Rệu rã… bờ bao

Điều đáng lo hiện nay là bờ bao ngăn triều bị rệu rã, lún sụt, luôn trong tình trạng có thể vỡ bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các dự án chống sạt lở triển khai rất chậm…
Rệu rã… bờ bao

Điều đáng lo hiện nay là bờ bao ngăn triều bị rệu rã, lún sụt, luôn trong tình trạng có thể vỡ bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các dự án chống sạt lở triển khai rất chậm…

Chỗ nào cũng xuống cấp

Mặt dù bờ bao năm nào cũng được gia cố và hàng loạt cống ngăn triều đã được xây dựng ở những tuyến kênh, rạch lớn nhằm ngăn nước triều tràn bờ nhưng tình trạng ngập do triều cường vẫn diễn ra phức tạp. Bờ bao rệu rã là nguyên nhân chính của tình trạng này. Quận 12 có hơn 10 bờ bao như bờ bao rạch Tư Hổ (từ cầu Tư Hổ đến sông Sài Gòn), rạch Láng Le, cầu Lớn (từ sông Sài Gòn đến rạch Bảy Đề), cầu Chợ (từ rạch Gia đến cầu Chợ), Sơ Rơ (từ sông Đá Hàn đến cầu Thầy Hải), Rỗng Tùng (từ sông Đá Hàn đến cầu Ba Thôn), Tư Trang (từ quốc lộ 1A đến kênh Đất Sét), Rỗng Lớn (từ rạch Rồng đến cuối tuyến)… và hàng loạt bờ bao nhỏ sâu vào nội đồng thông đến các rạch như rạch ông Cụ, cầu Võ, cầu Chùa (thuộc phường An Phú Đông), rạch Bá Hộ, Năm Hối, Tám Lưới, ông Học, Mốp… (thuộc phường Thạnh Lộc)… nhưng hầu hết đã xuống cấp. Mỗi khi có triều lên, nước triều rò rỉ từ những bờ bao lâu ngày bị lổ mọt, lổ chuột khoét, đã tràn sâu vào đất liền. Cá biệt, vào chiều tối ngày 16-10 vừa qua, nước triều lên cao, áp lực nước mạnh, đã làm bể 7m bờ bao sông Đá Hàn, gây ngập cho 40 nhà dân và hơn 10ha hoa màu thuộc khu phố 2, phường Thạnh Xuân, quận 12. Chủ tịch phường Thạnh Xuân, ông Vũ Anh Đức cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 70km bờ bao đã được kiên cố hóa từ năm 2006. Tuy nhiên, nhiều đoạn đã bi lún thấp và bị mọt đục… Ghi nhận của chúng tôi: nhiều kênh rạch trên địa bàn quận 12 hai đã được đắp bờ bao cao hơn nhà dân tới gần 2m. Thế nhưng, nhiều lòng kênh, rạch đã bị bồi đắp cao hơn nền nhà dân cả mét. Hậu quả, khi triều cường dâng cao, nước chảy qua lổ mọt hoặc theo hệ thống cống dân sinh tràn cả vào nhà dân. 

Bờ bao rạch cầu Làng, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) đã yếu lại còn thấp. Lòng rạch thì dày đặc lục bình, rác thải dồn tại các chân cầu và đầu cống gây cản trở dòng chảy. Mặc dù người dân và chính quyền địa phương đã gia cố nhưng bờ bao ở đây vẫn xuống cấp, nhiều đoạn bị nứt, thậm chí mục nát. Hàng loạt bờ bao khác cũng có nguy cơ bị vỡ do xuống cấp như bờ bao rạch Đĩa (dài 780m), rạch Ụ Ghe (845m)… Riêng bờ bao rạch Lò, khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) vào rạng sáng ngày15-11 bị bể, đã khiến nhiều nhà dân bị ngập. Nước tràn vào quá nhanh khiến ao cá và hơn chục ngàn gốc mai ở khu vực này bị ngập sâu gần 0,5m. Thiệt hại về tài sản của người dân không hề nhỏ. Quận Thủ Đức có hơn 40km bờ bao, nhưng việc gia cố còn quá chậm, thậm chí bờ bao ở những nhánh sông nhỏ tuy đã xuống cấp trầm trọng nhưng hầu như vẫn chưa được sửa chữa.

Tại quận Thủ Đức, đê bao thường xuyên bị vỡ

Tại các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, tình trạng bờ bao “quá đát” cũng đáng báo động. Nhiều đoạn bờ bao vừa yếu vừa thấp như bờ bao rạch Vàm Thầy, rạch cây Điệp, rạch Mười Lến... Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc theo bờ bao này có hàng loạt vết nứt ngang dọc, có nơi vết nứt hở cả gang tay, nhất là những khúc cua. Chưa hết, ở nhiều nhánh nhỏ khác: lỗ mọt, lỗ chuột dày đặc. Nếu không gia cố, khi mưa cùng triều cường dâng cao, khả năng vỡ bờ bao là khó tránh khỏi.

Thi công chậm và ẩu

TPHCM hiện có 33 dự án xây dựng bờ bao phòng, chống triều cường và kết hợp giao thông nông thôn được triển khai trên địa bàn 8 quận, huyện. Khu Quản lý đường thủy nội địa và Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 làm chủ đầu tư 21 dự án với 22 vị trí cần xây dựng. Trong đó, có 18 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 4 vị trí nguy hiểm. UBND các quận, huyện và các đơn vị khác làm chủ đầu tư 12 dự án với 12 vị trí. 8 vị trí còn lại chưa triển khai là do không bố trí được vốn. Hầu hết các dự án này đều triển khai chậm so với tiến độ. Theo Sở Giao thông Vận tải, nguyên nhân là do vướng công tác giải phóng mặt bằng. 

Đã vậy, việc nâng cấp và gia cố bờ bao những năm qua thường làm theo kiểu lở đâu đắp đó. Đoạn nào bị ngập thì nâng lên. Nhiều đơn vị thi công còn tùy tiện lấy đất từ dưới lòng rạch đế đắp bờ bao, trong khi theo nguyên tắc, đất dùng để đắp bờ bao phải là đất cứng. Trong khi đó, tình trạng sạt lở bờ sông, vỡ bờ bao ngăn triều thường xảy ra bất ngờ, có thể gây thiệt hại tài sản và tính mạng người dân.

Năm 2016, Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn TP cùng các quận, huyện kiểm tra, rà soát, đã phát hiện có 42 vị trí có nguy cơ sạt lở cao trên các tuyến bờ bao trên sông, kênh, rạch. Trong đó, có 25 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 17 vị trí nguy hiểm. Nguyên nhân chủ yếu, dẫn đến sạt lở hoặc bể bờ bao là việc khai thác cát bừa bãi tại một số khu vực trên sông Sài Gòn đã làm thay đổi dòng chảy, gây mất cân bằng bùn cát dẫn đến gia tăng xói lở bờ sông, kênh, rạch.


QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục