Rộn ràng đầu xuân

Rộn ràng đầu xuân

        Hà Nội: Phát tài trong năm mới

Tiết trời ấm áp, nắng hanh vàng vào giữa trưa và hơi chút se lạnh vào cuối giờ chiều trong những ngày đầu tiên của năm mới khiến không khí của mùa xuân tại Hà Nội lại càng thêm rộn ràng. Đông vui nhất là ở di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hàng ngàn người đã tới đây trong chiều mùng 1 Tết để cùng cầu chúc cho con, cháu một năm học hành hanh thông, thuận lợi. Khu vực phố “ông đồ” trong những ngày đầu năm càng thêm nhộn nhịp, kẻ đến người đi, nhộn nhịp xin chữ, nghe bình chữ…

Không chỉ ở Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn có đông người đi lễ, mà hầu hết những ngôi chùa trên địa bàn như chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh, phủ Tây Hồ, Bia Bà, đền Ghềnh... đều quá tải. Cùng với việc xuất hiện rất nhiều các cửa hàng bán đồ cúng lễ tại những khu vực có đền chùa, miếu mạo thì nhiều điểm trông giữ xe máy, ô tô tự phát mọc ra như nấm. Lợi dụng tâm lý không thích cò kè, trả giá trong những ngày đầu năm nhiều điểm trông giữ xe đưa ra mức giá cao “cắt cổ” gấp nhiều lần so với ngày thường. Đơn cử như việc trông giữ xe máy tại khu vực đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ phổ biến là 30.000 đồng/xe máy và 100.000 đồng/ô tô.

Người dân Hà Nội mua cành vàng lá ngọc cầu may đầu năm.

Người dân Hà Nội mua cành vàng lá ngọc cầu may đầu năm.

Năm nay, dù lệnh quy định cấm buôn bán, đổi tiền lẻ được đưa ra và nhắc nhở khá gay gắt trước tết song dịch vụ này vẫn tồn tại ngang nhiên tại nhiều cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, ngay tại khu vực Bia Bà - Hà Đông - Hà Nội phải có đến hàng chục cửa hàng đổi tiền lẻ. Dù không trưng biển như trước nhưng các tủ kính bày tiền lẻ để giao dịch vẫn nằm chình ình trong mọi cửa hàng bán đồ lễ ở phía trong và ngoài khuôn viên của di tích. Tỷ lệ đổi tiền năm nay cũng được đẩy lên khá cao. Tiền mệnh giá 500 đồng tỷ lệ đổi “10 ăn 5”, mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng tỷ lệ đổi là “10 ăn 8”, còn 2.000 đồng tỷ lệ đổi là “10 ăn 7” và việc đổi tiền cũng diễn ra ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật .

        ĐBSCL: Du lịch tết khởi sắc

Đêm 30-1 (đêm 30 Tết), Chương trình nghệ thuật mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 với chủ đề “Tết nghĩa tình” do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và VTV Cần Thơ phối hợp tổ chức đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân ĐBSCL. Không chỉ đem đến lời ca, điệu múa rộn ràng sắc xuân trong khoảnh khắc chào đón năm mới, chương trình còn gởi gắm những tình cảm yêu thương, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của cộng đồng với mong muốn chia sẻ, động viên các gia đình chính sách, những người có công với nước, các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo với những phần quà đầy ý nghĩa trong dịp Tết Giáp Ngọ này, phát huy nét đẹp truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Dịp này, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động được 3,3 tỷ đồng để chăm lo cho những gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa vui xuân đón tết.

Những năm gần đây, du lịch sinh thái miệt vườn tại ĐBSCL phát triển rất mạnh. Sự kết hợp hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên, sông nước hữu tình là điểm nổi bật giúp các địa phương trong khu vực hấp dẫn khách phương xa. Đặc biệt, dịch vụ thưởng ngoạn trên những chuyến xe ngựa được xem là một trong những loại hình hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nhất là vào dịp Tết Giáp Ngọ này.

Chuẩn bị Tết Giáp Ngọ 2014, ngoài những dịch vụ quen thuộc như bơi xuồng trên sông, tham quan vườn cây ăn trái,… nhiều điểm du lịch tại ĐBSCL trang bị thêm xe ngựa phục vụ khách du xuân. Tại điểm du lịch sinh thái Hương Dừa (huyện Châu Thành, Bến Tre) có khoảng 20 chiếc xe ngựa phục vụ du khách. Không chỉ làm mới các điểm du lịch mà dịch vụ xe ngựa còn tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có việc làm ổn định. Vào dịp Tết Giáp Ngọ này, trung bình mỗi ngày người đánh xe ngựa phục vụ khoảng 10 chuyến xe, với 25.000 đồng/chuyến, theo đó, một ngày người đánh xe ngựa thu nhập khoảng 250.000 đồng/người. Với nét đẹp của một thời xa xưa còn lưu giữ, dịch vụ ngồi xe ngựa đang giúp các khu du lịch tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan, nhất là dịp Tết Giáp Ngọ này.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục