
Thầy Hải Kỳ nói với bạn đồng nghiệp và tốp học trò trong bữa tiệc tiễn thầy về hưu:
– Đời tôi từ khi bước chân lên bục giảng luôn nói thật, sống thật, chơi thật không biết giả dối và cực lực phản đối các thứ giả như: đạo đức giả, nhân cách giả, hàng giả, hàng dỏm… Nói tóm lại từ lý thuyết đến thực hành tôi luôn thật với lòng với người.
Những bậc đồng nghiệp, bạn bè quen biết nhiều năm cũng xác nhận thầy Hải Kỳ có lối sống thật, không thích giả dối và ghét những thứ giả. Thầy Hải Kỳ không những dùng lối sống thật để giao du bạn bè mà thầy còn ứng dụng vào việc “Tu thân, tề gia”. Trong gia đình thầy trên dưới răm rắp tuân theo lời của thầy. Ở trong nhà thầy luôn dùng “cái thật” để ứng xử, dạy dỗ khuyên răn con cháu, ngoài đời các bạn bè thầy giao du cũng lựa chọn những người “thật”. Bởi vậy cho nên số bạn bè của thầy ai cũng luôn thể hiện lối sống phong cách thật để ứng xử nhau. Số bạn bè thân cận nói chơi với nhau gọi thầy Hải Kỳ là “Thầy không xài đồ giả”.

Minh họa: D.Khanh
Sau những năm thầy Hải Kỳ về hưu soi gương thấy mình chỉ còn trên chục cái răng, nó ở rải rác không khớp nhau nên việc ăn uống khó khăn. Với số tuổi chỉ qua 60 thôi nhưng thầy đã móm mém làm cho khuôn mặt già thêm vài tuổi. Con cháu, bạn bè khuyên thầy đi làm lại răng giả để dễ bề ăn uống. Thầy thối thoát: Trời sanh sao để vậy! Ngày xưa ông bà mình rụng răng vẫn sống đến già. Vả lại giờ mà tôi đi làm răng lại bạn bè không khỏi dị nghị “Già muốn kiếm cỏ non, hoặc cưa sừng làm nghé hay sao đây!”. Nghĩ vậy nên thầy chấp nhận với số răng còn lại của mình. Lại có ý kiến khuyên nên đi nhổ hết sạch cho dễ ăn. Thầy phớt lờ.
Dịp tết có thằng cháu gọi bằng cậu ở thành phố về không biết thuyết phục bằng cách nào mà chở được thầy Hải Kỳ đi trồng hàm răng giả. Thầy miễn cưỡng lắm mới đi theo đứa cháu. Sau khi ra thợ lấy ni vài hôm thầy có bộ răng trắng trẻo đều như bắp. Ban đầu thầy thấy khó chịu trong miệng giữa lưỡi và răng, cả đến tiếng nói cũng khác giọng. Dần lâu ngày quen. Trông thầy trẻ lại 5 tuổi có dư. Thầy cười duyên dáng hơn như ngày nào… Chớ không như nhưng nụ cười chơ vơ những chiếc răng lay lắt cô độc trong hàm. Những khi vắng người thầy Hải Kỳ nhe răng soi gương thấy mình có nụ cười như của ai đó ghép vào lạ lẫm. Thầy không muốn chấp nhận làm một con người và nụ cười khác. Khi giữa đám đông thầy ít cười nói hơn xưa, thầy nghĩ như vậy người ta không nhận ra thầy có hàm răng giả. Đôi khi thầy định cởi bỏ, bạn bè khuyên: “Thầy để đại vậy đi! Bộ răng này coi được quá! Hơi đâu mà nghe lời đàm tiếu của người ta! Mình phải sống thật cho mình chớ đâu vì người khác. Bỏ răng người ta còn cười thêm!”.
Thời gian dần rồi thầy Hải Kỳ quen với hàm răng giả, trong cách ăn uống và nói chuyện. Thầy thấy cũng tiện lợi khi nhai thức ăn, mặc dù không như xưa thuở 20, 30, nhưng cũng giúp cho thầy nghiền được thức ăn dễ tiêu hóa, có lợi cho sức khỏe.
Một hôm thầy Hải Kỳ soi gương nhìn hàm răng giả bỗng dưng nảy ra những nhận định:
– Có những thứ giả xài không được như hàng hóa giả, tiền giả… Thường thì đồ giả không ai xài, không ai chịu. Ở đây răng giả, có nghĩa là răng không phải tự trong xương thịt mình mọc ra mà được người làm sẵn rồi gắn vào hàm. So với yêu cầu của người sử dụng thì vẫn đạt hiệu quả. Vậy thì trong cuộc sống đôi khi người ta cũng cần phải sử dụng thứ đồ giả, răng giả, tay chân giả... Giả mà thật, răng thật mà giả vì nó ở với mình không được bao lâu rồi lần lượt ra đi. Mỗi lần ra đi còn quậy cho người ta đau nhức. Cụm từ giả, thiệt trong chữ nghĩa, trong đời sống con người từng lúc từng nơi, từng vật dụng đều có thay đổi khác nhau. Không phải đồ giả là dứt bỏ, là khinh khi nó, đôi khi con người cần cái giả để thay thế cái thiệt! Thầy Hải Kỳ tóm lại: Cái giả mà phục vụ tốt, có ích cho người là cần thiết, thứ nào có hại cho người dù thiệt cũng như giả.
Một buổi sáng, thầy Hải Kỳ uống cà phê, bạn bè đồng nghiệp và học trò nhận ra thầy Hải Kỳ hơi khác lạ hơn ngày xưa khi nghe người ta đề cập đến “đạo đức giả, hàng giả…”. Thầy ngồi lặng lẽ, không chút gì phê phán, phản đối.
Thấy vậy, có người hỏi thầy chuyện giả thật.
Thầy trầm ngâm nói bâng quơ: “Đường có đi mới đến. Chuông có đánh mới kêu”. Rồi thầy Hải Kỳ cười lú những chiếc răng giả đều tăm tắp.
Nhật Hồng