Rệu rã sau lũ chồng lũ

NHÓM PV
Rệu rã sau lũ chồng lũ

Ngày 17-12, lũ rút dần ở những ngôi làng của miền Trung khi mưa ngớt hạt cùng lúc các thủy điện ngừng điều tiết xả lũ về hạ du. Người dân lần lượt tìm về nhà sau những ngày chạy lũ, thảng thốt trước đống đổ nát, không tài sản, chỉ còn lại toàn sỏi lẫn đá xăm xắp dưới làn nước bạc…

Đến chiều 17-12, vựa hoa lớn của tỉnh Thừa Thiên - Huế ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang vẫn mênh mông biển nước. Tần ngần bên cánh đồng hoa rộng 6,5ha chỉ còn lưa thưa những thanh tre làm giá đỡ, ông Phan Trí Quang, xã Phú Dương buồn bã nói, sau một đêm nỗ lực đội mưa lũ tát nước, đắp đê bao cứu hoa tết, bà con đành buông xuôi khi tuyến bờ bao ngăn sông Phổ Lợi bất ngờ vỡ toang. “Không biết xoay xở thế nào để kiếm sống khi vụ hoa tết - thu nhập cao nhất trong năm giờ đều mất sạch”, ông Phan Trí Quang xót xa. Đó cũng là tình cảnh chung ở tất cả các làng hoa tết và các vùng chuyên canh rau màu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định sau lũ.

Người dân huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) nỗ lực thu hoạch những ruộng hoa bị ngập nhẹ trong mưa lũ.

Đường đến với các ngôi làng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam ngập trong lớp bùn đất đặc quánh, rác bẩn; cây cối gãy đổ từ thượng nguồn các con sông dạt về bám dày đặc; nhiều điểm bị nước lũ cuốn sạt lở đất đá tạo thành những ổ voi, ổ gà lởm chởm. Ông Hà Xuân Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc đang cùng các giáo viên và lực lượng xung kích xã thu dọn lớp bùn non để lại trong khuôn viên Trường Tiểu học Trương Đình Nam cho biết, trường ngập sâu trong lũ nên nhiều đồ dùng dạy học, máy móc bị cuốn trôi. Để học sinh sớm đi học lại ngay sau lũ, địa phương phải huy động tối đa lực lượng dọn bùn tại các phòng học, đường đi. Khó khăn lớn nhất của địa phương lúc này là vấn đề nguồn giống để khôi phục vụ sản xuất đông xuân khi 116ha hoa màu (đậu và ớt) vừa xuống giống đã chết sạch vì lũ.

Phải gánh chịu 4 trận lũ liên tiếp, nhiều ngư dân ở thôn Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) giờ không biết lấy gì để mưu sinh khi lũ lớn, sóng to đã cuốn hết tàu cá của họ ra biển. Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, xác nhận, lũ thượng nguồn đổ về khiến 36 ghe tàu của bà con ngư dân xã Cát Khánh đang neo đậu trong cảng cá Đề Gi bị bứt neo. Hiện 4 chiếc tàu bị chìm hoàn toàn, số còn lại sau khi bị va đập được sóng biển đẩy vào bãi cát ven biển vỡ mạn thuyền; cần đầu tư kinh phí lớn và phải mất nhiều thời gian sửa chữa mới có thể sử dụng.

Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức lực lượng đưa 15 tấn lương khô của Bộ Quốc phòng và Bộ Công thương hỗ trợ, cùng 20.000 thùng mì gói, hàng chục ngàn chai nước uống đến với người dân những vùng bị lũ cô lập nhiều ngày. Bên cạnh đó, nhiều chuyến hàng cứu trợ từ khắp nơi trong cả nước đã và đang đổ về các địa phương vùng lũ miền Trung. Dẫu chỉ như muối bỏ bể so với thống kê thiệt hại ban đầu từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đưa ra, nhưng sự gắn bó, sẻ chia yêu thương kịp thời của Chính phủ và đồng bào trong cả nước bằng cả về vật chất và tinh thần đã tiếp thêm sức mạnh để người dân miền Trung vượt qua cảnh khốn khó, gầy dựng lại cuộc sống mới.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục