“Rái cá” ở hai vùng sóng

“Rái cá” ở hai vùng sóng

Tên khai sinh Phạm Văn Lượm của anh hầu như hiếm người biết và nhớ nhưng cái tên “Út Tèo” thì đã quen thuộc với người dân miệt An Khánh, Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM). Người đàn ông nhỏ bé, nặng chưa tới 50kg này thường cưỡi xe máy “lang thang” khắp ngõ ngách xứ này và luôn có mặt ở nhiều điểm “nóng”, bất kể giờ giấc.

  • Thợ lặn “có số”
“Rái cá” ở hai vùng sóng ảnh 1

Anh Út Tèo lặn kiếm phế liệu ở đoạn sông Sài Gòn gần cảng Ba Son.

Ở làng An Khánh thời sau giải phóng, đất ruộng không thiếu nhưng hầu hết là ruộng nhiễm phèn chua mặn nên chỉ trồng lúa thì người dân không thể đủ ăn đủ mặc.

Những lúc nông nhàn, người thì chèo ghe ra tận rừng Sác đốn củi về đong gạo; lớp thanh niên trai tráng thì lặn ngụp vớt phế liệu ở đáy sông. Út Tèo hồi tưởng: “Lúc đó má tía tui đã 60 tuổi mà còn phải mần ruộng tối ngày, cả năm lội ruộng chỉ được 4 thùng thiếc (20 lít/thùng) gạo. Các anh chị thì lập gia đình ra ở riêng hết…”.

Thêm vào đó, hàng ngày thấy đám bạn trong xóm đi lặn, đứa nào cũng kiếm được 2 - 3 đồng mỗi ngày, mà chúng bơi lặn có hơn gì mình đâu. Thế là, sau khi “bỏ nhỏ” với lũ bạn lặn, Út Tèo âm thầm thực hiện “kế hoạch” kiếm tiền của mình. Mỗi sáng đi học, Tèo cũng ăn mặc đàng hoàng nhưng khi tới trường thì giấu quần áo, sách vở rồi dọt ra bến sông, lên ghe đi lặn…

Tiền kiếm được thì dành dụm rồi lâu lâu đưa cho má, nói là học giỏi được thầy cô và nhà trường thưởng. Gần cả năm sau, gia đình mới phát hiện, đó là khi cô giáo xuống nhà thông báo Tèo bỏ học nhiều quá. Lúc này, mặc ba má và cô giáo năn nỉ hết lời nhưng Út Tèo vẫn không lay chuyển.
Từ đó, như bao thanh niên của làng An Khánh, sáng sớm Út Tèo lại chèo ghe từ các con rạch len lỏi qua các khu nhà sàn để theo con nước lớn ra sông Sài Gòn, tỏa đi tứ hướng, chiều tối con nước lên mới về nhà.

Sau một ngày lặn, lớn thì “trúng” tàu, sà lan chìm; nhỏ thì vớt được mô tơ, vỏ xe…, cái gì cũng bán được. Tới năm 19 tuổi, Út Tèo đi bộ đội, đến đầu những năm 90 mới xuất ngũ. Tuy vậy, Út Tèo vẫn luôn là thợ lặn “có số” của làng An Khánh. Những ngày về phép thăm gia đình, như hầu hết đàn ông của làng, anh lại ngâm mình, sục sạo tìm đồ vật dưới sông Sài Gòn.

Sau khi rời quân ngũ, vì không có nghề nghiệp gì nên anh lại tiếp tục neo ghe lặn ở nhiều dòng sông. Năm 1992, do đục một trái đạn vớt được, đạn nổ nên một chân anh bị gãy. Tháo băng xong anh lại… xuống nước vì anh là đội trưởng một đội lặn chủ lực của làng nên khó thể “bỏ rơi” anh em, quan trọng hơn, nghề lặn là nghề kiếm sống chủ yếu của anh.

Sau nhiều năm chuyên đi vớt xác tàu chiến cho xưởng 51 của hải quân ở Nhà Bè, anh đúc kết: “Sông Lòng Tàu ít bùn sình, nhiều đá ong, xác tàu thuyền nằm hầu như nguyên vẹn, lộ hẳn nên rất dễ mần. Sông Soài Rạp thì rộng lớn và sâu hơn, trên 40m, đáy sông cũng tương tự nhưng chảy xiết hơn, tàu ghe “chết chìm” nhiều hơn.

Khu vực này có những búng (nơi các nhánh sông giao nhau) rất sâu và nguy hiểm như ngã bảy Thiềng Liềng, Chà Là..., sâu gần 50m”. Còn sông Sài Gòn, anh lại càng thuộc lòng. Đáy sông Sài Gòn dày đặc bùn sình nhưng là nơi rất “giàu có”.

Chỗ miễu Cây Dương (đối diện Ba Son) là mỏ bạc cắc khi xưa. Ước tính, dân lặn An Khánh vớt ở đây gần cả tấn bạc cắc cổ, nhờ đó mà nhiều thợ lặn đã đổi đời. Khu vực gần nhà thờ La San Mai Thôn sâu trên 40m thì nổi tiếng về đạn chì.

Nơi đây là kho đạn chì dùng cho súng thần công xưa, mỗi viên nặng gần 2kg! Lúc mới phát hiện “mỏ hàng” này, hàng chục ghe của làng quần thảo nhiều ngày liền mới “vét” hết. Còn vàm Gò Vấp (sông Vàm Thuật - sông Sài Gòn) là nơi sâu nhất trên hệ thống sông Sài Gòn.

Đến nay, dưới đáy vàm này vẫn còn một chiếc tàu gỗ từ thời Pháp mà dân lặn chưa lấy được sau khi đã “móc ruột” kho súng thần công, có cây nặng đến nửa tấn, riêng anh Út cũng từng “vớ” được khoảng 7 cây! Nhưng Út Tèo nhớ nhất là đợt lặn vớt bạc hũ (bạc dạng lỏng được chứa trong các hũ nhựa) ở cua 20 (cảng Bến Nghé hiện giờ).

Vụ đó, anh kiếm được một két 24 hũ. Anh nhớ lại: “Thời đó, 1 hũ đã đổi được 2 chiếc xe máy 67 mới coóng. Nhờ mấy hũ bạc mà nhà tui trả hết nợ nần, riêng tui đóng mới được một chiếc ghe “dữ” nhất thời đó thay cho chiếc ghe chèo tay và có tiền cưới vợ!”.

Mới đây, anh và đội lặn của mình vẫn với những dụng cụ lặn thô sơ như hàng chục năm nay, được mời lặn khảo sát luồng nước ở cảng Phước Long (quận 9) để tàu và sà lan của nước ngoài cập cảng, chuyển các tuốc-bin hơi cho Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau.

  • “Khắc tinh” của tội phạm

Trong ký ức của nhiều người, làng An Khánh (nay đã tách ra thành 3 phường là An Khánh, Bình Khánh và Bình An) cách nay mười mấy năm là “hang ổ” của dân anh chị, giang hồ tứ xứ.

Nào là gái “nhảy tàu”, dân bán chewingum ép (không mua là… không xong!) đến những “đại ca” như Tài “Ba Đô” (chuyên bảo kê nhiều khách sạn, nhà hàng cao cấp ở quận 1); các tướng cướp Đỗ Ngọc Khuê, Lệ què, Dũng bia…

Người lạ đi vào vùng này là “hứng” những ánh mắt sắc lạnh như dao mới mài… Đến nỗi, phần lớn cảnh sát khu vực không dám đi tuần tra, lơ mơ là bị xô xuống rạch nên cũng có một số cảnh sát khu vực đã “biến chất”, bắt tay với tội phạm.

Thế nhưng, có một người vẫn ngang nhiên đi lại giữa hàng trăm ngõ ngách chằng chịt ở xứ này, đó là Út Tèo. Bác Tư Tạo, một cựu chiến binh sống ở đây gần 30 năm, bộc bạch: “Anh Út chỉ là một tổ trưởng nhưng nắm địa bàn rành hơn cả công an khu vực.

Các vụ đánh nhau, cướp giật ở xứ này Út Tèo đều “nhảy vào” trước công an”. Từ năm 1999 đến 2002 đối tượng buôn bán ma túy ở đây rất nhiều, nhất là tại khu gò mả giáp bưng biền mé sông Sài Gòn. Khu vực này công an rất khó thâm nhập vì “mon men” tới là “động” liền.

Thế là Út Tèo “ra tay”. Chỉ cần vài ngày, anh đã lên danh sách, lý lịch lẫn quy luật hoạt động của toàn bộ mấy chục đối tượng thường xuyên tụ tập hút chích…

Kết quả, gò mả trở lại thanh bình. Trung tá Dương Văn Sự, Trưởng công an phường An Khánh kể: “Có Út Tèo, chúng tôi rất yên tâm, “đặt hàng” là nắm chắc 80% - 90% thành công. Năm 2004, nguồn tin trong ngành cho biết có một đối tượng cướp có tàng trữ vũ khí bên quận 1 trốn qua khu này nhưng không tìm ra. May có Út Tèo “định vị”, chúng tôi mới bắt được đối tượng cùng khẩu AK và 28 viên đạn”.

Không chỉ là “khắc tinh” của tội phạm, Út Tèo còn là người dám đứng lên bênh vực quyền lợi chính đáng của người dân. Út Tèo đã cất công mời bà con trong xóm họp lại, làm đơn kiến nghị tập thể để giúp cho hộ L.T.Đ bị bồi thường bất công trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn nhiều vụ bênh vực, giải quyết các tranh chấp khác nữa mà khi có Út Tèo tham gia thì kết quả giải quyết luôn hợp lý, hợp tình. Anh “bật mí”: “Phải luôn đi tuần tra, có sâu sát dân mới rõ nội tình. Tui luôn lưu giữ tất cả những giấy tờ về tình hình tạm trú, tạm vắng, lý lịch của người dân nên cũng không khó khăn gì khi xác minh họ”.

Tháng 6-2006 vừa qua, trong một đêm đi tuần tra anh đã bị một số côn đồ đâm thủng phổi, rách gan, phải nằm cấp cứu và giải phẫu ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định mất 8 ngày, tốn gần 7 triệu đồng. May nhờ các đoàn thể, anh em thân tình giúp đỡ mới trả hết viện phí.

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục