
Trong vòng 1 tháng qua, cường độ không khí lạnh đổ bộ vào khu vực Bắc bộ và miền Trung mạnh hơn. Bắc bộ và Trung bộ đã xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Trong khi đó, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ hầu như không có mưa. Các sông hồ ở khu vực này đang bắt đầu cạn kiệt.
- Bắc bộ: Nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm

Sông Hồng đã cạn kiệt nước.
Hôm qua, 7-12, thời tiết toàn bộ các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ tiếp tục ở mức rất thấp do không khí lạnh được tăng cường: nhiệt độ cao nhất phổ biến là 15 độ C, thấp nhất là 10 độ C. Ở vùng núi phía Tây Bắc và Lào Cai một số nơi nhiệt độ xuống tới 4,7 độ C; các khu vực ven biển như Đồ Sơn (Hải Phòng), Hạ Long (Quảng Ninh) xuống tới 9 độ C.
Đáng lưu ý, đợt không khí lạnh kéo dài đã 4 ngày này không chỉ gây rét đậm mà đã chuyển thành rét hại và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Hôm nay (8-12) và ngày mai (9-12), không khí lạnh tiếp tục bổ sung xuống Bắc bộ và Trung bộ.
Trao đổi với SGGP, bà Dương Liên Châu-Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn Trung ương đưa ra dự báo: Nhiều khả năng vào tháng 1-2006, thời tiết ở khu vực trên tiếp tục xuống thấp và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Trong khi thời tiết tiếp tục xuống ở mức thấp thì lượng mưa cũng không có dấu hiệu khả quan.
Đặc biệt, ở khu vực Bắc bộ, lượng mưa phổ biến cũng thấp hơn TBNN. Trời rét đậm! Cuộc sống của người dân Hà Nội cũng xáo trộn đáng kể, lượng người ra đường cũng thưa thớt hơn. Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày rét đậm, mỗi ngày bệnh viện phải tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa - tăng gần 10 lần so với ngày thường. Còn tại các cửa hàng bán quần áo rét ở Hà Nội luôn chật cứng người.
- Nhiều sông suối đã bắt đầu cạn nước
Theo Bộ NN – PTNT, do tháng qua hầu như không có mưa khiến lượng nước các sông hồ ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã bắt đầu cạn và đều thấp hơn TBNN. Lượng dòng chảy sông Thao thấp hơn TBNN từ 25% – 30%, sông Lô thấp hơn TBNN 20%, lượng dòng chảy từ sông Đà về hồ Hoà Bình chỉ còn 60% so với TBNN…
Trong khi hệ thống sông suối ở miền núi và trung du phía Bắc bị cạn dần thì những hệ thống thủy nông lấy nước trực tiếp từ sông Hồng, sông Thái Bình, lưu lượng nước vào các cống, trạm bơm chỉ đạt 40% – 50% so với thiết kế. Hàng loạt hồ chứa nước ở phía Bắc có mực nước thấp hơn 30% so với dung tích thiết kế: Đồng Mô - Hà Tây (34); Chúc Bài Sơn - Quảng Ninh (23%); Vân Trục (21%), Xạ Hương (32%) - Vĩnh Phú, Núi Cốc - Thái Nguyên (20%)… Các hồ chứa nhỏ và đập dâng ở miền núi, trung du mới đạt 70% dung tích thiết kế.
Vào chiều tối ngày 7-12, mực nước tại Hà Nội tiếp tục ở mức thấp 2,4m: thấp hơn trung bình nhiều năm 2,5m và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2004-năm có thời điểm xuống thấp nhất trong vòng 100 năm. Quanh khu vực sông Hồng ở Hà Nội, nhiều bơn cát đã bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước. Nước cạn đến nỗi nhiều bãi cát ven sông Hồng có thể trở thành bãi đá bóng cho trẻ em. Thậm chí, ở khúc lớn nhất của sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội bãi bồi cát đã bắt đầu nhô lên mặt nước. Không chỉ tàu bè mà việc lấy nước tưới cho nhiều địa phương ven sông bắt đầu gặp khó khăn.
Bộ NN-PTNT vừa có chỉ thị yêu cầu các địa phương ở Bắc bộ và Trung bộ sử dụng tiết kiệm nước, tăng cường tích nước vào các hồ chứa để đối phó với nguy cơ hạn hán niên vụ 2005-2006.
VĂN NGHĨA