Rộ việc đưa người nổi tiếng vào đề thi

Mới đây, sự việc hàng loạt tên tuổi người nổi tiếng như hoa hậu Phạm Hương, ca sĩ Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng vào đề thi học kỳ của Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Nha Trang đã khiến cộng đồng mạng dấy lên tranh cãi có nên lạm dụng việc đưa tên tuổi người nổi tiếng vào đề thi, hiệu quả cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó.

Cụ thể ở một trong những đề thi, người ra đề đã đặt câu hỏi: “Trong nền kinh tế giản đơn, có ba loại hàng hóa do ba người sản xuất: Sơn Tùng MTP sản xuất chuối, Hồ Ngọc Hà sản xuất sữa, Phạm Hương sản xuất bưởi. Giả sử Sơn Tùng MTP chỉ thích uống sữa, Hồ Ngọc Hà chỉ thích bưởi còn Phạm Hương thích ăn chuối, anh/chị hãy cho biết ba người trên sẽ trao đổi với nhau như thế nào trong nền kinh tế nói trên?”. Ở một đề thi khác, nội dung câu hỏi được lặp lại nhưng thay bằng những cái tên người nổi tiếng khác là Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành và Quân Kun. Trước đó, trong đề thi học sinh giỏi môn Văn ở Hải Phòng cũng nhắc đến hai tên tuổi người nổi tiếng là người mẫu Ngọc Trinh và hot girl Lê Thị Huyền Anh (biệt danh Bà Tưng) với nguyên văn các phát ngôn gây sốc của hai nhân vật này. Ngoài ra, nữ vận động viên Ánh Viên, ca sĩ nhỏ tuổi Phương Mỹ Chi cũng từng vào đề thi ở Vũng Tàu và Đà Nẵng.

Không thể phủ nhận một số ảnh hưởng tích cực của những đề thi này như tạo ra sự hứng thú, thoải mái cho học sinh khi làm bài, hướng các em ngoài việc học thuộc lòng các kiến thức trong sách giáo khoa còn phải tích lũy thêm hiểu biết từ cuộc sống để có cái nhìn đầy đủ, đa chiều về các hoạt động diễn ra trong xã hội. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình, bởi bổ sung kiến thức, thông tin xã hội là cần thiết, nhưng các đề tài đó chỉ nên dừng ở mức thảo luận nhóm, trong các buổi học ngoại khóa chứ không nên trong các phần thi bắt buộc. Nhất là ở các khu vực nông thôn, ngoại thành, nơi học sinh không có nhiều điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông, giải trí như học sinh thành thị. Thêm vào đó, trong một số trường hợp lạm dụng đưa tên tuổi người nổi tiếng vào đề thi chẳng những không có tác dụng về mặt giáo dục mà còn tạo ra nhiều diễn giải sai lệch, tạo thành trò cười trên các mạng xã hội.

Theo phân tích của một giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, những đề thi kiểu như “Em có suy nghĩ và cảm nhận gì về hình ảnh bạn Phương Mỹ Chi trong chương trình Giọng hát Việt nhí tiếp nối truyền thống gia đình bằng cách hát những ca khúc ngọt ngào mang đậm âm hưởng dân ca, làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện nhiều bạn trẻ đang quay lưng với âm nhạc truyền thống”. Hay ý nghĩa giọt nước mắt của vận động viên bơi lội Ánh Viên sau khi giành được chiếc huy chương vàng thứ 8 về cho đoàn thể thao Việt Nam tại Sea Games 28… là những đề thi hay, bám sát hơi thở cuộc sống. Nhưng những đề thi ghép nối một cách gượng ép tên tuổi ca sĩ này, người mẫu kia vào đề thi chỉ khiến thí sinh mất thêm thời gian vô ích trong quá trình làm bài. Vì thay vì ghi “cô A.”, “anh B.”, các em phải lặp đi lặp lại nhiều lần họ tên của người nổi tiếng, nhiều khi kéo dài 3, 4 âm tiết (hầu hết kỳ thi hiện nay không cho phép thí sinh viết tắt - PV) mà không có bất kỳ hiệu quả giáo dục nào.

Hiện nay chưa có nghiên cứu chính thức về lợi ích cũng như tác hại của việc đưa tên tuổi người nổi tiếng vào đề thi, song theo nhiều chuyên gia giáo dục, không nên lạm dụng việc làm này. Bởi bất kỳ sự đổi mới nào của giáo dục cũng cần thời gian thẩm định, thay đổi trên cơ sở hợp lý, có chừng mực và lắng nghe phản hồi từ xã hội, không nên dễ dãi chạy theo trào lưu khiến có lợi hay không thì chưa biết nhưng sự nghiêm túc thì rõ ràng đã chẳng còn.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục