
Việc các nước ngày càng áp dụng những tiêu chí về môi trường lên các loại hàng hóa nhập khẩu một cách nghiêm ngặt được ví như “rào cản xanh” thay cho hàng rào thuế quan khi gia nhập vào WTO. Do đó, chủ động thực hiện Luật Bảo vệ môi trường là bước đệm an toàn nhất và là yếu tố sống còn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang nước khác.
- Môi trường - rào cản hợp pháp

Hội nhập đang là xu thế chung của toàn cầu. Bất kỳ quốc gia nào cũng muốn tham gia hội nhập nhưng vẫn muốn bảo hộ được các hoạt động sản xuất trong nước. Để giải quyết cùng lúc hai mục đích này, nhiều nước đã sử dụng đến “rào cản xanh” hay nói chính xác hơn là “rào cản môi trường”. Trên thực tế, loại rào cản này đang phát huy vai trò tích cực của nó trong việc hạn chế hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhập khẩu vào thị trường các nước phát triển.
Rào cản môi trường là một hệ thống quy định những tiêu chuẩn về môi trường sản xuất, trình độ công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, giải pháp tận thu, sử dụng, tái chế chất thải, giảm thiểu phát thải, tổ chức quản lý… Các nước áp dụng triệt để loại rào cản này là khu vực châu Âu, châu Mỹ, số ít ở châu Á... trong khi khu vực này là những thị trường có tiềm năng lớn. “Rào cản môi trường” có thể ứng dụng linh hoạt dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cụ thể như sản phẩm muốn nhập khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn mức độ chất thải ô nhiễm, khả năng tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên vật liệu sản xuất có ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái; các loại bao bì có tái sử dụng được hay không. Nhiều nước khác sử dụng “rào cản xanh” như một công cụ để đánh thuế lên sản phẩm nhập khẩu. Và tùy theo mức độ gây ô nhiễm của sản phẩm mà doanh nghiệp phải đóng một khoản tiền nhất định.
Trường hợp đánh thuế vào khí thải của các ô tô khi nhập khẩu vào thụ trường châu Âu là một ví dụ. Cơ sở của việc đánh thuế và thu phí thường dựa trên hai nguyên tắc, đó là người gây ô nhiễm phải chịu phí và người sử dụng nguồn tài nguyên phải chịu phí. Các loại phí, thuế thông dụng thường gặp là phí sản phẩm, phí khí thải, phí hành chính... Điều này làm suy giảm đáng kể khả năng cạnh tranh về giá của doanh nghiệp.
Về lâu dài, khi yếu tố “rào cản xanh” được áp dụng triệt để và rộng khắp trên thế giới, cộng với nhận thức người tiêu dùng được nâng cao theo hướng ngày càng quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường thì những doanh nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu “xanh” chắc chắn sẽ bị loại ra khỏi thị trường.
- Thực hiện bảo vệ môi trường – hạn chế rủi ro
Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp TPHCM (KCX-KCN) cho biết, hàng năm doanh thu từ xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các KCX-KCN đạt 3 tỷ USD, chiếm 70% doanh thu xuất khẩu toàn thành phố. Tuy nhiên, những đơn vị có mặt hàng xuất khẩu đã phải đối mặt với các yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm và đảm bảo môi trường… từ phía đối tác, nhất là những nước ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ lỡ các hợp đồng kinh tế lớn chỉ vì không thực hiện tốt vấn đề bảo vệ môi trường.
Đồng tình ý kiến này, ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng Thông tin đối ngoại của Công ty Sony Việt Nam cho biết, Công ty Sony chuyên sản xuất mặt hàng linh kiện điện tử. Hàng hóa của công ty khi xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Malaysia… phải luôn đáp ứng các yêu cầu về môi trường như không sử dụng các chất độc hại gây ảnh hưởng đến môi trường; vật tư không chứa các chất kim loại nặng như thủy ngân, cadmium, chì, crôm hóa trị 6… Trường hợp vi phạm một trong số các quy định trên thì lập tức hàng hóa sẽ bị trả lại, thậm chí sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi ký kết các hợp đồng kinh tế tiếp theo.
Tại hội thảo về rảo cản kỹ thuật khi Việt Nam gia nhập WTO, ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ thuộc Bộ Công nghiệp nhấn mạnh, ngoài sản phẩm thiết bị điện thì các loại mặt hàng gỗ, sản phẩm cao su, phân bón, thực phẩm, dệt may, thép, hóa chất… chịu nhiều tác động nhất của rào cản về môi trường.
Cụ thể như đối với ngành dệt may, cần phải đảm bảo yêu cầu về điều kiện vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng nhất là trẻ sơ sinh (không sử dụng loại thuốc nhuộm có trong danh mục cấm); tủ lạnh không được có khí CFC; sản phẩm gỗ phải có nguồn gốc rõ ràng, không xuất xứ từ rừng bảo tồn hoặc rừng đặc dụng… Nếu hàng hóa của các doanh nghiệp không đáp ứng một trong các yêu cầu trên thì sẽ bị trả về. “Thậm chí, những doanh nghiệp có sản phẩm không gây hại gì cho môi trường, nhưng bản thân doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, không chấp hành những quy định về đầu tư hệ thống xử lý, thu gom, tiêu hủy chất thải… cũng gặp rất nhiều bất lợi khi thương thảo, ký hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM cho biết.
“Chủ động bảo vệ môi trường là bước đệm tốt nhất cho các doanh nghiệp trong nước để xóa bỏ “rào cản xanh” khi nước ta chính thức gia nhập WTO. Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và đáp ứng các yêu cầu bảo vệ sức khỏe và môi trường cũng đã là chậm để có thể hạn chế ảnh hưởng từ rào cản xanh và đón đầu những cơ hội kinh tế tại sân chơi mới nhưng muộn vẫn hơn không”, ông Hồ Quang Trung, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương mại khẳng định.
ÁI VÂN