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, nơi tuyến đường Trần Đại Nghĩa chạy ngang qua, rác thải “ngập đầu”; khu vực kênh Nước Đen thuộc địa bàn phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân cũng trong tình trạng tương tự. Được biết, UBND phường có chủ trương thu gom thường xuyên nhưng người dân thiếu ý thức vẫn lén đổ. Thậm chí có nơi, rác nổi thành từng gò, trông rất mất thẩm mỹ. Nghịch lý hơn, người dân còn đổ rác dưới các tấm biển… “Cấm đổ rác”. Chẳng hạn, đoạn đường kéo dài từ Ấp Chiến Lược chạy qua khu xử lý nước thải Bình Hưng Hòa ước chừng vài trăm mét, đếm sơ qua có khoảng 4 tấm biển màu đỏ ghi dòng chữ “Cấm đổ rác”, nhưng dưới tấm biển luôn ngập rác.
Thông tin từ người dân địa phương phản ánh, rác thải đã tồn tại từ nhiều năm qua nhưng địa phương vẫn chưa khắc phục được triệt để. Mùi hôi từ kênh Nước Đen kết hợp với mùi khó chịu từ các bãi rác thực sự tra tấn khứu giác người dân. Tương tự, đoạn đường vài chục mét kéo dài từ kênh 19/5 (giao với Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) hướng về kênh Nước Đen hay thậm chí ngay khu vực nội thành như Công viên Hòa Bình quận 5… đang tồn tại một bãi rác thải hôi nồng, tràn ra đường đi.
Quản lý: Khó trăm bề
Được biết, trên địa bàn xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh (TPHCM) có 4 doanh nghiệp tổ chức thu gom rác tại 5 tuyến đường chính, gồm Láng Le - Bàu Cò, Thế Lữ, Trần Đại Nghĩa, Trương Văn Đa, Xóm Giữa. Mặc dù có tới 501/529 hộ dân sinh sống trên các tuyến đường trên đăng ký thu gom rác, nhưng thực tế qua ghi nhận cho thấy rác vẫn tồn tại tràn ngập tại một số tuyến đường. Ông Mai Ngươn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt cho biết, hiện tại các đơn vị thu gom rác dân lập ký kết trực tiếp với người dân, không thông qua xã nên xã không nắm được chất lượng thu gom. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ quản lý trực tiếp các đơn vị rác dân lập này để có thể xử lý rốt ráo tình trạng đổ rác bừa bãi.
Còn bà Thái Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú thừa nhận, bãi rác cạnh kênh 19/5 khó dẹp do người dân thiếu ý thức. Các đơn vị thu gom rác của phường, của TPHCM (Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP) tổ chức gom, đốt mỗi tuần, nhưng chỉ vài ngày sau rác lại xuất hiện, có khi nhiều hơn trước. “Tính riêng trong tháng 8-2013, chúng tôi đã xử phạt 5 đối tượng đổ rác lậu với mức phạt cao nhất 750.000 đồng/người/lần. Về cơ bản, chúng tôi vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và bước đầu đạt kết quả tốt. Với điểm đổ rác trên, chúng tôi sẽ điều người giám sát, xử phạt vi phạm tại chỗ. Đồng thời vận động chủ bãi đất trống xây tường rào hạn chế người dân lén tập kết rác thải” - bà Thái Thị Thu Thủy nói. Còn đối với các điểm rác tập kết dọc kênh Nước Đen, gần khu xử lý nước thải Bình Hưng Hòa…, lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hòa A cho biết, trách nhiệm thuộc về Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM. Bởi lẽ, UBND phường chỉ quản lý trực tiếp các tổ thu gom rác dân lập. Trường hợp rác lấn đường, “ôm kênh” không thuộc quyền xử lý của phường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những bãi rác tự phát thường phát sinh ở những khu vực giáp ranh giữa các quận. Trước đây, những bãi rác này do Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thực hiện thu gom. Tuy nhiên, từ khi UBND TPHCM phân cấp thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cho các quận huyện thì tình trạng bãi rác tự phát hình thành ngày càng nhiều. Đại diện UBND quận 5 cũng thừa nhận, có những bãi rác tự phát nằm trong khu vực giáp ranh giữa quận 5 và quận 10 nhưng khó giải quyết vì không xác định được do đường dây rác của quận nào đổ. Lâu dần, rác tập trung ngày càng nhiều, chất thành đống gây ô nhiễm khu vực xung quanh. Thực trạng này càng nặng nề hơn tại khu vực giáp ranh quận huyện vùng ven. Và trong khi chờ các cơ quan chức năng, các quận huyện xác định chủ nhân các bãi rác tự phát thì khổ nhất vẫn là người dân sinh sống gần khu vực có rác thải.
MINH XUÂN - THI HỒNG