Rò rỉ tài liệu mật về tấn công mạng trong bầu cử tổng thống Mỹ

Một báo cáo của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) vừa công bố cho biết đã có một chuỗi các vụ tấn công mạng nhằm vào hơn 100 quan chức bầu cử địa phương và các nhà cung cấp phần mềm phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tài liệu được xếp vào hàng tối mật trên được đăng tải trên trang tin tức The Intercept.

Báo cáo không đưa ra kết luận nào về tác động của các vụ tấn công cũng như không cho biết các vụ việc này có ảnh hưởng đến lá phiếu hay không. Tuy nhiên, văn bản này cho thấy tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống bầu cử của Mỹ sâu hơn so với những gì được biết tới nay.

Ông Joseph Hall, kỹ sư trưởng Trung tâm Dân chủ và Công nghệ và là một chuyên gia nghiên cứu về hệ thống bỏ phiếu, cho biết hệ thống bỏ phiếu có nguy cơ dễ bị tấn công do các chính quyền địa phương thường sử dụng công nghệ của những nhà cung cấp phần mềm tư nhân vốn thiếu nguồn lực để chống lại các vụ tấn công mạng. 

Bà Susan Greenhalgh, một nhà nghiên cứu thuộc Quỹ thẩm tra bỏ phiếu - một cơ quan giám sát bầu cử - cho biết tấn công mạng là một giả thuyết thường trực trong các kỳ bầu cử, song báo cáo của NSA đã xác nhận mối đe dọa này thực sự xảy ra.

Bà nhấn mạnh cần đảm bảo an toàn cho hệ thống bỏ phiếu của Mỹ khi bước vào các cuộc bầu cử trong năm 2018 và 2020. Trong khi đó, nhà khoa học máy tính Alex Halderman của Đại học Michigan cho rằng mặc dù các máy bỏ phiếu không kết nối Internet, song phần lớn các hệ thống điện tử này được lập trình với các máy tính kết nối mạng và điều này có nguy cơ tạo ra lỗ hổng an ninh trong hệ thống bỏ phiếu. 

Ông Andrew Appel, một chuyên gia về khoa học máy tính của Đại học Princeton có kinh nghiệm trong nghiên cứu hệ thống bỏ phiếu, cho biết nếu báo cáo mới công bố có thể tin cậy và vụ tấn công mạng xảy ra chỉ vài ngày trước hôm bỏ phiếu, khó có khả năng ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Tuy nhiên, nếu không được xử lý, những vụ tấn công này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng và rộng khắp.

Ông Appel cảnh báo rằng nếu các lá phiếu bị tác động ngay bên trong máy bỏ phiếu sẽ rất khó để phát hiện trừ khi tiến hành kiểm lại phiếu. 

Ông Bruce Schneier, một chuyên gia tại Trung tâm Klein nghiên cứu về xã hội và Internet thuộc Đại học Harvard, nhận định báo cáo của NSA đã chỉ ra những điểm yếu trong hệ thống bỏ phiếu của Mỹ và là lời cảnh báo đối với giới chức Mỹ để nâng cao an ninh cho các cuộc bầu cử tới.

Tin cùng chuyên mục