Người ta mọc chiếc răng đầu tiên vào khoảng tám tháng tuổi. Hai cái cùng một lúc. Răng cửa. Kể từ đó cho đến lúc đầy đủ hai hàm ba mươi hai chiếc cũng mất hơn hai thập niên. Có người ngoài ba mươi mới mọc nốt chiếc răng khôn cuối cùng. Răng khôn thật sự là phiền phức. Nó phiền bởi lúc ấy người ta cũng chẳng thể khôn hơn mấy nả. Việc dùng để nhai là không cần thiết vì khi chưa có nó vẫn ăn mía cả cây bình thường.
Để làm đẹp lại càng không, nó là chiếc răng chỉ bác sĩ nha khoa mới có thể nhìn thấy. Mà bác sĩ nha khoa luôn là thành phần sang cả hiếm có trong xã hội. Thi vào trường y bình quân 9 điểm một môn vẫn có nguy cơ trượt như chơi. Răng khôn chậm thường hay mọc lệch đâm vào hàm. Nhiều răng khôn ra đời chỉ dùng vào mỗi việc mang nó đến nhờ bác sĩ nhổ đi. Đó là ứng xử khôn ngoan nhất ai cũng biết từ khi chưa mọc răng khôn.
“Cái răng cái tóc là góc con người”, tục ngữ xưa bảo thế. Ngoài chuyện xấu đẹp ra còn có thể nhìn vào răng lợi mà đoán tính cách con người. Răng hô tính tình xởi lởi dễ gần. Chi tiêu khoáng đạt ít toan tính. Răng quặp kẹt xỉ, ít nhiều mưu mô thủ đoạn và dĩ nhiên hơi hèn. “Trai mà có cặp răng nanh/ Gan dạ, chịu đựng, khôn lanh đủ điều”…
Vài tộc người thiểu số Tây Nguyên có phong tục cà răng cho mòn đi ngay từ khi còn trẻ tuổi. Lấy hòn đá suối ráp tự mài từ trong ra ngoài bộ nhai thiêng liêng của mình. Vừa là vẻ đẹp theo quan niệm của họ mà cũng là cách bảo vệ chống lại các bệnh răng lợi. Những chiếc răng mòn chết tủy hẳn là khó gây ra viêm nhiễm đau đớn. Bác sĩ với lý thuyết Tây y vẫn thường phải diệt tủy để chữa răng đau như vậy. Người Kinh từ xa xưa đã biết “làm đẹp” hàm răng của mình bằng cách nhuộm đen. Đó cũng là một cách bảo vệ răng khi y học chưa có nhiều tiến bộ như bây giờ. Nhuộm răng phải chịu đựng cả quá trình đau đớn khủng khiếp hàng tháng trời ví như một công lênh trong đời. Thế cho nên có câu ca dao rằng “Lấy chồng cho đáng tấm chồng/ Bõ công trang điểm má hồng răng đen”.
Về sau nha khoa phát triển mới có mốt bọc răng bằng vàng bạc. Những năm giữa thế kỷ trước con gái đương thì hai hàm răng trắng muốt đều đặn cũng đến tiệm xin mài mòn một chiếc ở khóe cười để bọc vàng lóe sáng. Có chiếc răng vàng ấy chị em tin rằng dễ lấy chồng. Bởi có hàm răng đáng nhớ như trong ca dao “Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”.
Những năm chiến tranh thiếu thốn ở Hà Nội hầu như chỉ thịnh hành dùng một loại kháng sinh cho rất nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Đó là viên Tetracycline. Hậu quả của nó với trẻ em khi lớn lên là hai hàm răng đen xỉn nhôm nhoam như bám nhựa hồng xiêm không thuốc nào đánh sạch. Thành ngữ ngày ấy gọi gọn là “răng Têta”. “Răng Têta” không sâu không hỏng. Chỉ là ám khói đắng cay thiếu thuốc men chữa bệnh. Đã có hàm răng như thế thì đừng mong thi tuyển vào các đoàn nghệ thuật biểu diễn. May mắn cũng chỉ đến với số ít chị em về sau có điều kiện ra nước ngoài bọc răng sứ. Số còn lại ở nhà bây giờ cũng đã trở thành bà nội bà ngoại móm mém cả rồi. Thế nhưng dù thế hệ Tetracycline ấy không bọc chiếc răng vàng nào cả thì số người ế chồng so với trước cũng chẳng có gì thay đổi.
Nhìn chung thì hàm răng được gọi là đẹp bây giờ vẫn hướng về sự đều đặn trắng sáng và bền chắc. Với đàn ông thì “răng chắc” còn được mặc định là “chuẩn men”. Những đặc dị răng thưa, răng nhọn, răng hô, răng quặp, khấp khểnh và hở lợi chưa bao giờ là niềm tự hào của bất cứ ai. Người ta có đủ kỹ thuật để điều chỉnh sửa chữa nó ngay từ khi còn nhỏ tuổi cho đến tận lúc gần đất xa trời. Trẻ con đeo hàm thiếc để chỉnh hàm cho ngay ngắn. Nữ ca sĩ đứng tuổi tháo chiếc răng khểnh duyên dáng ấu thơ trồng lại để có vẻ đẹp sang trọng quý bà. Cụ ông làm hàm giả đeo vào để đi sinh hoạt tổ thơ. Là nơi cần sang sảng ngâm ngợi mà không sợ rơi chữ sái vần. Răng lợi là thứ phải dùng đến hàng ngày nên hư hỏng là điều tất nhiên. Ta làm phiền nó suốt đời chẳng thể trách nó cũng làm phiền ta tương tự. Lại sinh ra muôn vàn thứ kem đánh răng quảng cáo trên TV với công dụng tức thì được mấy anh “răng chắc” nhe ra làm chứng. Ngày nào cũng nhe kể từ sau thời bao cấp đến giờ. Phải mua để dùng thôi nếu như không muốn nói lời chia tay “Lợi ơi ở lại răng về nhé!”.
Chuyện tiếu lâm ngày trước kể cụ ông chơi trống bỏi đạp xe đèo gái lên dốc. Em hỏi “Anh có mệt không?”, cụ bảo “Cũng phình phường!”. Cụ thật phi thường. Chẳng thèm nhớ đến lời các cụ già hơn dạy rằng “Giời quả báo ăn cháo gãy răng”!
Đỗ Phấn