

Vận hành hệ thống dẫn khí từ hầm ủ rác vào máy phát điện tại Bãi rác Gò Cát. Ảnh: THÀNH TÂM
Sở Tài nguyên - Môi trường, Quỹ tái chế chất thải TPHCM đã đánh giá như vậy. Theo hai cơ quan này, từ nay đến năm 2010, TPHCM có thể triển khai đến 60 dự án CDM (dự án mua bán khí phát thải theo Nghị định Kyoto) trong các ngành: sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng, xử lý chất thải và tái chế, công nghiệp chế tạo và công nghiệp hóa chất, thay thế nhiên liệu, dung môi và chất lạnh, giao thông, nông nghiệp…
Và hiện nay TPHCM đã tham gia hai dự án bao gồm: thu hồi khí bãi rác và tái tạo năng lượng; chuyển đổi nhiên liệu tại Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức. Tuy nhiên, hai cơ quan này cũng đánh giá: TPHCM cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước chưa tập trung nhiều cho các dự án CDM, mặc dù Việt Nam phê duyệt Nghị định thư Kyoto năm 2002.
Một trong những nguyên nhân là do vốn đầu tư vào các dự án CDM thường rất lớn; quy mô các dự án còn nhỏ nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư; nhận thức của cộng đồng về giảm phát thải khí nhà kính còn hạn chế; các thể chế mà đặc biệt là các thể chế về tài chính còn nhiều vướng mắc. Cũng theo hai cơ quan trên, việc hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước và tăng cường nhận thức của các bên liên quan sẽ là tiền đề cho sự phát triển các dự án CDM.
An Nhiên