"Rái cá " sông Ngã Bảy

"Rái cá " sông Ngã Bảy

Anh Kiểm, thành viên Đội Cứu hộ đường sông - Hội Chữ thập đỏ Ngã Bảy (Phụng Hiệp- Hậu Giang), nói: “Mười người trong đội này gộp lại cũng không bì kịp tài lặn của “Tân què”. Bảy ngã sông này chỗ cạn, chỗ sâu, chỗ nào có hàm ếch... ổng đều rành sáu câu”.

Thật khó tin điều đó khi nhìn Tân di chuyển chậm chạp trên đôi nạng gỗ. Cơn sốt bại liệt hồi lên 3 tuổi đã cướp đi sức mạnh đôi chân của Tân nhưng đã 29 năm, “Tân què” (Hồ Văn Tân) sống bằng nghề lặn hụp, mò tìm phế liệu.

  • Lặn thiện nguyện
"Rái cá " sông Ngã Bảy ảnh 1

Anh Tân (ngồi) chuẩn bị lặn. Ảnh:  Đ.N.D.

Chợ nổi Ngã Bảy, chợ nổi Ba Ngàn (Cái Côn) là nơi hội tụ khách thương hồ tứ xứ . Mỗi ngày đêm có khoảng 15.000-20.000 tàu, ghe lớn, nhỏ neo đậu mua bán, qua lại. Sông sâu, sóng to, gió lớn nên thường xảy ra sự cố chìm ghe, chìm xuồng, trẻ con bất cẩn rớt xuống sông... Chính trong những giờ phút ngặt nghèo ấy, “Tân què” thường có mặt ứng cứu kịp thời. 

Cách đây không lâu, chiếc ghe trọng tải khoảng hơn 100 tấn chở đầy cát, đá, chạy từ hướng sông Cái Côn về Cà Mau không may va vào trụ cầu Ngã Bảy bị chìm khiến một người chết kẹt trong ghe. Thế là, suốt 4 ngày trầm mình dưới nước Tân mới đưa được xác nạn nhân lên bờ, rồi tiếp tục lặn moi cát, đá ra để trục ghe lên. Xong việc, Tân nói y một câu: “Cho bao nhiêu thì cho…”.

  • Đeo nghề nguy hiểm

Góa bụa, gia cảnh nghèo túng, lại gặp lúc kinh tế khó khăn, năm 1976, bà Hoàng Thị Lại đùm núm bầy con côi cút 9 đứa từ Thừa Thiên-Huế vô vùng kinh tế mới xã Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) tìm kế sinh nhai. Không quen ruộng đồng, vắt, đĩa, muỗi mòng nơi cảnh mới nên mẹ con bà dạt về chợ Phụng Hiệp kiếm sống.

Căn nhà nhỏ liêu xiêu, dột nát của mẹ con bà Lại nằm khuất sâu trong con hẻm ông Há, một xóm lao động ở khu vực 1, phường Ngã Bảy (Hậu Giang). Bà Lại mua nó bằng tiền tích cóp từ những bó rau muống, bông súng, bồ ngót... qua hàng ngàn phiên chợ và những đồng ve chai mà Tân góp nhặt mỗi ngày. Chuyện gia cảnh bà kể tôi nghe cứ lăn, lăn dài theo từng giọt nước mắt trên đôi má nhăn nheo.

“Trong 9 đứa con, thằng Tân chịu nhiều bất hạnh nhất” - bà nghẹn giọng, “Mấy lần nó hụt chết, tui khóc, khuyên nó tìm nghề khác sinh sống nhưng nó cãi: Mẹ nay đã già, sức yếu, lại thường đau ốm, đâu còn đi đứng, mua bán được như xưa, nhà mình nghèo thì làm sao có tiền học nghề khác?”. Vậy là bà đuối lý. Năm nay Tân 42 tuổi, vẫn lang thang đi mò phế liệu.

Khó khăn lắm tôi mới bắt chuyện được với Tân. Anh rất ít nói. Dường như Tân luôn mặc cảm về hình hài của mình. Khi tiếp chuyện ai, anh thường rút cái chân phải chỉ có da bọc ống xương, ép sát vào lòng.  Người ta thấy, có những đêm trời mưa như trút nước mà Tân vẫn phong phanh một bộ đồ dính da sờn rách và ngả lưng ở mái hiên hoặc sạp chợ nào đó để qua đêm. Anh Nguyễn Văn Hiệp, trưởng khu vực 1, nói: “Nó bảo, ai chê cũng kệ, miễn nghề nuôi mình, đôi khi còn cứu giúp người hoạn nạn là được rồi”.

ĐẶNG NGỌC DÂN

Tin cùng chuyên mục