
Nếu bạn sành ẩm thực đồng bằng Nam bộ mà chưa dùng qua món rắn trun xào lá cách thì chưa thể gọi là đã thưởng thức hết những đặc sản độc đáo của miền sông nước…

Rắn trun là loại rắn hiền, chậm chạp, không độc. Thông thường, nguồn cung cấp loại rắn này là do những đứa trẻ ở quê đi dỡ cỏ, lùng sục bắt được, bán lại cho bạn hàng ở chợ để cung cấp cho các quán ăn đặc sản…
Rắn trun con to lắm chỉ bằng ngón chân cái người lớn; con bé thì cỡ ngón tay trỏ. Chế biến món rắn trun xào lá cách cũng đơn giản. Đầu tiên đập đầu cho rắn chết, dùng nước sôi cạo sạch (hoặc thui), móc ruột, cắt bỏ đầu, rồi băm nhuyễn thịt, kế đến, ướp gia vị cho thơm. Lá cách tươi được xắt nhuyễn để sẵn.
Bắc chảo đợi nóng thì cho vào chừng một muỗng canh mỡ heo, khử sả, tỏi cho thơm rồi cho thịt rắn vào xào. Khi thấy thịt rắn hơi tái màu thì cho lá cách vào xào tiếp, lá cách dốt dốt thì bắc chảo xuống, xúc thịt ra dĩa và rắc đậu phộng rang thơm giã nhỏ lên.
Thế là đã có một món ăn độc đáo, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Đây là món nhậu mà những tay sành ăn rất thích. Thịt rắn trun ăn mát, trị đau lưng, nhức mỏi và bồi bổ cơ thể…
Dương Thị Ngọc Xoàn
(264/28 P.Long Tuyền - Bình Thủy - Cần Thơ)
Bánh canh bột gạo Sóc

Về vùng Bảy Núi-An Giang, nếu huyện Tri Tôn nổi tiếng món cháo bò thì ở huyện Tịnh Biên cũng nổi tiếng không kém với món bánh canh bột gạo Sóc. Chất lượng gạo Sóc Bảy Núi (loại lúa gạo mà người đồng bào dân tộc Khmer Bảy Núi trồng trên các thửa ruộng ven chân núi) cũng giống như gạo lúa mùa (Trắng Chùm, Trắng Lùn, Trời Cho…) ở đồng bằng Nam bộ vậy nên cọng bánh canh làm từ loại gạo này cũng dẻo dai, thơm ngon tuyệt vời. Vượt chặng đường xa đến tham quan vùng Thất Sơn, du khách có thể dạo phố ẩm thực của tỉnh lộ 948. Tại đây, du khách có thể gọi các món bánh canh giò heo, bánh canh cá lóc, bánh canh tôm, bánh canh gà, bánh canh thập cẩm… tùy thích.
Tô bánh canh nóng hổi với các cọng bánh dẹp hòa cùng nước súp của giò heo, xương gà, cá lóc đồng, tôm càng,… ngọt ngào biết mấy. Thực khách cứ múc nước chấm chan vào tô bánh canh sẽ càng làm tăng thêm vị đậm đà của bánh, cộng với vị ớt cay cay, mùi thơm của ngò gai, hành lá, khiến tô bánh canh thêm hấp dẫn. Bánh canh phố núi Vĩnh Trung được bán với giá rất phải chăng, 7.000đ/tô.
THÀNH ĐƯỢC
Lẩu cá dứa

Cá dứa là loại cá da trơn giống cá tra, cá bông lau nhưng sống ở môi trường nước mặn và lợ. Ở Cà Mau, vùng gần các cửa sông Rạch Gốc, Bồ Đề, Cửa Lớn là nơi có nhiều cá dứa sinh sống. Ngư dân đánh bắt cá dứa bằng lưới cào, câu lưỡi, đăng mé. Cá dứa có trọng lượng trung bình khoảng trên dưới 5kg, ít thấy cá to hơn. Cá dứa mua về rửa sạch, mổ bụng, bỏ ruột, cắt khoanh để ra dĩa. Bắc nửa nồi nước đun sôi, cho tí muối và cơm mẻ tán nhuyễn làm chất chua. Rau nhút, bạc hà, cà, khóm, giá sống, lèo nèo... xếp ra mâm.
Bỏ khứa cá dứa vào trụng trong lẩu, chín tới đâu vớt ra ăn tới đó, cá không nên để lâu trong nồi sẽ bị nát. Rau nhúng dốt hay nhừ tùy ý thích của người dùng.
Nước chấm có thể dùng muối ớt hay nước mắm nguyên chất. Lẩu cá dứa vừa ngon, bổ và giá bình dân, khoảng 50.000đ/kg.
Đặng Hoàng Thám
(170 Lý Tự Trọng, Ninh Kiều, Cần Thơ)