Chỉ mới manh nha xuất hiện ở Việt Nam trong một thời gian ngắn, dịch vụ xem phim theo yêu cầu được xem là mảnh đất màu mỡ chưa khai phá hết tiềm năng. Theo cung cầu của thị trường, tác động trên cả hai mặt tích cực và hạn chế của dịch vụ, đó là những thứ có thể thấy rõ rệt về dịch vụ này.
Khởi động
Đầu tháng 1-2016, Fim+ (thuộc Công ty Cổ phần Fim Plus, thành viên của Galaxy Media & Entertainment - Galaxy ME) là dự án đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim theo nhu cầu (Video on demand - VOD) với chất lượt HD, có bản quyền phụ đề hai thứ tiếng Anh và Việt. Kho phim của Fim+ thời gian đầu ra mắt đã có hơn 1.000 phim ở nhiều thể loại khác nhau: hành động, hài, tâm lý, lãng mạn, kinh dị, gia đình, phim Việt và được cập nhật khá thường xuyên. Fim+ áp dụng mức phí 50.000 đồng/tháng với quyền lợi xem không giới hạn số phim và số lần xem trong một tháng. Ngoài ra, khán giả cũng có quyền lựa chọn xem phim theo nhu cầu cá nhân với mức phí 20.000 đến 50.000 đồng/phim và được xem trong vòng 48 giờ.
Tháng 10-2016, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, BHD trở thành đơn vị thứ hai của Việt Nam giới thiệu dịch vụ VOD mang tên Danet. Theo ông Châu Quang Phước, quản lý truyền thông của Danet, BHD đã ký kết với hàng loạt studios và hãng phim hàng đầu thế giới, như: Paramount, Fox, Disney và NBC (Mỹ), các hãng phim hàng đầu châu Á và các nước khác… với toàn bộ các phim mới sản xuất trong năm được giới thiệu trên Danet cùng ngày với ngày ra mắt ở Mỹ hoặc khu vực trên cùng hệ thống VOD. Các nội dung do BHD, VTV sản xuất và các đài truyền hình lớn như SBS, KBS, MBC (Hàn Quốc)… cũng được mua bản quyền. Khác với Fim+, Danet có đến 3 lựa chọn dịch vụ khác nhau: miễn phí (phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, một số chương trình thực tế...); phim gói (50.000 đồng/tháng) và thuê phim (12.000 đồng - 29.000 đồng/phim). Một điểm chung của cả Fim+ và Danet đó là ứng dụng VOD có thể xem trên các thiết bị di động thông minh như điện thoại, máy tính bảng, tivi có kết nối internet...
Khán giả có cơ hội xem lại phim Việt mới trên VOD
Cũng trong đầu năm 2016, một “ông lớn” trong lĩnh vực VOD - Netflix cũng chính thức được giới thiệu tại Việt Nam, nâng tổng số thị trường mà thương hiệu này đã có mặt lên con số 190 quốc gia trên toàn thế giới. So với Fim+ và Danet, Netflix có mức giá cao hơn từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng tùy thuộc vào số lượng màn hình, độ phân giải.
Tại Việt Nam, ngoài 3 đại diện tiêu biểu nói trên, FPT Play của FPT và MyTV Net của VNPT cũng là những đơn vị cung cấp dịch vụ VOD. Ngoài ra, hệ thống hàng trăm website xem phim trực tuyến, bao gồm cả chính thống và vi phạm bản quyền cũng ngày một nở rộ, khiến miếng bánh thị phần này ngày càng béo bở.
Nhiều tích cực
Đánh giá về tiềm năng của thị trường Việt Nam, ông Rahul Pushkarna, đại diện Hãng phim 20th Century Fox - phụ trách mảng kinh doanh kỹ thuật số khu vực Đông Nam Á, đối tác của Danet chia sẻ: “Việt Nam là một đất nước có nền kinh tế phát triển vượt trội và đặc biệt, người Việt Nam thật sự sành sỏi trong việc xem phim. Họ muốn xem những nội dung tốt nhất, trên những nền tảng tốt nhất. Tôi hy vọng rằng, 20th Century Fox nói riêng và các studio Hollywood khác cùng với Danet có thể đáp ứng được nhu cầu này của khán giả Việt Nam”. Tuy nhiên, do các hãng phim lớn Hollywood và thế giới không làm việc với cá nhân có lý lịch không rõ ràng hoặc đã từng vi phạm bản quyền, do vậy, muốn có được bản quyền cho một kho phim nước ngoài phong phú cũng là câu chuyện không hề đơn giản, dù nhu cầu thị trường là điều hiển nhiên. Vì vậy, những nỗ lực của Danet hay Fim+ cần được ghi nhận.
Thực tế cho thấy, sự phát triển của dịch vụ VOD là một hệ quả tất yếu của thị trường trong bối cảnh hệ thống mạng lưới internet Việt Nam có những bước tiến nhanh, mạnh và nhu cầu ngày càng tăng cao của người dùng. Khán giả hiện nay, ngoài một bộ phận thường xuyên đến rạp thưởng thức các tác phẩm điện ảnh mới, còn một bộ phận không nhỏ muốn được thưởng thức những bộ phim có bản quyền, phụ đề và chất lượng tốt. Với những khán giả muốn xem các bộ phim Việt kinh điển, hoặc xem phim Việt mới ra rạp, yêu cầu này là rất khó. Khoảng trống đáng kể của thị trường này cũng đòi hỏi được lấp đầy.
Xét ở phương diện khác, một tỷ lệ lớn của miếng bánh thị phần này hiện rơi vào những website xem phim lậu không có bản quyền, chất lượng thấp, đi kèm với nhiều rủi ro. Thống kê cho thấy, quảng cáo trên các website xem phim lậu hiện nay có đến 39% là bất hợp pháp, trong đó có tỷ lệ 38% là cờ bạc; 27% là phim đen; 13% là lừa đảo... và nguy cơ dính phải mã nguồn độc hại luôn chực chờ. Do vậy một dịch vụ giải trí chất lượng cao, ổn định và an toàn, không còn nỗi lo mã nguồn độc hại từ các trang web lậu và quảng cáo bẩn là yêu cầu chính đáng của người dùng.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thị trường và khán giả, mặt tích cực khác của các dịch vụ VOD, đó là góp phần gia tăng doanh thu cho các bộ phim, đặc biệt phim Việt. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện BHD: “Ở nước ngoài, doanh thu phim chỉ chiếm 30% - 50% tổng doanh thu; 20% - 30% đến từ việc phát hành trên mạng... Trong khi đó, ở Việt Nam ngoài tiền thu được từ rạp chiếu phim Việt, không hề có doanh thu nào khác, nhiều trường hợp chịu tổn thất do bị phát tán lậu”. Dịch vụ VOD của Fim+, Danet, Netflix... ra đời có thể xem là nguồn thu khác cho các nhà sản xuất, phát hành phim nội, dù hiện tại số tiền thu về chưa cao.
Trong những bước đi đầu tiên, dịch vụ VOD tại Việt Nam vẫn còn những tồn tại nhất định: kho phim chưa đáp ứng hết nhu cầu người dùng, mức giá dịch vụ còn nhiều ý kiến trái chiều, một số vấn đề liên quan đến chất lượng phim, sự cạnh tranh khốc liệt từ các web xem phim trực tuyến… Thị trường đã mở và trong tương lai hứa hẹn sẽ còn nhiều thay đổi tích cực để đáp ứng yêu cầu người xem ngày càng tốt hơn.
VĂN TUẤN