Rối loạn chuyển hóa lipid máu: Diễn tiến âm thầm mà nguy hiểm

Rối loạn chuyển hóa lipid máu là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn, trong đó thường gặp nhất là việc tăng cholesterol hoặc tăng triglicerid trong máu. Đáng lo ngại, rối loạn chuyển hóa lipid không có triệu chứng đặc trưng, nhưng nếu để bệnh lý này kéo dài, lipid máu tăng quá cao có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch, thậm chí là đột quỵ và tử vong.

Nguy hiểm cho tim mạch

Sau khi nhận kết quả xét nghiệm máu trong một lần khám sức khỏe định kỳ, mẹ em N.T.M. (ngụ TP Hà Nội) cho biết, em M. mới học lớp 6 nhưng đã nặng hơn 50kg, các bác sĩ phát hiện em có chỉ số mỡ máu toàn phần (cholesterol trong máu) rất cao (lên tới 290mg/dL) trong khi ở người bình thường là dưới 200mg/dL; chỉ số cholesterol xấu (LDL - cholesterol là 170mg/dL) gây nguy hiểm cho cơ thể, trong khi ở người bình thường là dưới 130g/dL. Các bác sĩ chẩn đoán em M. bị rối loạn mỡ máu trên nền thể trạng thừa cân, béo phì.

Để phòng ngừa rối loạn chuyển hóa lipid máu, người dân cần xét nghiệm máu định kỳ
Theo các bác sĩ, tình trạng trẻ em bị rối loạn chuyển hóa lipid là khá phổ biến, nhất là với những trẻ thừa cân, béo phì. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó chủ yếu do ít vận động, thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, ăn nhiều món chiên rán và uống nước ngọt. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũng cho thấy nhiều trường hợp trẻ không thừa cân, béo phì nhưng vẫn bị rối loạn chuyển hóa lipid bẩm sinh hoặc cha mẹ bị rối loạn lipid có khả năng gây ảnh hưởng tới con cái. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, những trẻ bị thừa cân, béo phì thường có nguy cơ bị rối loạn chuyển hóa lipid. Tình trạng này kéo dài mà không được phát hiện có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là tim mạch, khi trẻ trưởng thành.

Tình trạng người trung niên và cao tuổi bị rối loạn chuyển hóa lipid máu cũng khá phổ biến. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, hiện có khoảng 29% người trưởng thành bị rối loạn chuyển hóa lipid máu, hay còn gọi là mỡ máu cao. Ở khu vực thành thị, tỷ lệ này lên đến trên 44%. Đặc biệt, có tới trên 70% người mắc bệnh nhưng không biết mình mắc bệnh. Trong khi đó, mỡ máu tăng cao và kéo dài là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh lý về tim mạch đang gia tăng, như: huyết áp cao, xơ vữa mạch máu, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp, phình tắc động mạch chủ…

Tầm soát để sớm phòng ngừa

Theo các bác sĩ, rối loạn chuyển hóa lipid máu là khi có một hoặc nhiều rối loạn sau: tăng cholesterol toàn phần trong máu, tăng triglycerid máu, tăng LDL - cholesterol hoặc giảm HDL - cholesterol máu. Đáng lưu ý, các triệu chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu thường biểu hiện âm thầm nên khó nhận biết, khiến chúng ta không thực hiện sớm biện pháp phòng ngừa các biến chứng nói chung và bệnh lý tim mạch nói riêng. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Trưởng phòng C6, Viện Tim mạch quốc gia, cho biết, rối loạn lipid máu hoàn toàn có thể điều chỉnh được nhưng phần lớn người bệnh không hề có triệu chứng và hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ đến khi xảy ra các vấn đề về sức khỏe như đột quỵ, nhồi máu cơ tim... mới phát hiện thì đã quá muộn. Hơn nữa, nhiều người cho rằng rối loạn chuyển hóa lipid máu thường chỉ gặp ở người thừa cân, béo phì, nhưng quan niệm này chưa thực sự chính xác vì thực tế không ít người gầy vẫn có chỉ số cholesterol xấu rất cao.

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tăng cholesterol xấu trong máu là do chế độ ăn uống không hợp lý, như thường xuyên sử dụng thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, đồ ngọt, phủ tạng động vật. Cùng với đó, các bệnh lý như: đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh suy giáp, bệnh gan... cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn lipid máu. Đặc biệt, người nghiện rượu bia, người sử dụng một số loại thuốc tránh thai và các dược chất khác cũng có nguy cơ cao rối loạn lipid. Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, khi nồng độ cholesterol, nhất là nồng độ LDL- cholesterol trong máu ở mức cao, sẽ dẫn tới sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây hẹp lòng mạch dẫn tới giảm cấp máu cho các cơ quan, như: hẹp động mạch vành nuôi tim dẫn đến cơn đau thắt ngực. Nguy hiểm hơn nhiều khi mảng xơ vữa trong lòng mạch có thể bị nứt vỡ và bong ra, di chuyển trong dòng máu gây ra biến cố tắc mạch cấp tính, như đột quỵ do tắc mạch máu não, nhồi máu cơ tim do tắc động mạch vành... Đây là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch.

Trước bệnh lý rối loạn chuyển hóa lipid máu đang gia tăng, Hội Tim mạch quốc gia khuyến cáo, tất cả người từ 40 tuổi trở lên không có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch do xơ vữa mạch máu, không mắc đái tháo đường, không bị tăng cholesterol có tính chất gia đình… đều phải tầm soát nguy cơ và đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu. Cùng với đó, để phòng ngừa rối loạn chuyển hóa lipid máu, người dân cần có chế độ ăn đa dạng, kiểm soát năng lượng nạp vào để tránh tình trạng thừa cân, béo phì, hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, thuốc lá. Khuyến khích chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, các loại hạt và nên tránh hoàn toàn sử dụng các loại thực phẩm giàu axít béo dạng bão hòa, đặc biệt giảm lượng muối ăn xuống dưới 5g/ngày.

Đối với trẻ em, phương pháp hiệu quả nhất để điều trị rối loạn lipid máu là hướng trẻ tới chế độ ăn uống khoa học ít chất béo toàn phần, chất béo bão hòa và đồ ngọt, đồng thời tăng cường hoạt động luyện tập, vận động thể chất như: đạp xe, bơi lội, đá bóng, cầu lông… 

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, nên coi chỉ số LDL - cholesterol máu như một thông số thường quy về sức khỏe, như số đo huyết áp, cân nặng, nhịp tim. Người từ 40 tuổi trở lên không có bệnh lý tim mạch vẫn nên mỗi năm làm xét nghiệm máu một lần để kiểm tra chỉ số này. Còn người có rối loạn mỡ máu cần điều trị và các bệnh lý tim mạch thì sau 4-6 tuần mỗi lần điều chỉnh chỉ số LDL - cholesterol cần xét nghiệm máu để kiểm tra lại.

Tin cùng chuyên mục