Rèn mình qua hành trình du học

Trong hành trình trưởng thành, nhiều bạn trẻ thế hệ Gen Y (sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến 1996), Gen Z (sinh ra khoảng năm 1997 đến 2012) nỗ lực và khẳng định bản thân với giấc mơ công dân toàn cầu. Người trẻ hiện đại không ngại bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, khám phá và thêm trải nghiệm kiến thức mới… Chuyện du học trở thành mục tiêu với nhiều bạn. Cơ hội mở ra, nhưng cũng không ít thách thức để rèn giũa chính mình trong môi trường quốc tế.

Bạn trẻ nỗ lực học tập, làm việc để ghi danh vào môi trường quốc tế. Ảnh: TOONG
Bạn trẻ nỗ lực học tập, làm việc để ghi danh vào môi trường quốc tế. Ảnh: TOONG

“Thợ săn” học bổng

Xu hướng du học thịnh hành trong giới trẻ, biểu hiện rõ trong các hội nhóm săn học bổng du học từ trực tiếp đến trực tuyến. Nhiều nhóm săn học bổng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, được bạn trẻ liên tục chia sẻ bí quyết qua các bài viết hướng dẫn chi tiết việc làm hồ sơ, trả lời phỏng vấn, chọn trường, chọn ngành… để có cơ hội du học cao nhất có thể.

Là quản trị viên một nhóm chia sẻ kinh nghiệm du học New Zealand với hơn 4.000 thành viên theo dõi, Trần Anh Tú (33 tuổi, nhân viên lập trình, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ: “Lứa 8X thì việc du học không quá rầm rộ, chứ mấy bạn trẻ bây giờ nhạy bén lắm, luôn tìm cơ hội săn học bổng. Có bạn không chỉ săn học bổng để được đi ra nước ngoài, trong quá trình học còn cố gắng săn thêm các suất học và thực tập ngắn hạn tại nhiều quốc gia khác nữa. Nên mỗi lần các bạn chia sẻ một đường dẫn đăng ký cơ hội du học, chừng nửa giờ sau thì đã đủ lượng người ghi danh”.

Nói về lý do “săn” cơ hội từ bên ngoài, Nguyễn Hoàng Thanh Trúc (22 tuổi, du học sinh ngành Truyền thông tại Đại học HAN, Hà Lan) chia sẻ: “Tôi thi đại học năm 2020, lúc đó trong nước cũng chưa có nhiều lựa chọn cho ngành truyền thông quốc tế, nên tôi thử tìm hiểu thêm về ngành này ở một số trường nước ngoài. Ngay khi có cơ hội nhận được học bổng, tôi ghi danh và đi học ngay, nỗ lực tích lũy kiến thức chuẩn quốc tế cho mình. Đồng thời, nhờ du học tại châu Âu nên sở thích khám phá, du lịch giữa các nước cũng dễ dàng và thuận tiện hơn. Từ đó, tôi có được những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp sâu sắc và ý nghĩa”.

Có mặt trong khá nhiều nhóm chia sẻ kinh nghiệm du học, Hoàng Khánh Phương An (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) chia sẻ: “Khi tôi vào đại học, ba mẹ và anh chị trong nhà có thể đảm bảo đủ tài chính để tôi du học. Nhưng tôi vẫn chọn cách nỗ lực săn học bổng, vì khi mình có được tấm vé du học do chính năng lực học tập của mình, bước ra bên ngoài mình sẽ tự tin và không quá ỷ lại, phụ thuộc vào gia đình, rèn cho mình tính tự lập khi ở nước ngoài. Vì thế mà nhóm nào săn học bổng là tôi tham gia, nhiều bạn bè hay gọi tôi là “thợ săn du học”, cũng chỉ đùa cho vui thôi, đầu tháng 3 này tôi và nhóm 3 bạn học chung từ cấp ba sẽ bắt đầu hành trình học tại New Zealand với học bổng toàn phần”.

Bước ra để thử thách mình

Du học mang đến cơ hội và trải nghiệm quốc tế cho người trẻ trong hành trình trưởng thành, nhưng cũng đặt bản thân Gen Y, Gen Z không ít thử thách ở môi trường quốc tế.

Nhật Nhi (21 tuổi, du học sinh năm cuối Trường Swiss School of Business Management, Thụy Sĩ) bày tỏ: “Hiện tại, tôi vẫn chưa quen với mức sinh hoạt phí cao ở Thụy Sĩ, dù chuẩn bị tinh thần là sẽ tốn nhiều chi phí khi quyết định đi, nhưng tôi vẫn sốc và thấy thương bố mẹ rất nhiều khi khiến họ phải mang gánh nặng kinh tế cho việc học của mình. Điều tôi trăn trở nhất hiện nay, là tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng của mình để trau dồi kinh nghiệm thực tiễn và xoay xở để trả các chi phí sinh hoạt tại đây”.

Ngoài ra, do bạn bè đến từ nhiều nơi trên thế giới, không thể tránh khỏi sự bất đồng trong ngôn ngữ, cách suy nghĩ và nhân sinh quan. “Con người Thụy Sĩ lịch thiệp, thân thiện nhưng tôi khó kết nối được với họ. Tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính của Thụy Sĩ, nên nhiều lúc tôi cũng khá chật vật với những vấn đề liên quan đến giấy tờ hành chính, thuế… Bạn bè cũng có nhưng để gọi là thân thiết thì vẫn chưa, bởi mỗi người mỗi nền văn hóa nên có những quan niệm khác nhau, khi giao tiếp nếu mình không đủ tinh ý và tinh tế sẽ rất dễ mất lòng”, Nhật Nhi nói thêm.

Không chỉ khó khăn trong việc làm quen với quy định, chính sách tại quốc gia đó, chương trình học, xây dựng các mối quan hệ, với nhiều bạn trẻ du học sinh, nỗi nhớ nhà, áp lực về chi phí học tập, phí sinh hoạt phát sinh, rào cản ngôn ngữ và cách biệt về văn hóa là những thử thách mà khi chọn bước ra bên ngoài phải chấp nhận đối diện. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị hồ sơ du học cũng khá phức tạp, đặc biệt các vấn đề về chứng chỉ cần thiết, bảng điểm, thực hiện các giấy tờ hành chính và việc phỏng vấn lấy visa không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Du học không phải là một trào lưu để nay thích thì theo, ngày mai chán thì nghỉ, hành trình bước ra khỏi vùng an toàn không chỉ có niềm tự hào hay sự khích lệ, động viên là đủ. Mỗi người trẻ với giấc mơ công dân toàn cầu, cần sự bản lĩnh và nỗ lực gấp bội trong môi trường quốc tế, mà trước hết là tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi thực hiện hành trình ra bên ngoài.

Tin cùng chuyên mục