Rớt giá bồi thường vì… đất cây xanh

Trong cùng một dự án nhưng có người được bồi thường giá cao, có người phải chịu giá thấp vì lý do đất của họ sau khi giải phóng mặt bằng thì làm hạ tầng chứ không phải xây nhà nên giá không cao. Điều này có hợp lý?
Rớt giá bồi thường vì… đất cây xanh

Trong cùng một dự án nhưng có người được bồi thường giá cao, có người phải chịu giá thấp vì lý do đất của họ sau khi giải phóng mặt bằng thì làm hạ tầng chứ không phải xây nhà nên giá không cao. Điều này có hợp lý?

Phân biệt bồi thường trong cùng dự án

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án, nhất là các dự án nhà ở, xin đầu tư cuốn chiếu do thời gian kéo dài vẫn chưa giải phóng hoàn toàn mặt bằng. Đa số diện tích mặt bằng chưa bồi thường được đều rơi vào các vị trí xây dựng hạ tầng: cây xanh, đường sá, hệ thống xử lý nước thải - thoát nước… Thế nhưng, sau khi đã bán căn hộ, nền đất, nhiều chủ đầu tư cũng lơ luôn việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật.

Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn - Gia Định xin đất đầu tư dự án chung cư tại phường Thới An, quận 12. Phần diện tích xây dựng chung cư đã được giải phóng hoàn toàn, các căn hộ chung cư đã bán hết, nhưng phần mặt bằng làm đường đi và hạ tầng đến nay vẫn chưa được bồi thường. Phần diện tích xây dựng chung cư được đền với mức 2,5 triệu đồng/m², còn phần diện tích xây dựng hạ tầng bất ngờ bị hạ xuống còn 2 triệu đồng/m². Theo lý giải của chủ đầu tư là do thị trường bất động sản đi xuống (?!). Tất nhiên, người dân không chấp nhận mức giá này nên khiếu nại khắp nơi và chủ đầu tư cũng bỏ lửng. Hậu quả là người dân sống trong chung cư phải đi vào nhà bằng con đường quanh co, đầy cỏ dại và đất đá, sình lầy.

Một trường hợp bị ép giá khác là dự án công viên tiểu khu 3 tại phường Bình Trị Đông B, Bình Tân. Hơn 20 năm triển khai, đến nay dự án vẫn là bãi đất hoang cỏ mọc ngút đầu do chủ đầu tư chây ỳ vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng. “Sau nhiều lần người dân phản ánh, kiến nghị khắp nơi, chủ đầu tư dự án mới tổ chức gặp dân. Nhưng họ đưa ra mức giá chỉ 2 triệu đồng/m² và bảo rằng theo quy hoạch, đất của chúng tôi nằm ở vị trí xây dựng công viên cây xanh nên không đền bù giá cao được. Chúng tôi biết một số hộ đã được đền bù cao hơn mức giá đó. Vì sao trong cùng một dự án lại có sự phân biệt đối xử như vậy? Tôi biết dự án này tiếng là công viên cây xanh nhưng trong đó có xây dựng chung cư để bán”, ông Nguyễn Văn Công, một người dân có đất trong dự án bày tỏ bức xúc.

Chung cư ở phường Thới An (quận 12, TPHCM) chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khách hàng mua căn hộ phải đi vào nhà bằng con đường đất tạm bợ

Những dự án “vạt nạc, chừa xương

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Theo tinh thần Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành thì ngoài các dự án phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng, các dự án kinh tế - xã hội quan trọng… do Nhà nước thu hồi và định giá, còn với các dự án thương mại, giá bồi thường giải phóng mặt bằng là giá tự thỏa thuận giữa chủ đầu tư và chủ đất, trên cơ sở giá thị trường. Giá đất để tính bồi thường là giá của loại đất mà chủ đất đang sử dụng chứ không phải giá đất theo mục đích quy hoạch trong tương lai. Bên cạnh đó, giá trị một căn hộ hay nền đất không chỉ có tiền đất, tiền xây dựng công trình mà còn có tiền hạ tầng, vị trí và các tiện ích. Điều đó có nghĩa là cây xanh hay công trình công cộng cũng được chủ đầu tư đem bán, chứ không phải đầu tư “từ thiện” cho khách hàng. Do đó, không thể bắt người dân chịu thiệt thòi để chủ đầu tư hưởng lợi. “Chủ trương của thành phố là người dân bị di dời, giải tỏa phải có cuộc sống tốt hơn hoăc bằng nơi ở cũ. Nếu đền bù giá thấp thì làm sao tái định cư, tái sản xuất được? Lấy lý do đất cây xanh, đất công cộng mà ép giá người dân là trái với Luật Đất đai, trái chủ trương của thành phố và trái cả quy tắc kinh doanh”, luật sư Hậu nhận xét.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho biết nếu rơi vào trường hợp của người dân, ông cũng không chấp nhận cách bồi thường như thế: “Anh thu hồi dự án làm gì tôi không cần biết vì tôi sẽ di dời chứ có ở đó đâu. Tôi chỉ biết trong một dự án, ông hàng xóm cũng giấy tờ, nguồn gốc, đóng thuế như tôi nhưng được đền 2,5 triệu đồng/m² mà đất tôi chỉ được 2 triệu đồng/m² là điều vô lý”.

Theo ông Toàn, đó là cách ứng xử rất vô trách nhiệm của chủ đầu tư, “Họ cố tình ép giá để dân không chấp nhận di dời, rồi lấy lý do đó để né tránh việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Đó là những dự án “vạc hết nạc, chừa xương”, bắt Nhà nước phải gánh việc đầu tư hạ tầng thay chủ đầu tư. Vì thế, sở đã kiến nghị UBND TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng ban hành quy định, doanh nghiệp phải bồi thường, giải phóng mặt bằng 100% mới cho khởi công. Trường hợp đã bán căn hộ, nền đất mà chưa hoàn chỉnh hạ tầng cần phạt nặng chủ đầu tư”, ông Toàn nói.

KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục